Phía sau việc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ "bảo kiếm" hạt nhân đổi lấy đối thoại với Mỹ

08:03, 09/03/2018

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Dâng-un tuyên bố sẵn sàng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy đối thoại với Mỹ. Đối với những người theo dõi sát sao tình hình Bán đảo Triều Tiên, đây là một dấu hiệu tích cực và có thể thúc đẩy Mỹ - Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Kim Dâng-un đưa ra tuyên bố trên với phái đoàn Hàn Quốc có mặt tại Bình Nhưỡng. Tuyên bố của ông Kim đã khiến ngay cả Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm cũng phải mô tả là một “tiến bộ” và nhận định các bên có liên quan đều đang nỗ lực nghiêm túc.

Mỹ từ lâu đã khẳng định sẽ không đàm phán với Triều Tiên chừng nào Triều Tiên không muốn bàn về phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Triều Tiên từ trước luôn giữ vững quan điểm không đàm phán về hạt nhân.

Khi Triều Tiên bất ngờ thay đổi quan điểm và hướng tới khả năng đàm phán với Mỹ, dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi cần phải giải đáp.

1. Triều Tiên có thực sự muốn từ bỏ hạt nhân?

Chi tiết về lời đề nghị của Triều Tiên không đến trực tiếp từ nước này mà được thông báo qua phái đoàn cấp cao Hàn Quốc vừa thăm Bình Nhưỡng trở về.

Trưởng phái đoàn là ông Chung Ui-dong, Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Phủ tổng thống Hàn Quốc, thông báo với phóng viên ngày 6-3 rằng Triều Tiên để ngỏ khả năng đàm phán “thẳng thắn” về phi hạt nhân hóa và sẽ ngừng các vụ thử tên lửa, hạt nhân khi diễn ra đàm phán. Theo ông Chung, nhà lãnh đạo Kim Dâng-un cho biết Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu an ninh quốc gia và chế độ được đảm bảo.

Theo nhận định của tờ Washington Post, đây rõ ràng là một nhượng bộ lớn từ phía Triều Tiên. Trước đây, Bình Nhưỡng luôn khẳng định vũ khí hạt nhân, mà nước này coi như “bảo kiếm”, không thể đem ra đàm phán với Mỹ. Do vậy, nếu đàm phán diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên đưa vấn đề phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán.

Theo các nhà phân tích, cho dù Triều Tiên không thực sự muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng ít nhất ý định muốn đàm phán và ngừng thử hạt nhân đã là những tín hiệu tích cực, có thể mang đến những tiến bộ làm giảm thêm căng thẳng.

Ông Rô-bét Ai-hao, nhà phân tích về kiểm soát vũ khí tại Viện Brookings, nhận định: “Đó không phải là một cam kết vô điều kiện về từ bỏ chương trình hạt nhân. Tại thời điểm này, chưa rõ họ sẽ cam kết với điều gì”.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng đối thoại có thể mang đến những kết quả ngoài dự đoán. Ông Gien-ni Tao, Trợ lý Giám đốc Viện Mỹ - Triều thuộc Trường Đại học Giôn Hốp-kin, nói: “Đó là một cánh cửa cơ hội lớn”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (phải) và ông Chung Eui-yong, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo Kim Dâng-un (phải) và ông Chung Ui-dong, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: AFP

2. Mỹ sẵn lòng từ bỏ gì để “đáp lễ”?

Trong thông tin mà một quan chức Hàn Quốc cấp cao nói với báo chí, có một chi tiết hết sức đáng lưu ý: Ông Kim Dâng-un hiểu rằng tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ diễn ra với quy mô tương tự như những năm trước nhưng ông hy vọng tập trận có thể được giảm bớt trong tương lai.

Từ lâu, Triều Tiên luôn coi những cuộc tập trận này là cái gai trong mắt, là dấu hiệu cho thấy Mỹ - Hàn Quốc diễn tập xâm lược Triều Tiên. Trước đây, Nga và Trung Quốc từng đề xuất biện pháp “đóng băng kép”, theo đó Triều Tiên ngừng thử vũ khí, còn Mỹ - Hàn ngừng tập trận chung.

Tuy nhiên, nếu Triều Tiên chấp nhận việc Mỹ - Hàn tiếp tục tập trận trong khi bản thân lại ngừng thử vũ khí, vậy Triều Tiên đang đòi hỏi được đáp lại điều gì? Về lâu dài, đây là câu hỏi khiến nhiều nhà phân tích về Triều Tiên lo lắng.

Ông Đu-ông Kim, thành viên Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên, nhận định: “Trở ngại lớn nhất sẽ là thống nhất kết quả cuối cùng của đàm phán Mỹ - Triều và nhất trí một cái giá cho kho hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong các cuộc đàm phán trước đây, việc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân phụ thuộc vào việc chấm dứt liên minh Mỹ - Hàn và rút binh sĩ Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên”. Ngoài ra, một khả năng rõ ràng trong ngắn hạn là Triều Tiên sẽ muốn được giảm nhẹ trừng phạt. 

Về khả năng Mỹ và Triều Tiên trao đổi với nhau, các chuyên gia vẫn cho rằng cần phải chờ xem hai bên sẽ nhượng bộ đến đâu.

3. Đàm phán có đạt thỏa thuận và thỏa thuận có bền vững? 

Trước đây, đã có nhiều nỗ lực đàm phán với Triều Tiên. Các thỏa thuận mà những cuộc đàm phán này đạt được, ví dụ như “thỏa thuận khung” năm 1994 hay thỏa thuận phi hạt nhân hóa năm 2005 sau các cuộc đàm phán 6 bên, cuối cùng đều đổ vỡ. 

Do đó, bất kỳ cuộc đàm phán nào mới cần phải rút bài học từ những sai lầm này. Ông Brúc-xơ Ca-linh-nơ, một cựu chuyên gia phân tích Cục Điều tra Liên bang Mỹ và nay làm cho Heritage Foundation, cho rằng các cuộc đàm phán trước đây chỉ chăm chăm đạt được một thỏa thuận mà không tập trung vào chi tiết. Do đó, đàm phán thường dẫn tới những thỏa thuận mà từ ngữ mơ hồ, cộc lốc, khiến mỗi bên diễn giải theo một kiểu. Một nguyên nhân khiến các thỏa thuận đổ vỡ là do thiếu biện pháp kiểm chứng.

Trong tình hình hiện nay, khả năng đạt được thỏa thuận sẽ khó hơn do khác biệt rõ ràng giữa chính quyền của ông Trăm và chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in. Thậm chí ngay trong nội bộ Hàn Quốc cũng có chia rẽ sâu sắc về đàm phán với Triều Tiên. 

Một nhóm đàm phán tốt có thể xử lý những khó khăn về phía Hàn Quốc, nhưng với Mỹ, mọi chuyện sẽ rắc rối hơn. Hiện nay, ông Giô-dép Dăn, chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã tuyên bố nghỉ hưu và Mỹ còn chưa đề cử đại sứ tại Hàn Quốc.

Ông A-lếch-xăng-đra Ben, Giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho rằng chính quyền Mỹ cần phải ưu tiên xây dựng một nhóm đàm phán để đạt được thỏa thuận với Triều Tiên. Ông Ben nói: “Tổng thống Trăm thường khoe về kỹ năng đàm phán và cho rằng chính quyền của ông có khả năng làm những điều vĩ đại. Đây là một cơ hội để làm một điều vĩ đại”./.

Theo Báo Tin Tức



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com