Đàm phán hòa bình Pa-le-xtin - I-xra-en sắp tái khởi động

08:07, 22/07/2013

Chút hy vọng mới đang nhen nhóm cho tiến trình hòa bình Trung Đông, khi các bên liên quan, đặc biệt là Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri gia tăng các hoạt động ngoại giao con thoi nhằm tháo gỡ thế bế tắc cho vấn đề này sau nhiều năm bị ngưng trệ...

Chuyến công du lần thứ 6 tới Trung Đông kể từ tháng 2-2013, khi ông Giôn Ke-ri nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ đã đạt được thành công lớn khi ông thuyết phục được cả các nhà đàm phán Pa-le-xtin và I-xra-en gặp nhau tại Oa-sinh-tơn trong vài ngày tới. Nhà thuyết khách G.Ke-ri cũng thuyết phục được phía Pa-le-xtin từ bỏ điều kiện tiên quyết đòi phải có một sự bảo đảm rằng, các cuộc đàm phán về các đường biên giới giữa Nhà nước Pa-le-xtin và I-xra-en phải dựa trên tuyến ngừng bắn từ năm 1949 đến cuộc chiến tranh năm 1967, khi I-xra-en chiếm giữ Bờ Tây, Dải Ga-da và Đông Giê-ru-xa-lem.

Phát biểu với báo giới tại Thủ đô Am-man của Gioóc-đa-ni ngày 19-7, sau loạt các cuộc gặp và thảo luận với lãnh đạo Pa-le-xtin, trưởng đoàn đàm phán của Pa-le-xtin và I-xra-en, Ngoại trưởng G.Ke-ri thông báo, hai bên đã đạt được thỏa thuận đặt nền móng cho việc tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp sau gần 3 năm bị đình trệ. “Đây là bước tiến lớn và đáng hoan nghênh. Thỏa thuận này vẫn đang trong tiến trình chính thức hóa”, ông G.Ke-ri nhấn mạnh. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo thỏa thuận này không phải là điểm cuối cùng và các bên vẫn cần có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri (bên trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát ngày 19-7 tại Bờ Tây. Ảnh: Internet
Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri (bên trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát ngày 19-7 tại Bờ Tây. Ảnh: Internet

Về phần mình, Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát cho biết, các cuộc thương thuyết kéo dài đã mang lại kết quả, với việc "Pa-le-xtin chấp nhận nối lại đàm phán". Song, ông cho biết vẫn còn một số chi tiết cần phải thảo luận thêm trong cuộc gặp ở Oa-sinh-tơn vào tuần tới. Dù lạc quan cho rằng, "ba năm bế tắc ngoại giao sắp chấm dứt", song người đứng đầu nhóm đàm phán hai bên, Bộ trưởng Tư pháp I-xra-en T.Líp-ni khẳng định, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra "phức tạp chứ không hề dễ dàng", nhưng "đây là điều đúng đắn cho tương lai, an ninh, kinh tế và các giá trị của I-xra-en". Trong một động thái được cho là tích cực, ngày 20-7, Ten A-víp tuyên bố  sẽ phóng thích "một số lượng hạn chế" tù nhân Pa-le-xtin đã bị giam giữ đến 30 năm.

Phản ứng trước việc I-xra-en và Pa-le-xtin đạt được thỏa thuận trên, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun cho rằng, các nhà lãnh đạo của I-xra-en và Pa-le-xtin cần thể hiện "lòng can đảm và trách nhiệm" để duy trì các cuộc đàm phán hòa bình mới được nối lại. Và rằng, LHQ sẽ ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới cuộc đàm phán có ý nghĩa cũng như việc đạt được hòa bình toàn diện trong khu vực.

Trái với sự lạc quan của Ngoại trưởng Mỹ, dư luận Pa-le-xtin lại tỏ ra hoài nghi về triển vọng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với I-xra-en. Phản ứng về tuyên bố của Ngoại trưởng G.Ke-ri, người phát ngôn Phong trào HAMAS, Xa-mi A-bu Du-ri khẳng định, HAMAS không chấp nhận thông báo của ông G.Ke-ri về việc nối lại đàm phán giữa chính quyền Pa-le-xtin và I-xra-en. “Việc chính quyền Pa-le-xtin trở lại bàn đàm phán sẽ không giành được sự nhất trí của toàn thể người Pa-le-xtin”, ông X.Du-ri nhấn mạnh. Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) cũng tuyên bố sẽ đưa ra phản ứng chính thức đối với đề xuất hòa bình của ông G.Ke-ri trong thời gian sớm nhất.

Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin đã bị đình trệ từ năm 2010 do những bất đồng giữa hai bên về các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem, những vùng lãnh thổ I-xra-en chiếm đóng của người Pa-le-xtin. Đây là những rào cản lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông khi chính quyền Pa-le-xtin tuyên bố, chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu I-xra-en chấm dứt việc mở rộng khu định cư trên các vùng đất chiếm đóng. Trong khi đó, chính quyền I-xra-en vẫn tiếp tục hoạt động định cư bất chấp sự phản đối của phía Pa-le-xtin cũng như của Mỹ.

Tuy nhiên, với những động thái tích cực của các bên liên quan đang dấy lên tia hy vọng về một Trung Đông hòa bình trong tương lai không xa./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com