Giải quyết thách thức cuộc khủng hoảng người di cư

08:02, 13/02/2018

Sau nhiều năm làm chao đảo châu Âu, cuộc khủng hoảng người di cư phần nào hạ nhiệt khi số người di cư đến "lục địa già" giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn là thách thức lớn, khi các nhà lãnh đạo khu vực còn lúng túng trong việc tìm ra giải pháp chung, toàn diện nhằm giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng.

Người di cư Li-bi được giải cứu trên Ðịa Trung Hải.
Người di cư Li-bi được giải cứu trên Ðịa Trung Hải.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), số người di cư đến châu Âu bằng đường biển trong năm 2017 giảm hơn một nửa so với con số gần 400.000 người của năm 2016. Một thỏa thuận giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép kiểm soát tốt hơn tuyến đường biển chính nối Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt tràn vào châu Âu bằng đường biển.

Trên một tuyến đường biển khác, nối Bắc Phi với I-ta-li-a, số người di cư sang châu Âu cũng giảm. Ðứng nơi "đầu sóng ngọn gió", trong nửa đầu năm 2017, I-ta-li-a phải gồng mình đối phó làn sóng người di cư bằng đường biển tăng gần 20% và số đơn xin tị nạn bùng nổ do các nước láng giềng như Pháp, Thụy Ðiển, Áo đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, gánh nặng của Rô-ma đã được giảm bớt khi số người di cư đến I-ta-li-a trong sáu tháng cuối năm 2017 giảm 70% so cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân sự sụt giảm đáng kể này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng bảo vệ bờ biển của I-ta-li-a và Li-bi nhằm ngăn chặn tàu chở người di cư, cũng như những chiến dịch siết chặt kiểm soát biên giới, đẩy nhanh tiến trình hồi hương người di cư từ Li-bi…

Mặc dù sức ép về số lượng khổng lồ người di cư tràn vào châu Âu đã giảm bớt, nhưng những nguy cơ từ cuộc khủng hoảng vẫn còn rất lớn. Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, EU đã đưa ra khá nhiều biện pháp quyết liệt và phần nào hạn chế được dòng người di cư trái phép. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, do thiếu nhất quán, cho nên những nỗ lực của EU không mang lại hiệu quả như mong muốn. Tiêu biểu có thể kể đến kế hoạch tái phân bổ 160.000 người di cư ở I-ta-li-a và Hy Lạp đến các nước thành viên EU khác. Mặc dù kế hoạch được đưa ra vào tháng 9-2015, nhưng tính đến nay, chỉ khoảng 30.000 người trong tổng số 160.000 người được tái phân bổ theo phương án này. Những nỗ lực thực thi thỏa thuận của các quốc gia đầu tàu như Ðức và Pháp không phát huy nhiều tác dụng, do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của một số nước Ðông Âu như CH Séc, Hung-ga-ri và Ba Lan. Các nước này viện cớ lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng hạn ngạch này hạn chế chủ quyền của họ.

Các nhà lãnh đạo EU đặt mục tiêu, từ nay đến tháng 6 tới, sẽ giải quyết vấn đề cải tổ chính sách tị nạn bằng việc sửa đổi Thỏa thuận Ða-blin. Theo thỏa thuận này, người tị nạn phải đăng ký thủ tục tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến và quốc gia đó có trách nhiệm xử lý yêu cầu xin tị nạn. Ðây là nguyên nhân khiến các nước ở vị trí cửa ngõ đã phải "đứng mũi chịu sào" khi dòng người di cư ồ ạt tràn vào "lục địa già" trong những năm qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ð.Tu-xcơ lo ngại, những bất đồng chưa thể dung hòa hiện nay sẽ khiến EU khó có thể thống nhất chính sách liên quan việc tiếp nhận người di cư vào trước tháng 6 tới.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất đồng của EU liên quan vấn đề người di cư là tiềm lực kinh tế khác nhau giữa các nước, kéo theo mức độ sẵn sàng khác nhau khi phải san sẻ gánh nặng chung. Nhưng dù nguyên nhân gây chia rẽ là gì thì EU vẫn phải đối mặt thực tế rằng, tình trạng xung đột và cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Ðông, Bắc Phi sẽ kéo theo hệ lụy là dòng người di cư tiếp tục đổ về châu Âu. Do vậy, nếu không sớm thống nhất kế hoạch tổng thể ngăn chặn người di cư trái phép, thời gian tới, châu Âu sẽ tiếp tục phải đương đầu những thách thức về an ninh, kinh tế và xã hội.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com