Vị thế đi đầu

08:10, 23/10/2020

Hai mươi năm trước, khi bóng đá Việt Nam còn chưa chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, đội Công an Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi đầu tiên có… ngoại binh. Đó là cầu thủ David Serere, một chủ doanh nghiệp người Pháp mê bóng đá, xỏ giày ra sân đá cặp cùng tiền đạo Lê Huỳnh Đức đến mấy mùa giải.

Câu chuyện của David Serere chỉ là một ví dụ nhỏ cho rất nhiều bước đi tiên phong của bóng đá Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xem là cái nôi của môn túc cầu ở Việt Nam, từ thuở còn sân bóng Vườn Ông Thượng (Tao Đàn ngày nay), cho đến sau ngày thống nhất đất nước. Hồi năm 1995, ở sân Thống Nhất lần đầu tiên tổ chức một giải quốc tế mời theo kiểu “được trả tiền ra sân” mang tên Cúp Độc lập, quy tụ được nhiều đội tuyển quốc gia đến từ Tây Âu, đem lại những trận bóng chất lượng.

Thời điểm đó, văn phòng đại diện của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ là một căn phòng nhỏ bên trong sân Thống Nhất nhưng được xem là “trụ sở 2” của VFF, điều hành mọi hoạt động thi đấu, xây dựng các kế hoạch kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam theo cách của một doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia lâu năm thừa nhận, nếu không có những đột phá mạnh mẽ từ làng cầu Thành phố Hồ Chí Minh thì bóng đá Việt Nam còn rất lâu mới chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp như hiện nay. Thực tế thì ngay lúc còn bao cấp, Cảng Sài Gòn đã là một đội bóng trực thuộc doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam. Rồi đội bóng đá nữ đầu tiên của cả nước cũng bắt đầu từ đây. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi tổ chức các giải bóng đá quốc tế lớn nhất nước nhờ sự linh hoạt trong việc vận động tài trợ.

Nói cách khác, tương tự nhiều lĩnh vực khác của thành phố mang tên Bác, bóng đá luôn có những bước tiên phong, tự đặt mình ở vị thế của một người đi đầu để mày mò, tạo ra những đột phá trong cách nghĩ, cách làm. Không chỉ là những tiên phong ở khía cạnh kinh doanh bóng đá, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi xuất hiện lò đào tạo bóng đá tư nhân đầu tiên Đa Phước, hay trung tâm bóng đá chuyên dụng đầu tiên của Thành Long, nơi đặt nền móng cho hệ thống đào tạo VPF hàng đầu Đông Nam Á hiện nay. Hay như việc triển khai dự án bóng đá học đường, vốn cực kỳ khó khăn đối với điều kiện cơ sở vật chất của thành phố “đất chật, người đông”, vậy nhưng sau 7 năm tiến hành, hiện đã “phủ sóng” tất cả các trường trong thành phố.

Rất tiếc là ở phần bóng đá đỉnh cao, nơi Thành phố Hồ Chí Minh đang có 2 đại diện đang chơi bóng ở V-League, vẫn chưa tạo ra được sự khác biệt so với những đội bóng khác cả về nội lực lẫn chuyên môn. Bầu không khí bóng đá tại sân Thống Nhất còn kém xa so với thời hoàng kim, nên cho dù cả Sài Gòn FC lẫn CLB Thành phố Hồ Chí Minh có những tiến bộ về thành tích thì cũng không thể xem là thành công. Người hâm mộ đang kỳ vọng các đội bóng này có được tinh thần và vị thế đi đầu của các thế hệ người làm bóng đá trước đây để thực sự tạo ra bước ngoặt, để lại dấu ấn đậm nét như Cảng Sài Gòn, bóng đá nữ, futsal Thái Sơn Nam đã có./.

Theo SGGP

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com