Phép thử tình đoàn kết của EU

08:02, 06/02/2018

Liên hiệp châu Âu (EU) vừa khởi động các cuộc thảo luận gai góc về ngân sách sau khi Anh rời khối này, còn gọi là Brexit. Thời gian tới, vấn đề san sẻ gánh nặng tài chính giữa 27 quốc gia thành viên dự báo sẽ là thách thức lớn, thử thách tinh thần đoàn kết của EU.

Ngân sách dành cho nông nghiệp của EU có thể bị giảm sau Brexit. Ảnh GETTY
Ngân sách dành cho nông nghiệp của EU có thể bị giảm sau Brexit. Ảnh GETTY

Trong các cuộc thảo luận mới đây về vấn đề ngân sách của EU, Ủy viên EU phụ trách ngân sách G.Oét-tinh-gơ nhấn mạnh, sự kiện nước Anh chính thức dứt áo ra đi, theo kế hoạch vào tháng 3-2019, sẽ để lại một lỗ hổng tài chính lớn. Dự kiến, ngân sách của khối sẽ thâm hụt khoảng12 tỷ ơ-rô mỗi năm, do Anh là một trong những thành viên đóng góp tài chính nhiều nhất, chỉ sau Ðức và Pháp vào năm 2015. Ngoài ra, áp lực EU đối mặt không chỉ dừng ở khoản thâm hụt do Brexit, mà còn từ kế hoạch chi trả cho các nhiệm vụ mới như quốc phòng, an ninh nội địa, giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Do vậy, các nhà lãnh đạo “lục địa già” sẽ phải cân nhắc tìm nguồn tài trợ mới hoặc cắt giảm chi tiêu đối với các dự án đầy tham vọng của mình. Chủ tịch EU G.Giăng-cơ thừa nhận, việc hạn chế nguồn tài chính dành cho nông nghiệp và trợ cấp cho các nước chậm phát triển hơn, hai lĩnh vực chiếm hơn hai phần ba ngân sách EU, dự kiến sẽ làm nóng các bàn đàm phán thời gian tới.

Khuôn khổ tài chính hiện nay dành cho giai đoạn 2014 - 2020. Sau mốc thời gian trên, EU sẽ phải lên kế hoạch ngân sách mới mà không có phần đóng góp của Luân Ðôn. Trước tình thế khó khăn này, ông G.Giăng-cơ kêu gọi mở rộng ngân sách chung của khối để tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, an ninh và kiểm soát nhập cư. Hiện các nhà lãnh đạo EU thiên về hai phương án, một mặt yêu cầu tăng các khoản đóng góp, hiện đang ở mức trần 1% GDP của các nước EU, mặt khác sẽ tiết kiệm chi tiêu để bù đắp khoản tài chính thiếu hụt, đồng thời tìm kiếm những nguồn tài trợ mới.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về ngân sách dự kiến sẽ làm nóng chính trường EU và gây nhiều bất đồng giữa các nước Tây Âu không muốn tiếp tục mở hầu bao và các nước Ðông Âu lo ngại bị cắt giảm trợ cấp. Theo báo cáo mới đây của Nghị viện châu Âu (EP), Ðức, Pháp và I-ta-li-a có thể phải đóng góp thêm hàng tỷ ơ-rô, để bù đắp vào khoản ngân sách thiếu hụt của EU. Hiện một số nước thành viên đã sớm đánh tiếng sẽ không sẵn lòng san sẻ gánh nặng kinh tế với EU khi Anh ra đi. Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Áo G.Blu-men khẳng định, sau khi Anh rời “mái nhà chung” châu Âu, việc kêu gọi các nước “gánh vác” khoản đóng góp phát sinh là rất khó khăn. Do vậy, EU nên cắt giảm viện trợ cho các nước chậm phát triển hơn và tập trung nguồn ngân sách để giải quyết các thách thức chung.

Trên thực tế, khi cuộc khủng hoảng nợ công tại “lục địa già” bùng nổ từ năm 2010, những cuộc tranh luận về nghĩa vụ tài chính giữa các nước đã làm nóng chính trường châu Âu. Thời gian đó, ngay tại Ðức, đầu tàu kinh tế của EU, Thủ tướng A.Méc-ken cũng đối mặt không ít thách thức khi đảng đối lập và người dân liên tục đặt dấu hỏi về việc dùng thuế trong nước để giải cứu các nước như Hy Lạp, Ai-len khỏi nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện nay, các nhà phân tích cho rằng, vấn đề thâm hụt ngân sách của EU không thể được giải quyết chỉ thông qua việc các quốc gia thành viên gia tăng đóng góp, mà EU cần thực hiện đồng loạt các phương án khác, như tạo nguồn thu mới và cắt giảm
chi tiêu.

Hiện nay, do tập trung vào các cuộc đàm phán với Luân Ðôn, nhiều người quên đi thực tế rằng, ngân sách EU có thể sẽ đối mặt một tương lai khó khăn, ngay cả khi nhận được khoản phí đáng kể từ vụ “ly hôn” Anh. Các chuyên gia nhận định, khi Anh chính thức rời EU, các cuộc tranh luận về tài chính có thể khiến nỗ lực xây dựng một liên minh mạnh mẽ và đoàn kết gặp nhiều trắc trở.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com