Dấu ấn của môn lặn

08:06, 24/06/2022

Môn bơi và lặn ở cùng nhóm thể thao dưới nước, giải thi đấu quốc gia cũng luôn diễn ra cùng thời điểm thế nhưng sự chú ý và đầu tư cho lặn còn khá thấp. Dù không phải là đội tuyển được chú ý nhiều nhưng những thành tích bộ môn này đạt được tại các kỳ SEA Games trước hay ở giải quốc tế đều rất đáng nể.

Nguyễn Thành Lộc (phải) luôn mong muốn đưa bộ môn lặn tiến xa hơn không chỉ ở đấu trường trong nước mà còn xây dựng vị thế của lặn Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Nguyễn Thành Lộc (phải) luôn mong muốn đưa bộ môn lặn tiến xa hơn không chỉ ở đấu trường trong nước mà còn xây dựng vị thế của lặn Việt Nam ở đấu trường quốc tế.

Tại SEA Games 31 vừa qua, 10 HCV, 5 HCB, 3 HCĐ là thành tích mà đội tuyển lặn Việt Nam gặt hái được sau 11 năm bộ môn mới được đưa vào chương trình thi đấu đại hội trở lại (gần nhất là SEA Games 26 ở Indonesia).

Nói như vậy nhưng môn lặn cũng không thiếu những gương mặt tài năng, mang về nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam. Trong số đó, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiêu biểu đóng góp nhiều tấm huy chương danh giá và các kình ngư chất lượng, nổi bật là 4 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ trong kỳ đại hội thể thao khu vực vừa kết thúc vào cuối tháng 5. Đáng chú ý, nam tuyển thủ số 1 của đội lặn Thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Thành Lộc còn nằm trong nhóm VĐV chủ chốt của tuyển quốc gia tại các đấu trường quốc tế.

Tính riêng tại SEA Games 31, kình ngư Nguyễn Thành Lộc đã mang về 3 tấm HCV (50m cá nhân vòi hơi chân vịt, 100m cá nhân vòi hơi chân vịt, tiếp sức 4x100m nam vòi hơi chân vịt), khép lại một kỳ đại hội hết sức thành công đối với đoàn thể thao Việt Nam cũng như với riêng thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể, những tấm huy chương các loại tại các giải vô địch châu Á qua nhiều năm.

Với những thành tích kể trên, Lộc đã khiến bao người ngưỡng mộ với tài năng của mình, nhưng ít ai biết rằng đằng sau đó là cả quá trình khổ luyện hơn 10 năm và thường đối mặt với cảm giác “thèm” thi đấu thực tiễn. “Lặn là môn yêu cầu có dụng cụ để thi đấu nên trong lúc tập luyện rất dễ xảy ra chấn thương nếu không chú ý kỹ lưỡng. Có lẽ lặn vẫn chưa phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, nên cũng chưa được đầu tư và mở rộng cho nhiều giải đấu lắm. Trong một năm, tôi chỉ có 2 giải đấu trong nước để thể hiện, còn giải quốc tế thì 2 năm mới có cơ hội tranh tài một lần. Thời gian khác thì tôi vẫn trong guồng quay tập luyện cùng đội tuyển Thành phố Hồ Chí Minh tại Câu lạc bộ bơi - lặn Phú Thọ, chờ ngày đến giải đấu tiếp theo”, Nguyễn Thành Lộc tâm sự.

Cũng theo nam kình ngư chia sẻ, nếu như ở một số môn thể thao, các VĐV thuộc nhiều đơn vị sẽ có dịp tập huấn cùng nhau thì ở môn lặn, kỳ đại hội trên sân nhà lần này có thể nói là lần đầu tiên mà các tuyển thủ ở 3 miền Bắc, Trung, Nam tập trung luyện tập cùng nhau để chuẩn bị cho sự kiện. Do đó không tránh khỏi những lúc không tìm được tiếng nói chung của mọi người. Song sau tất cả, mọi thành viên của đội đã biết lắng nghe ý kiến của nhau, đoàn kết, quyết tâm tập luyện để giành được thành công tại SEA Games 31./.

Theo Báo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com