Những thách thức chờ đợi tân Tổng thống trẻ nhất Thụy Sĩ

09:01, 09/01/2018

Ngày 6-12-2017, với 190/210 phiếu ủng hộ, Quốc hội Thụy Sĩ đã bầu ông A-lanh Béc-sét trở thành tổng thống mới của nước này. Ở tuổi 45, ông Béc-sét là chính trị gia trẻ nhất đảm nhiệm cương vị Tổng thống Thụy Sĩ kể từ năm 1934 tới nay.

Vị trí tổng thống Thụy Sĩ được xoay vòng sau 1 năm, nhưng năm 2018 được dự báo sẽ là năm khó khăn đối với vị nguyên thủ đến từ Thành phố Phơ-ri-buốc.

Thụy Sĩ bước sang năm 2018 với những thất bại trong nỗ lực cải cách chế độ hưu trí và thuế khóa sau khi các cuộc trưng cầu dân ý cải cách đã không được người dân đồng tình hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, trong năm 2018 dự kiến sẽ có những cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả của nó có thể tác động tiêu cực đối với xã hội Thụy Sĩ cũng như mối quan hệ của nước này với Liên minh châu Âu (EU). Đáng chú ý là sáng kiến đòi hủy bỏ phí tần số (một dạng thuế đánh vào các thiết bị điện tử được sử dụng trong các gia đình).

Tân Tổng thống Thụy Sĩ A-lanh Béc-sét sinh năm 1972, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên đảng Dân chủ xã hội cánh tả. Ông từng là một trong những bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử khi được bầu vào Nội các năm 2011 ở tuổi 39. Ảnh: Internet
Tân Tổng thống Thụy Sĩ A-lanh Béc-sét sinh năm 1972, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thành viên đảng Dân chủ xã hội cánh tả. Ông từng là một trong những bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử khi được bầu vào Nội các năm 2011 ở tuổi 39. Ảnh: Internet

Theo tân Tổng thống Béc-sét, sáng kiến này không phải là một động thái phản kháng của người dân đối với chính sách của chính phủ, mà là một kết quả của những sự biến động bị ảnh hưởng bởi truyền thông trong vòng 10 năm qua. Sự lớn mạnh của các mạng xã hội, truyền thông mạng đã làm thay đổi cách thức sản xuất và phổ biến thông tin. Ông cho rằng sự xuất hiện của các tờ báo miễn phí đã tạo ảo tưởng, đặc biệt trong giới trẻ, rằng thông tin có thể được sản xuất một cách miễn phí. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sáng kiến mang tính cực đoan về việc hủy bỏ hoàn toàn các phí giúp góp phần duy trì sự hoạt động của các dịch vụ truyền thông công cộng tại Thụy Sĩ là điều rất đáng tiếc. Vị tổng thống lưu ý loại phí này là giúp đảm bảo thông tin được chuyển thể và truyền đi bằng đủ 4 ngôn ngữ quốc gia của Thụy Sĩ (Đức, Pháp, I-ta-li-a và Rô-man-xơ). “Phí tần số là các giá phải trả để duy trì sự đa dạng về truyền thông tại Thụy Sĩ”, ông khẳng định.

Dự kiến sáng kiến hủy bỏ phí tần số (No Billag), hay thực chất là loại bỏ phí giúp duy trì các chương trình phát thanh, truyền hình quốc gia Thụy Sĩ sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý và ngày 4-3 tới.

Cuộc trưng cầu dân ý thứ hai có khả năng sẽ diễn ra và làm xấu thêm mối quan hệ giữa Thụy Sĩ với EU là sáng kiến hủy bỏ thỏa thuận tự do đi lại với EU do Đảng nhân dân Thụy Sĩ (SPP) cánh hữu vừa đưa ra. Hôm 6-1, Chính phủ Thụy Sĩ đã chính thức cho phép SPP bắt đầu chiến dịch thu thập chữ ký cho sáng kiến này. Theo luật của Thụy Sĩ, với đặc điểm của nền dân chủ trực tiếp, nếu SPP có được đủ 100 nghìn chữ ký, chính phủ liên bang sẽ phải tổ chức trưng cầu dân ý toàn quốc về sáng kiến kể trên. Và nếu thu được quá bán số người dân bỏ phiếu đồng ý, sáng kiến sẽ trở thành luật. SPP cũng chính là đảng đã thành công trong sáng kiến hồi năm 2014 liên quan tới việc ngăn chặn dòng người di cư từ các nước EU tới Thụy Sĩ, làm dậy sóng mối quan hệ giữa Thụy Sĩ với liên minh này.

Theo Tổng thống Béc-sét, sáng kiến mới của đảng SPP sẽ làm cô lập Thụy Sĩ khi mà 1/3 công việc của người dân Thụy Sĩ đang phụ thuộc vào hợp tác kinh tế với các quốc gia khác. Ông lưu ý Thụy Sĩ thành công nhờ chính sách mở cửa, ông cũng lấy ví dụ tại bang Giơ-ne-vơ, hơn 30% người dân tại đây không mang hộ chiếu Thụy Sĩ.

Một động thái làm mối quan hệ vốn chưa được cải thiện nhiều với EU thêm khó khăn đó là nước này vừa bị EU đưa vào danh sách là một trong những thiên đường trốn thuế trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Thụy Sĩ sẽ bị hạn chế quyền tiếp cận thị trường tài chính châu Âu trong vòng 1 năm.

Một vướng mắc ngoại giao khác liên quan tới mối quan hệ với các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi, nơi từng diễn ra làn sóng Mùa xuân Ả-rập. Thụy Sĩ từ lâu là kho giữ tiền của thế giới và sau phong trào này, Thụy Sĩ đã phong tỏa khoảng 1 tỷ USD vốn thuộc về các nhà độc tài bị lật đổ ở Ai Cập, Li-bi và Tuy-ni-di, cùng gia đình của họ. Tuy vậy, đã 7 năm trôi qua, Thụy Sĩ vẫn chưa hoàn trả một đồng nào cho các quốc gia này. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông, Tổng thống Béc-sét trả lời, Béc-nơ sẽ đẩy nhanh tiến trình hoàn trả tiền song vẫn khẳng định các khoản tiền này vẫn chưa thay đổi chủ sở hữu chừng nào chưa chứng minh được nguồn gốc tiền là bất hợp pháp. Theo những người làm trong giới ngân hàng, thường các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ tìm cách bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và giảm tới mức thấp nhất thiệt hại cho các khách hàng của họ./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com