Hải Hậu phát triển phong trào thể dục thể thao

05:10, 08/10/2021

Là địa phương có bề dày thành tích thể dục thể thao (TDTT), những năm qua, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển TDTT; quy hoạch quỹ đất dành cho thể thao gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; xã hội hoá các nguồn lực đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Người dân tham gia Giải chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân huyện Hải Hậu (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Người dân tham gia Giải chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân huyện Hải Hậu (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Đồng chí Lê Văn Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hải Hậu cho biết: Sau một thập niên triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, TDTT huyện Hải Hậu đã có bước phát triển mạnh về thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Các hoạt động TDTT từ huyện đến cơ sở có nhiều thuận lợi, kết quả hàng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch giao. Huyện có đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa - thể thao, huấn luyện viên, cộng tác viên, vận động viên, trọng tài kinh nghiệm, tâm huyết với các hoạt động TDTT. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động thể thao ngày càng được đầu tư nâng cấp, cải tạo, đáp ứng yêu cầu tập luyện TDTT của cán bộ, nhân dân. Việc tổ chức các hoạt động TDTT trên địa bàn huyện được sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng hưởng ứng. Đến nay, trên sóng phát thanh - truyền hình huyện mở 84 chuyên trang, chuyên mục; thực hiện 243 tin, bài; treo 654 băng - rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về “Văn hóa - Thể thao vì sức khỏe toàn dân”. Hoạt động văn hóa - thể thao ở Hải Hậu phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả 546 xóm, tổ dân phố (TDP) trong huyện đã thành lập được ít nhất mỗi xóm 1 CLB/đội văn hóa - thể thao, thường xuyên giao lưu văn nghệ, thi đấu TDTT giữa các xóm, TDP hoặc giữa các xã, thị trấn vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Giải phóng miền Nam (30-4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9). Phong trào TDTT được các địa phương phát động gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”.

Để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể; mức hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa, sân/khu thể thao liên xóm, TDP để tạo đòn bẩy phong trào; đồng thời, hướng dẫn các xã, thị trấn tham mưu quy hoạch quỹ đất xây dựng các công trình TDTT phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập luyện của cộng đồng. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa - thể thao đồng bộ gồm: Nhà văn hóa huyện (xây dựng từ năm 1984) có sức chứa trên 1.000 chỗ ngồi, là nơi diễn ra những sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của huyện; Nhà thi đấu trung tâm có mái che, sức chứa hơn 1.500 khán giả; Sân vận động diện tích gần 23 nghìn m2; Bể bơi có tổng diện tích 1.400m2, kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng, mỗi năm thu hút khoảng 10 nghìn lượt người đến bơi. Cả 34 xã, thị trấn trong huyện có Trung tâm văn hóa - thể thao; 546 xóm, TDP có nhà văn hóa, trong đó có 6 nhà văn hóa liên xóm, TDP, có quy hoạch đất để xây dựng khu thể thao xóm, TDP, liên xóm, TDP; 9/34 xã, thị trấn có sân cầu lông trong nhà; 417/546 xóm, TDP có sân cầu lông, 386/546 xóm, TDP có sân bóng chuyền; 117/546 xóm, TDP có sân bóng đá mi ni, 216/546 xóm, TDP có bàn bóng bàn và 393 trang thiết bị luyện tập TDTT ngoài trời. Các nhà văn hoá cơ sở được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị, kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp và các nhà tài trợ đã phát huy tối đa công năng sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT.

Với nền tảng phong trào và cơ sở vật chất đầy đủ nên Hải Hậu là địa phương nhiều năm duy trì tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống vào dịp Tết Độc lập - Quốc khánh (2-9) quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Hàng năm, hầu hết các các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác xã hội hoá, vận động người dân tích cực tham gia ủng hộ cả về vật chất và tinh thần trong tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao cơ sở (ngày 19-8) theo chương trình, kế hoạch, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Trong ngày hội, mỗi xã, thị trấn duy trì tổ chức thi đấu từ 4-12 bộ môn: bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, bơi chải, cờ tướng, kéo co, dưỡng sinh, đồng diễn thể dục, văn nghệ quần chúng… để tuyển chọn các đội, vận động viên tiêu biểu tham gia thi đấu 10 môn thể thao chính trong Ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống huyện (ngày 2-9). Cũng trong dịp này, huyện còn tổ chức các môn nghệ thuật biểu diễn (nhạc kèn, đi cà kheo, trống hội, xếp chữ, múa lân - sư - rồng) rất sôi động phục vụ nhân dân. Ngoài ra sự kiện “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” cũng được huyện tổ chức thành công từ huyện đến cơ sở; với hàng nghìn người tham gia ở mỗi cấp.

Thành công từ phong trào TDTT quần chúng qua các giải thể thao cơ sở là tiền đề để Hải Hậu phát triển các môn thể thao chuyên nghiệp, đóng góp vào sự phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh, quốc gia. Từ năm 2016 đến nay, tại các giải thể thao của tỉnh như: giải Bơi chải, giải Việt dã, giải Vật đầu xuân, giải Cầu lông các CLB, huyện Hải Hậu đều tham dự và thường xuyên có các vận động viên xuất sắc giành giải Nhất, Nhì toàn đoàn. Tại SEA Games 29 (năm 2017) tổ chức ở Malaysia, Hải Hậu đã đóng góp cho đội tuyển thể thao Việt Nam 2 vận động viên giành HCV là Vũ Thị Mến nội dung nhảy 3 bước (điền kinh) và Đinh Quang Linh môn bóng bàn. Tại SEA Games 30, vận động viên Vũ Thị Mến tiếp tục giành HCĐ ở nội dung nhảy 3 bước.

Phát huy thành tích đạt được, huyện Hải Hậu đề ra mục tiêu phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Phấn đấu xây dựng đồng bộ hệ thống sân vận động xã, thị trấn, khu thể thao liên xóm, TDP. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thể thao, bổ sung thêm các trang thiết bị TDTT. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TDTT đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ; chú trọng giáo dục thể chất và thể thao trường học; duy trì, phát triển phong trào rèn luyện thân thể trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ văn hóa - thể thao cơ sở; tổ chức khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT để nâng cao chất lượng hoạt động TDTT. Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác TDTT; đặc biệt là chiến lược phát triển TDTT. Hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân tham gia luyện tập TDTT; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các phong trào, cuộc vận động xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực thể thao, khuyến khích, huy động các tổ chức kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, đóng góp kinh phí cho phát triển sự nghiệp TDTT trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com