Biện pháp mạnh của tân Tổng thống Hàn Quốc

08:05, 16/05/2017
Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Mun Chê-in lập tức bắt tay vào việc chặt chân rết, gây sức ép lên 4 ông lớn là Hyundai, Samsung, SK và LG.
 
Kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay của hơn 10 đại tập đoàn gia đình (chaebol). Ít nhất 4 đại gia Hyundai, Samsung, SK và LG sẽ bị tân Tổng thống Mun Chê-in buộc phải sang trang thời kỳ “bắt tay” giữa kinh doanh và chính trị - một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
 
Móc ngoặc và suy thoái kinh tế
 
Sau cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên (năm 1950-1953), Hàn Quốc nhanh chóng xóa bỏ hậu quả chiến tranh, từ một nước nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp ngay từ những năm 1970. Chiếc đũa thần kinh tế này chủ yếu nhờ vào vai trò then chốt của những tập đoàn công nghiệp như Hyundai, Samsung. Các doanh nghiệp này tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Chỉ riêng Tập đoàn Samsung đem lại 25% GDP, bao trùm nhiều lĩnh vực từ ti vi, smartphone, chip điện tử cho đến thời trang và khách sạn sang trọng. Vấn đề là các tập đoàn này có ảnh hưởng mạnh và lũng đoạn giới cầm quyền. Họ bị tố cáo sử dụng sức mạnh tiền bạc và quan hệ chính trị để ngăn chặn mọi chính sách canh tân và đa dạng hóa kinh tế từ 25 năm nay. Vụ xì-căng-đan chính trị khiến Tổng thống Pắc Cưn-hy bị phế truất và bắt giam phục vụ công tác điều tra là ví dụ rõ ràng nhất cho sự móc ngoặc giữa kinh doanh và chính trị.
 
Giu-li-ét Mô-ri-lốt, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, nhận định khủng hoảng chính trị liên quan đến bà Pắc Cưn-hy đã nổ ra vào lúc gần hết các lĩnh vực từng làm nên phép lạ kinh tế của Hàn Quốc đều đang xuống dốc. Từ ngành công nghệ đóng tàu cho đến vận tải đường biển, từ lĩnh vực công nghệ hóa dầu cho đến ngành luyện kim đều đang phải đối mặt với khủng hoảng. Kinh tế Hàn Quốc bị đình trệ khi tiêu thụ nội địa bị chựng lại vì nợ nần chồng chất của các hộ gia đình, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 giảm 13,5% so với hồi 2014... Theo chuyên gia Mô-ri-lốt, mô hình kinh tế của Hàn Quốc đã chạm giới hạn và điều đó buộc quốc gia Đông Bắc Á này phải đi tìm một mô hình phát triển khác.
 
Trong chiến dịch tranh cử, ông Mun Chê-in đã kêu gọi chấm dứt chiến lược tăng trưởng tập trung vào các chaebol, coi đó là nguyên nhân của sự tăng trưởng thấp và thất nghiệp. Thay vào đó là tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên thực tế, từ thời Tổng thống Kim Đê-dung (1998-2003), Hàn Quốc đã cố gắng trong sạch hóa, chấm dứt tình trạng móc ngoặc giữa các đại tập đoàn và chính giới, tạo cơ hội cho một thế hệ chuyên gia quản trị Cty chuyên nghiệp vươn lên thay thế lớp lãnh đạo già nua. Trong số 30 chaebol, Hyundai và Daewoo cùng với 14 tập đoàn chấp nhận đổi chủ. Tuy nhiên, nhiều gia đình thừa kế vẫn tiếp tục chi phối ban quản trị qua một hệ thống chân rết tinh vi.
Hình ảnh Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong bị còng tay là một cú sốc lớn đối với người dân Hàn Quốc
Hình ảnh Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Li Chê-dông bị còng tay là một cú sốc lớn đối với người dân Hàn Quốc. Ảnh: Roi-tơ
Thuận lợi và thách thức
 
Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Mun Chê-in lập tức bắt tay vào việc chặt chân rết, gây sức ép lên 4 ông lớn là Hyundai, Samsung, SK và LG. Câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện nay là liệu tân Tổng thống Hàn Quốc với lời hứa đem lại tính minh bạch trong cách điều hành Cty, chấm dứt truyền thống cha truyền con nối, sẽ thành công?
 
Một ngày sau khi ông Mun Chê-in tuyên thệ, nhiều chaebol thuê trang quảng cáo trên báo để chào mừng tân Tổng thống. Trang dành cho Samsung đăng ảnh một bé gái tươi cười với hàng chữ: Hy vọng một tương lai tươi sáng bắt đầu. Giới phân tích khá lạc quan, đưa ra 2 lý do thuận lợi. Thứ nhất, tại Hàn Quốc hiện nay, người dân thật sự đã ngao ngán với những gì đang diễn ra. Hình ảnh người thừa kế của Tập đoàn Samsung, Phó Chủ tịch Li Chê-dông, bị còng tay, được chiếu đi chiếu lại trên ti vi, là một cú sốc lớn đối với người dân Hàn Quốc. Nó làm mất đi tất cả niềm tin của người dân đối với một Cty uy tín như Samsung. Dư luận nhận thấy rằng đã đến lúc phải xét lại mối liên hệ giữa các chaebol với chính giới và xã hội Hàn Quốc cần có một cái nhìn mới về các hoạt động kinh tế. Người dân mong muốn cải cách thành công nên bầu ông Mun Chê-in. Thứ hai, đảng của tân Tổng thống Hàn Quốc chiếm đa số tại Quốc hội nên các chính sách mà ông Mun Chê-in đưa ra sẽ dễ dàng được thông qua.
 
Trong số những biện pháp mà Chính phủ tân Tổng thống Hàn Quốc đề ra là lập đội cảnh sát theo dõi đạo đức nghề nghiệp, tránh cảnh cá lớn nuốt cá bé. Quan trọng không kém đó là phải nhổ tận gốc tham nhũng. Vì vậy, giới quan sát cho rằng ông Mun Chê-in phải làm nhiều việc để đảm bảo rằng kể từ nay về sau, sẽ có một sự áp dụng nhất quán về pháp trị.
 
Trước tiên, thông lệ tổng thống ân xá hay giảm án tù cho các lãnh đạo Cty bị kết án tham nhũng phải chấm dứt. Ông Mun Chê-in đã hứa hẹn điều này trong chiến dịch tranh cử và ông cần phải thể chế hóa nó như là một đạo luật đối với Chính phủ của ông và các Chính phủ tiếp sau. Một cách khác để Chính phủ có thể tránh được các xung đột về lợi ích là giảm các khoản đầu tư vào các tập đoàn. Theo số liệu từ năm 2015, Cơ quan Hưu trí quốc gia (NPS) dính líu tới vụ bê bối có liên quan tới bà Pắc Cưn-hy và bạn của bà là Choi Son-sin, là nhà đầu tư lớn nhất tại Hàn Quốc. 75% cổ phần của cơ quan này ở dưới dạng cổ phiếu trong nước. Sự mất cân bằng này và các xung đột lợi ích mà nó tạo ra đã lên tới đỉnh điểm vào năm 2015, khi NPS - với tư cách là cổ đông lớn nhất của 2 chi nhánh của Samsung - đưa ra lá phiếu quyết định về việc hợp nhất 2 Cty con này. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng ông Li Chê-dông được cho là đã hối lộ các cộng sự trong Chính phủ của bà Pắc Cưn-hy để họ ủng hộ vụ sáp nhập này...
 
Tuy nhiên, một số chuyên gia như Giáo sư Rô-bét Ke-li, Đại học Bu-san, đã đưa ra một số thách thức trong việc cải tổ kinh tế của Hàn Quốc. Thứ nhất, mọi biện pháp trừng phạt các chaebol có thể gây tác hại đến công ăn việc làm và kinh tế. Thứ hai, các đại tập đoàn công nghiệp đã bắt rễ vào hệ thống. Ngay từ thời cố Tổng thống Pắc Chung-hy, Chính phủ đã che chở rất nhiều cho các đại tập đoàn để cùng nhau đem lại “phép lạ kinh tế cho đất nước”. Mối liên hệ đó là chìa khóa biến Hàn Quốc thành nền công nghiệp phát triển lớn thứ 4 của châu Á. Hay nói cách khác, Samsung, Hyundai, Posco… không chỉ là Cty mà là niềm tự hào của quốc gia. Đồng quan điểm với Giáo sư Ke-li, chuyên gia Mô-ri-lốt cho rằng Hàn Quốc sẽ cần rất nhiều thời gian để chuyển hướng và ngoài kinh tế, quốc gia châu Á này còn cần có một cuộc cải tổ thực sự sâu rộng cả về mặt xã hội.
 
Đối với một quốc gia tự hào về sự phát triển kinh tế nhanh chóng của mình, Hàn Quốc lại tụt lại rất xa về tính minh bạch của Chính phủ và tập đoàn. Theo chỉ số tham nhũng năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Hàn Quốc xếp thứ 9 về mức độ tham nhũng trong số các nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Ngay cả tại những lĩnh vực có các đạo luật chống tham nhũng, chẳng hạn như việc trừng phạt các Cty có hoạt động “kiểm toán dưới chuẩn hoặc gian dối”, việc thực thi pháp luật diễn ra không thường xuyên và không dự báo được./.
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com