Căng thẳng vùng Vịnh: Ca-ta nguy cơ tổn thất kinh tế nặng nề

07:06, 23/06/2017
Giới phân tích nhận định việc các nước A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Ba-ranh, Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men và một vài quốc gia khác phong tỏa Ca-ta cả về ngoại giao và kinh tế có thể sẽ gây những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Ca-ta nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tiếp tục kéo dài.
 
Những rạn nứt chính trị đã gây ra nhiều bất ổn và có thể tác động đến các hoạt động thương mại, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn - nhân tố có thể làm đình trệ các dự án hạ tầng mà Ca-ta đang triển khai để đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 (World Cup 2022). Giới phân tích lo ngại việc các nước láng giềng vùng Vịnh cô lập nền kinh tế Ca-ta trong thời gian dài có thể khiến quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế. 
 
Theo dự báo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ca-ta có thể giảm 1,2% trong năm 2017 và 2% năm 2018, chủ yếu do đà tăng trưởng thấp hơn của khu vực phi dầu mỏ. Các nhân tố như sự bất ổn ngày càng tăng trong lĩnh vực đầu tư, môi trường tài chính khó khăn hơn... sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Ca-ta, trong khi tình trạng rút ồ ạt tiền gửi trong các ngân hàng cũng có thể làm gia tăng chi phí vay của nước này. 
Một nàh máy lọc dầu ở ngoại ô Đô-ha, Ca-ta. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Đô-ha, Ca-ta. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc chấm dứt các mối quan hệ tài chính cũng như mối lo ngại ngày càng gia tăng của các bên đối tác có thể cản trở các hoạt động kinh doanh và tài chính thương mại của Ca-ta. Chuyên gia phân tích Bô-lan Mắc-cô-vích của IIF dự báo doanh thu từ các khu vực phi dầu mỏ thấp hơn mong đợi có thể khiến thâm hụt ngân sách của Ca-ta tăng lên 7,8% GDP; thâm hụt tài khoản vãng lai có thể vẫn vào khoảng 2% GDP trong năm nay giữa lúc nguồn thu từ các dịch vụ du lịch và vận tải giảm mạnh do các lệnh cấm đi lại và phong tỏa giao thông đường không của các nước láng giềng. 
 
Do phụ thuộc chủ yếu vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là thực phẩm, Ca-ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt về ngoại giao và kinh tế như giá hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và lượng khách du lịch từ khu vực tới nước này giảm sút. 
 
Nếu căng thẳng ngoại giao vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài, sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Ca-ta vào nguồn tiền gửi nước ngoài có thể tạo ra những thách thức về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này. 
 
Nợ nước ngoài của Ca-ta đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, lên khoảng 125 tỷ USD vào cuối tháng 4-2017, trong đó phần đáng kể là từ châu Âu và châu Á. Trong cùng kỳ, nợ nước ngoài ròng của các ngân hàng Ca-ta đã vào khoảng 50 tỷ USD. 
 
Các nhân tố như môi trường kinh doanh ảm đạm, sự mất lòng tin của giới kinh doanh tư nhân trong khu vực phi dầu mỏ cũng như những rủi ro từ bên ngoài đối với các ngân hàng Ca-ta, nhất là từ thị trường Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA), có thể làm gia tăng nợ xấu nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay vẫn không được giải quyết trong vài ngày tới./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com