Tổng thống bị Quốc hội "trói tay": Dấu hỏi về quyền lực thực sự của ông Trăm?

08:08, 08/08/2017
Việc Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm gần như buộc phải đặt bút ký ban hành dự luật trừng phạt Nga cho thấy Quốc hội Mỹ đang dần có nhiều quyền lực hơn Tổng thống và nhà phân tích chính trị Nga An-đrây Xu-đan-xép gọi đây là quá trình chuyển dịch hiến pháp từ từ.
 
Không thể phủ quyết
 
Theo hãng tin RIA Novosti (Nga),  ngày 2-8, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã ký thành luật một dự luật trừng phạt nhằm vào ba quốc gia là Nga, I-ran và Triều Tiên. Dự luật trừng phạt này đã được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua với tỷ lệ “chống phủ quyết” trước khi “hạ cánh” trên bàn ông Trăm.
 
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành quốc phòng, tình báo, khai mỏ, tàu thủy và đường sắt của Nga, đồng thời hạn chế giao dịch với các ngân hàng cũng như công ty năng lượng Nga.
 
Luật vừa được ký ban hành thậm chí còn phức tạp hơn ở chỗ nó có thể hạn chế khả năng Tổng thống Mỹ dỡ bỏ hay giảm nhẹ trừng phạt Nga.
 
Trong một dòng tweet rõ ràng liên quan tới luật nói trên, ông Trăm ngày 3-8 viết rằng quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp “rất nguy hiểm”.
 
Ông viết: “Quan hệ của chúng ta với Nga đang ở mức thấp mọi thời đại và rất nguy hiểm. Các bạn có thể cám ơn Quốc hội, chính những người không thể cho chúng ta một luật về chăm sóc sức khỏe”.
 
Theo nhà phân tích Xu-đan-xép, thật không thể tin nổi khi Tổng thống Mỹ hóa ra lại bất lực. Ông nói: “Tại một nền cộng hòa tổng thống nơi mà người đứng đầu nhánh hành pháp có quyền lực vững chắc, nước Mỹ luôn nhìn vào phản ứng của Quốc hội. Tuy nhiên, có một hệ thống đối trọng. Giới tinh hoa Mỹ đang bị chia rẽ”.
 
Ông Xu-đan-xép nhấn mạnh: “Bằng cách buộc ông Trăm ký thành luật dự luật trừng phạt mới, Quốc hội đã thực hiện một cú thay đổi hiến pháp. Ông Trăm giờ là một nhân vật bất lực, không thể thực hiện đối thoại chính trị. Nếu có ai muốn đàm phán, người ta cần phải đàm phán với các nghị sĩ ở cả hai viện”.
Ông Trăm dường như đang trở nên bất lực trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Roi-tơ
Ông Trăm dường như đang trở nên bất lực trước Quốc hội Mỹ.
Ảnh: Roi-tơ
Lưỡng viện “trói tay” ông Trăm
 
Giáo sư Khoa luật Trường Đại học Ghê-oóc-ghi Mây-sơn Phrăng-xít Bu-cơ-li nhận xét rằng ông Trăm phải đầu hàng trước áp lực chính trị quá lớn và phải ký dự luật được cả phe Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ. 
 
Sau khi ông Trăm ký dự luật, các nghị sĩ Mỹ ở cả hai phe đã bày tỏ lo ngại về sự lưỡng lự của ông Trăm và cho rằng Nhà Trắng có thể không tuân theo quy định liên quan tới Nga.
 
Giáo sư Bu-cơ-li nhận định ông Trăm có thể không nghe theo Quốc hội và ông đã thể hiện rằng mình có thể thực hiện những hành động quyết đoán, bất ngờ về các vấn đề chủ chốt. Có thể ông Trăm sẽ tìm cơ hội để cải thiện quan hệ với Nga. Theo ông Bu-cơ-li, ông Trăm hiện nay chỉ là không có cơ hội để làm như vậy.
 
Dù vậy, bằng hành động buộc phải ký thông qua dự luật mà mình phản đối, ông Trăm đã phải thừa nhận rằng ông không tự do trong cải thiện quan hệ với Nga. Giáo sư quan hệ quốc tế Mai-cơn Bren-nơ thuộc Đại học Pít-xbuốc nhận định ông Trăm đã mất cơ hội xóa bỏ quan điểm đối đầu với Nga. 
 
Nhận định về người đứng đầu Nhà Trắng, Giáo sư Bren-nơ cho biết ông Trăm luôn là nhân vật bị cô lập trong giới chính trị Mỹ vì muốn cải thiện quan hệ với Nga. Ông là người khác biệt so với các chính trị gia, nghị sĩ Mỹ trong vấn đề Nga - Mỹ, bất chấp nhiều người cho rằng ông Trăm nên chấp nhận quan điểm chính thống ở Mỹ là thù địch với Nga.
 
Trước khi trở thành Tổng thống, ông Trăm không để ý tới mô hình lý thuyết của chính sách ngoại giao Mỹ áp dụng với Nga và Xi-ri. Ông chỉ bước vào vấn đề mà không có định kiến trước về nó. Với con mắt mới mẻ của mình, ông Trăm cho rằng những gì Mỹ đang làm với Nga là vô lý.
 
Cách tiếp cận này giúp ông Trăm có quan điểm mới nhưng cũng khiến ông bị cô lập về mặt chính trị khi tìm cách giải quyết vấn đề liên quan. 
 
Ngoài luật trừng phạt Nga, Quốc hội Mỹ còn tiếp tục muốn “trói tay” ông Trăm khi thảo luận một dự luật mà nếu thực hiện, Mỹ không khác gì đã rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Theo dự luật, Mỹ sẽ phát triển tên lửa tầm trung bị INF cấm.
 
Hiệp ước INF được ký năm 1987 nhằm giảm vũ khí phi chiến lược bằng cách cấm mọi loại tên lửa truyền thống và hạt nhân có tầm từ gần 500km-5.500km. 
 
Theo tạp chí Politico, Quốc hội Mỹ đang hành động để buộc Lầu Năm góc vi phạm một hiệp ước vũ khí hạt nhân đã ký với Nga và đây sẽ là một nỗ lực nữa nhằm trói chân tay Tổng thống Đô-nan Trăm trong quan hệ với Nga. Ngoài ra, dự luật có thể sẽ khuấy lên rạn nứt mới giữa giới nghị sĩ và ông Trăm - người đã cáo buộc Quốc hội can thiệp trái phép vào việc ông xử lý quan hệ với Nga.
 
Bình luận về vấn đề này, phát ngôn viên Điện Krem-lin, Đmi-tơ-ri Pê-xcốp đã nhấn mạnh rằng Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-chin và Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã không thảo luận vấn đề Hiệp ước INF trong cuộc gặp. Ông nhấn mạnh Nga cam kết tuân theo thỏa thuận và hy vọng đối tác cũng sẽ hành động tương tự./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com