"Hổ Mang Vàng 2018": Hé lộ chiến lược Đông Nam Á của Tổng thống Trăm

08:03, 13/03/2018

Quy mô và tính chất của cuộc tập trận đa phương Hổ Mang Vàng 2018 vừa diễn ra ở Thái Lan đã thể hiện tính thực dụng trong chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và sự sẵn sàng can dự với khu vực Đông Nam Á của Oa-sinh-tơn.

Tạp chí “The Diplomat” nhận định sự can dự của chính quyền Tổng thống Trăm ở châu Á tiếp tục được đẩy mạnh với cuộc tập trận thường niên Hổ Mang Vàng từ ngày 13 đến 23-2. Kể từ khi Mỹ hạ cấp quan hệ với Thái Lan sau vụ đảo chính năm 2014, số lượng quân nhân Mỹ tham gia các cuộc tập trận quân sự Hổ Mang Vàng được duy trì ở mức 3.600 người mỗi năm. Song năm nay, Mỹ đã nâng số quân nhân tham gia lên tới 6.800 người. Ngoài ra, hạng mục diễn tập tấn công đổ bộ đã được đưa trở lại sau khi bị loại khỏi phạm vi diễn tập từ năm 2014.            

Đối với một số nhà quan sát, điều này có thể được xem như là một phần của việc thiết lập lại quan hệ Mỹ - Thái Lan, khởi đầu là động thái Tổng thống Đô-nan Trăm điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-o-cha để tái khẳng định liên minh lâu năm. Ông Trăm sau đó đã tiếp ông Pray-út Chan-o-cha tại Nhà Trắng vào tháng 10-2017.

Sau Hổ Mang Vàng 2018, Thái Lan có thể sẽ tận dụng vị trí chiến lược quan trọng của nước này và sự sẵn sàng của Mỹ để lôi kéo Oa-sinh-tơn can dự, bất chấp những bất đồng chính trị. Điều quan trọng hơn là phải nhận thức được rằng cuộc tập trận này vượt quá khuôn khổ liên minh Mỹ - Thái Lan và đặt nó trong bối cảnh rộng hơn của việc Mỹ tăng cường hợp tác an ninh ở châu Á.

Tổng thống Trump tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (thứ hai bên trái) và phu nhân tại Nhà Trắng. Ảnh: AP
Tổng thống Trăm tiếp Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-o-cha (thứ hai, bên trái) và phu nhân tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Những mối quan tâm và sự can dự của Mỹ ở châu Á

Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018 cho thấy chính quyền Tổng thống Trăm đã xác định cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên là hai trong số những mối quan tâm hàng đầu của Mỹ.  

Cụ thể, Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 cho rằng Trung Quốc muốn “thay thế” Mỹ và thiết lập một trật tự mới trong khu vực bằng cách lôi kéo kinh tế, thông tin tuyên truyền và gây sức ép. Báo cáo chiến lược cũng chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây phương hại tới “tự do thương mại hàng hải, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại sự ổn định khu vực”. Do đó, Oa-sinh-tơn nhận thức được vai trò rất quan trọng của việc mở rộng các mối quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để hình thành một cấu trúc an ninh có khả năng ngăn chặn sự xung đột và duy trì hòa bình - ổn định dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Bên cạnh đó, Mỹ cũng coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một thách thức nghiêm trọng. Trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng năm nay, điều đáng chú ý là khoa mục lính thủy đánh bộ tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ trên bãi biển Hat Dao. 

Một số nhà quan sát đã nhanh chóng xem xét động thái này trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn trên Bán đảo Triều Tiên. Bất kể ý định thực sự của sự sắp xếp này, nó cho thấy việc chính quyền Tổng thống Trăm nâng cấp mức độ can dự trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng phải được nhìn nhận dưới quy mô của chiến lược chính sách đối ngoại rộng hơn chứ không chỉ giới hạn trong liên minh Mỹ - Thái Lan.

Nhiều người đã nói về những sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trăm. Tuy nhiên, sự can dự của ông ở châu Á đã mang lại một động năng ngày càng lớn. Không giống như chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, chính quyền mới của Mỹ đã chứng tỏ sự sẵn sàng can dự với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á với nhiều “phong cách” khác nhau. Điều này chỉ ra rằng chính quyền Mỹ đã tách biệt lợi ích với các giá trị và ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của việc duy trì ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Đông Nam Á có nên hoan nghênh sự “tái can dự” của Mỹ?

Có người cho rằng Đông Nam Á nói riêng nên hoan nghênh sự can dự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực như là một sự cân bằng cần thiết đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á có thể phải cảnh giác vì họ e ngại Trung Quốc nhận thức sai rằng các nước đang tham gia một chiến lược ngăn chặn do Mỹ đứng đầu. 

Sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm môi trường an ninh khu vực. Khi áp lực tăng lên, các quốc gia Đông Nam Á có thể bị buộc phải đưa ra một số quyết định khó khăn./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com