Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên "nặng chưa từng có" của Mỹ?

08:03, 02/03/2018

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã gọi loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên là “nặng nhất từ trước tới nay”.

Theo tờ The Hill (Mỹ), tờ báo chính thức của Quốc hội Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới được coi là một bước đi quan trọng trong chiến dịch gây sức ép lên Triều Tiên mà chính quyền Mỹ áp đặt.

Phần lớn thời gian ông Trăm làm tổng thống, Mỹ và Triều Tiên đã liên tục khẩu chiến trong bối cảnh Triều Tiên có nhiều bước tiến dài hướng tới phát triển vũ khí hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ.

Chính quyền của ông Trăm cũng đã áp dụng nhiều cơ chế trừng phạt Triều Tiên, từ một số vòng trừng phạt quốc tế cứng rắn hơn bao giờ hết thông qua Liên hợp quốc cho tới các biện pháp đơn phương.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Sti-vơn Em-nu-chin cho biết Mỹ hiện giờ đã có 450 biện pháp trừng phạt Triều Tiên, một nửa trong số đó được áp dụng trong năm 2017.

Sau đây là những điều rút ra từ các biện pháp mới nhất.

Mục tiêu: Các hoạt động bất hợp pháp trên biển

Biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 27 Cty thương mại và tàu biển, 28 tàu và một cá nhân nhằm ngăn chặn hoạt động thương mại ngầm với Triều Tiên.

Các thực thể bị nhằm vào có trụ sở, đăng ký và cắm cờ ở Triều Tiên, Trung Quốc, Xinh-ga-po, Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc), Quần đảo Mác-san, Tan-da-ni-a, Pa-na-ma và Cô-mô-rốt.

Biện pháp trừng phạt đặc biệt hướng tới hoạt động chuyển nhiên liệu và than giữa các tàu. Đây là hai thứ Triều Tiên cần cho nền kinh tế và chương trình hạt nhân, tên lửa.

Theo một chuyên gia, hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến Triều Tiên bị tổn hại thế nào. 

Ông An-đriu Ke-lơ, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ từng phụ trách các biện pháp trừng phạt, số lượng mục tiêu trừng phạt lớn có thể tạm thời bóp nghẹt hoạt động tàu biển của Triều Tiên. Nhưng không có đảm bảo cho thấy hành động ngày hôm nay cuối cùng sẽ hiệu quả trong ngăn chặn hoạt động thương mại ngầm về nhiên liệu và than với Triều Tiên.

Ông Trăm vừa công bố lệnh trừng phạt nặng nhất từ trước tới nay nhằm vào Triều Tiên. Ảnh: Internet
Ông Trăm vừa công bố lệnh trừng phạt nặng nhất từ trước tới nay nhằm vào Triều Tiên. Ảnh: Internet

Mỹ cảnh báo thế giới

Ngoài các biện pháp trừng phạt, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng Lực lượng bảo vệ bờ biển đã ra khuyến cáo về hoạt động tàu biển toàn cầu, lưu ý với thế giới rằng sẽ có hậu quả nếu giúp Triều Tiên.

Khuyến cáo có đoạn: “Là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa với Triều Tiên, Mỹ cam kết ngăn chặn Triều Tiên dùng tiền phi pháp cho chương trình vũ khí… Mỹ sẽ tiếp tục nhằm vào các cá nhân hỗ trợ hoạt động tàu biển phi pháp của Triều Tiên, cho dù họ ở đâu đi chăng nữa”.

Bộ Tài chính cũng đã công bố 5 bức ảnh mới được cho là bằng chứng chứng minh Triều Tiên sử dụng các “chiến lược” để lách lệnh trừng phạt. Ví dụ, một bức ảnh mà Bộ Tài chính Mỹ cho rằng có một tàu Triều Tiên không khai báo tại cảng Trung Quốc đã dùng một tên mà không khớp với tên bất kỳ con tàu nào hiện tại cũng như trước đây. Con tàu này đã dùng số mà Tổ chức Hàng hải Quốc tế cấp cho một con tàu hoàn toàn khác để tránh bị phát hiện.

Nga không phải là mục tiêu trừng phạt

Mặc dù các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thực thể toàn thế giới có làm ăn với Triều Tiên, nhưng không có thực thể nào của người Nga.

Nga và Trung Quốc vốn bị Mỹ cáo buộc là hỗ trợ Triều Tiên lách trừng phạt. Việc không có tên Nga trong loạt trừng phạt mới khiến nhiều nhà phê bình cho rằng ông Trăm đang mềm mỏng với Nga.

Trong thực tế, Hạ nghị sĩ Dân chủ Ê-li-ốt An-ghen, một thành viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, coi đây là cơ hội để chỉ trích ông Trăm vì không áp đặt trừng phạt Nga. Ông An-ghen cho rằng việc Nhà Trắng không trừng phạt Nga là điều “lạ”.

Bộ trưởng Em-nu-chin khẳng định chính quyền Mỹ sẽ trừng phạt tàu và thực thể Nga nếu có thông tin về hành động giúp Triều Tiên.

Tan băng Ô-lim-pích đang chấm dứt

Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra trong bối cảnh I-van-ca Trăm, con gái kiêm cố vấn cấp cao của Tổng thống Trăm dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Hàn Quốc dự lễ bế mạc Ô-lim-pích. 

Bộ trưởng Em-nu-chin khẳng định việc thông báo các biện pháp trừng phạt vào thời điểm đó không phải là chủ ý mà chỉ là thông báo khi các biện pháp đã sẵn sàng. Dù vậy, ông Em-nu-chin cũng nói thêm rằng I-van-ca đã được thông tin đầy đủ về các biện pháp trừng phạt và bà đã trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in trong bữa tối.

Quá trình diễn ra Ô-lim-pích đã khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên giảm bớt khi Mỹ nhất trí hoãn tập trận chung với Hàn Quốc, còn Triều Tiên cử vận động viên và phái đoàn tới Ô-lim-pích.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng băng tan ngoại giao sẽ không kéo dài lâu. Biện pháp trừng phạt Triều Tiên nặng chưa từng có mà Mỹ vừa tuyên bố một lần nữa khẳng định quan hệ Mỹ - Triều sẽ không sớm ấm lên.

Vẫn có lựa chọn quân sự

Vài giờ sau khi ông Trăm thông báo các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, ông đã đưa ra khả năng hành động quân sự. 

Ông Trăm cảnh báo: Nếu các biện pháp trừng phạt không có tác dụng, “chúng ta sẽ phải đi tới giai đoạn hai” và có thể là thứ rất cứng rắn và “rất không may cho thế giới”. Hiện chưa rõ ông Trăm đang ám chỉ hành động nào.

Trước đó, khi bị phóng viên hỏi vài lần về khả năng phong tỏa hải quân mà Triều Tiên có thể coi là hành động chiến tranh, ông Em-nu-chin từ chối bình luận về lựa chọn quân sự. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không thông báo trước bất kỳ điều gì chúng tôi có thể làm trong tương lai về hành động quân sự”.

Về phần mình, Triều Tiên ngày 25-2 đã chỉ trích biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ, coi đây là hành động chiến tranh. Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói trong một tuyên bố: “Như chúng tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi coi bất kỳ biện pháp hạn chế nào nhằm vào chúng tôi là hành động chiến tranh”. Triều Tiên cũng thề sẽ trả đũa nếu Mỹ “dám” đối đầu với mình một cách cứng rắn./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com