WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia vẫn mạnh

07:05, 19/05/2017

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình kinh tế của Campuchia, được công bố tại cuộc họp báo ở Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) ngày 17-5, dự báo nước này sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trong năm 2017 và 2018 dự đoán tăng 6,9% mỗi năm.

Nhà kinh tế cấp cao của WB Eduardo Sanchez cho rằng, có những dấu hiệu tích cực cho thấy bước đầu có sự đa dạng hóa trong lĩnh vực sản xuất vượt ra ngoài động lực chính truyền thống của tăng trưởng ở Campuchia là ngành dệt may, thể hiện ở sự đóng góp nhiều hơn vào GDP của các tất cả hoạt động sản xuất ngoài lĩnh vực may mặc.

Tuy nhiên, theo báo cáo, trong thời gian tới, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Campuchia vẫn là sự gia tăng của ngành may mặc và xây dựng.

Ngành may mặc vẫn là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế ở Campuchia. (Ảnh: Thời báo Khmer).
Ngành may mặc vẫn là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế ở Campuchia. (Ảnh: Thời báo Khmer).

Báo cáo khuyến nghị, Campuchia cần chú trọng tăng năng suất trong lĩnh vực may mặc. Mức tăng trưởng năng suất bình quân hằng năm của ngành này trong giai đoạn 2007 - 2014 chỉ là 0,16%, trong khi mức tăng trưởng năng suất chung của nước này là 6%.

Tăng năng suất lao động để bù đắp mức tiền công thực tế tăng nhanh trong ngành này là điều rất cần thiết, theo báo cáo. Mức tiền công tối thiểu theo quy định cho công nhân ngành dệt may ở Campuchia đã tăng lên 153 USD vào năm ngoái, so với chỉ 50 USD vào năm 2007.

“Giá nhân công tăng lên, một phần do giá sinh hoạt tăng, cùng với đồng USD lên giá và sự cạnh tranh từ các quốc gia khác có giá nhân công thấp trong khu vực, đặc biệc là Myanmar, tiếp tục tạo sức ép làm giảm giá xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia sang tất cả các thị trường xuất khẩu chính của nước này, trong đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị ảnh hưởng mạnh nhất với giá giảm 7,2% trong năm 2016”, báo cáo nhận định.

Năm 2016, mức tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia đã giảm xuống còn 8,4%, so với mức 12,3% trong năm 2015.

Theo WB, Campuchia cần ưu tiên cho việc cải thiện chất lượng giáo dục cơ bản, tăng cường các kỹ năng về đạo tạo nghề và nâng cao trình độ kỹ thuật.

Chi tiêu đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một vấn đề đáng quan tâm nữa ở Campuchia hiện nay, theo nhận định của WB. Sự suy giảm chung về các dự án do đối tác tài trợ đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng. WB kêu gọi Chính phủ Campuchia phân bổ thêm kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đồng thời tăng cường quản lý đầu tư công để gia tăng hiệu quả đầu tư do Chính phủ tài trợ.

Dệt may, xây dựng, du lịch và nông nghiệp là những trụ cột chính cho sự phát triển kinh tế của Campuchia trong nhiều năm qua.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, WB cho rằng, do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn nhiều so với hai năm 2014 và 2015, nên diện tích canh tác, sản lượng nông sản đã tăng lên. Tuy nhiên, do giá hàng nông sản trên thị trường thế giới giảm, đã ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp và mức đóng góp của ngành này vào GDP chung của Campuchia.

Những nguy cơ khác có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Campuchia được nêu trong báo cáo của WB gồm lãi suất ở Mỹ tăng, sự hồi phục kinh tế chậm hơn dự kiến tại châu Âu và những bất ổn đối với thương mại toàn cầu.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ nhiều khả năng khiến đồng USD tăng giá so với đồng euro và các đồng tiền khác, điều này sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu và du lịch của Campuchia trở nên khá đắt đỏ hơn, do vậy sẽ cạnh tranh kém hơn”, WB nhận định.

Tuy dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia trong năm tới vẫn mạnh mẽ, báo cáo cũng cảnh báo, bất cứ “sự đổ vỡ” nào trong dòng chảy thương mại toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đáng kể tới Campuchia, trong bối cảnh nước này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là hàng may mặc.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com