Theo tờ The WSJ ngày 4-12 dẫn lời các quan chức Israel cho biết, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu mới đây gửi một bức thư cho nhà lãnh đạo Syria-Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, đe dọa rằng Israel sẽ tấn công Syria nếu Damascus cho phép Iran thiết lập các căn cứ quân sự tại quốc gia này. Điều đáng nói là bức thư đến tay ông Al-Assad trước hôm 2-12, khi một số hãng truyền thông đưa tin rằng, khu quân sự do Iran kiểm soát nằm gần Damascus đã hứng chịu một cuộc tấn công nghi do Israel thực hiện. Ban lãnh đạo của Israel, bao gồm cả Thủ tướng Netanyahu cũng như nhà chức trách tại Damascus chưa đưa ra bình luận về thông tin liên quan đến vụ tấn công này. Cũng theo tờ báo, cảnh báo của ông Netanyahu có thể hàm ý rằng, Israel sẵn sàng từ bỏ lập trường trung lập trong cuộc chiến kéo dài tại Syria.

Quân đội Syria phong tỏa một tuyến đường ở thủ đô Damascus. Ảnh: AFP
Quân đội Syria phong tỏa một tuyến đường ở thủ đô Damascus. Ảnh: AFP

Trước đó, ngay sau vụ tấn công được cho là do Israel tiến hành nhằm vào khu quân sự do Iran kiểm soát tại Syria, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố rằng, Israel sẽ không cho phép Iran hiện diện quân sự tại Syria hay sở hữu vũ khí hạt nhân. Phát biểu trong một thông điệp bằng video đăng tải trên facebook hôm 2-12, Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Để tôi nhắc lại chính sách của Israel. Chúng tôi sẽ không cho phép một chính quyền luôn có mưu đồ hủy diệt nhà nước Do Thái có được vũ khí hạt nhân. Chúng tôi sẽ không để cho chính quyền này hiện diện quân sự tại Syria bởi vì họ tìm cách thực hiện mục đích rõ ràng là xóa bỏ nhà nước của chúng tôi”.

AP dẫn nguồn Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cho biết, lực lượng phòng không nước này sáng 5-12 đã bắn hạ 3 tên lửa của Israel nhằm vào một mục tiêu quân sự gần thủ đô Damascus. Vụ việc trên xảy ra 3 ngày sau khi phía Syria cho biết Israel đã phóng vài tên lửa đất đối đất vào một căn cứ quân sự gần Damascus, gây thiệt hại về tài sản nhưng không gây thương vong. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), cuộc tấn công của Israel nhằm vào khu vực ngoại ô Jamaraya của thủ đô Damacus, nơi có trung tâm nghiên cứu của Chính phủ Syria. Hiện chưa có bình luận nào từ phía Israel về vụ việc trên. 

Mặc dù Israel chủ yếu đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria nhưng nước này đã tiến hành một số vụ không kích nhằm vào các hoạt động tình nghi vận chuyển vũ khí cho phong trào Hezbollah ở Liban, nhóm đang sát cánh chiến đấu với các lực lượng chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến. Trước đó, vào tháng 9, Israel đã tiến hành không kích vào một căn cứ quân sự gần bờ biển Địa Trung Hải ở phía Tây Syria, làm 2 binh sĩ thiệt mạng.

Lời đe dọa tấn công Syria của Israel nếu trở thành hiện thực có nguy cơ sẽ phá vỡ lệnh ngừng bắn mong manh đang được duy trì giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập tại một số khu vực. Bất cứ hành động can thiệp nào từ bên ngoài nào vào Syria lúc này sẽ chỉ khiến tình hình Syria thêm rối ren trong bối cảnh các nỗ lực hòa giải dân tộc ở nước này lâm vào bế tắc. Hiện Chính phủ Syria vẫn chưa quyết định có trở lại Geneva, Thụy Sĩ, tham gia vòng hòa đàm thứ 8 về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ hay không. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vẫn đang xem xét vấn đề này và hiện chưa có quyết định dứt khoát. Ngay khi chính phủ đưa ra quyết định, thông tin sẽ được cập nhật qua các kênh ngoại giao. 

Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc kiêm trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Syria, ông Bashar Al-Ja'afari nhận định còn nhiều "vấn đề lớn" trong cuộc đàm phán này, ám chỉ tuyên bố mà phe đối lập đưa ra hồi tháng trước, yêu cầu Tổng thống Assad phải từ chức trước khi các bên đạt được thỏa thuận hòa bình. Ông Al-Ja'afari nhận định, ngôn từ của phe đối lập mang tính khiêu khích và thiếu trách nhiệm về mặt chính trị, đồng thời cảnh báo nếu những phát ngôn kiểu này tiếp tục được đưa ra thì các cuộc đàm phán sẽ không bao giờ đạt tiến triển. Vòng đàm phán thứ 8 này được coi là cơ hội để Liên hợp quốc khôi phục các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 7 năm qua tại Syria, tuy nhiên triển vọng vẫn rất mờ mịt.

Theo qdnd.vn