Gian nan đường đến hòa bình

07:01, 05/01/2018

Gần bốn năm sau khi bùng phát, cuộc xung đột tại miền đông Ucraina vẫn chưa được giải quyết và tiếp tục là điểm nóng khiến mối quan hệ giữa Nga và phương Tây lâm vào khủng hoảng. Trước tình trạng bế tắc hiện nay, tinh thần thỏa hiệp của các bên được coi là chìa khóa quan trọng để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Cuộc trao đổi tù binh tại miền đông Ucraina. (Ảnh: Reuters)
Cuộc trao đổi tù binh tại miền đông Ucraina. (Ảnh: Reuters)

Trước thềm năm mới 2018, gam màu sáng hiếm hoi xuất hiện trong bức tranh xám xịt tại miền đông Ucraina, khi chính quyền Ki-ép và lực lượng miền đông thực hiện cuộc trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra tại quốc gia Đông Âu này năm 2014. Bước tiến tích cực nêu trên đạt được sau các cuộc đàm phán dài hơi của nhóm Bộ tứ Normandy, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ucraina. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, việc trao đổi tù binh giữa Ucraina và lực lượng đòi độc lập ở miền đông là "một kết quả quan trọng", góp phần vun đắp lòng tin giữa hai bên, hướng đến việc triển khai đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền đông Ucraina, các bên cần có nhiều nhượng bộ hơn nữa. Kể từ khi bùng phát vào năm 2014, bất chấp nỗ lực hòa giải của các nước, cuộc khủng hoảng tại miền đông Ucraina tiếp tục bế tắc. Cuộc chiến kéo dài gần bốn năm và gần như ngày nào cũng có thông tin về tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn hay bất đồng trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình. Năm 2017, khi thế giới hướng sự chú ý vào cuộc chiến chống khủng bố, sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên..., khủng hoảng tại miền đông Ucraina ít được nhắc đến hơn, nhưng cuộc xung đột vẫn còn nguyên sự khốc liệt. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), kể từ khi bùng nổ vào tháng 4-2014, cuộc xung đột tại miền đông Ucraina đã làm hơn 2.500 người chết. Hơn 200.000 người sống dọc đường chiến tuyến giữa quân đội Chính phủ Ucraina và lực lượng ly khai thường xuyên chịu cảnh bom rơi đạn lạc, mất nhà cửa và cuộc sống bị đe dọa.

Cuối năm 2017, Mỹ tuyên bố cung cấp "các khả năng phòng vệ cao", giúp Kiev củng cố năng lực quốc phòng. Tuyên bố này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Nhóm tiếp xúc về giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền đông Ucraina nhất trí về một cơ chế ngừng bắn toàn diện, bền vững và vô thời hạn. Dư luận thế giới quan ngại, động thái bật đèn xanh trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev của Washington có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột tại miền đông Ucraina. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, việc cung cấp bất cứ loại vũ khí nào trong thời điểm hiện nay sẽ khuyến khích những người ủng hộ xung đột tại Ucraina sử dụng "kịch bản vũ lực" và hủy hoại thỏa thuận Minsk vốn rất mong manh.

Trên thực tế, việc Mỹ cung cấp trang, thiết bị quân sự cho Ucraina không mới. Tuy nhiên trước đây, chính quyền Tổng thống Barack Obama luôn né tránh việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ucraina. Trong bối cảnh Nga và Mỹ tiếp tục căng thẳng liên quan vấn đề Ucraina, với hàng loạt biện pháp trả đũa lẫn nhau trong thời gian qua, động thái "thêm dầu vào lửa" kể trên của Washington tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ - Nga vào tình trạng "băng giá". Quyết định của Washington cũng làm tổn hại những nỗ lực của Pháp và Đức, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ tại châu Âu, trong việc hợp tác với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Ucraina.

Nếu không có những bước đi dài hơi và quyết liệt hơn, nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền đông Ucraina có thể tiếp tục giậm chân tại chỗ trong năm 2018. Các nhà phân tích cho rằng, người dân quốc gia bên bờ Biển Đen này chỉ có thể tìm lại sự ổn định, khi những chia rẽ nội bộ chấm dứt và cuộc giằng co ảnh hưởng giữa các nước lớn được giải quyết bằng nhượng bộ và thỏa hiệp.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com