Phát triển phong trào võ cổ truyền từ cơ sở

08:08, 28/08/2020

Vụ Bản là địa phương có phong trào võ thuật cổ truyền (VTCT) phát triển mạnh khi đưa các nội dung võ thuật trở thành hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh tiểu học, THCS. Toàn huyện hiện có 4 võ đường hoạt động thường xuyên theo hình thức xã hội hóa; 5 CLB VTCT học đường thuộc các trường THCS: Đại An, Thành Lợi, Vĩnh Hào, Tam Thanh, Trung Thành do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập. Không chỉ có học sinh, nhiều CLB VTCT đã có võ sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả trung niên, người cao tuổi. Việc luyện tập thường xuyên VTCT không chỉ kế thừa lưu giữ những tinh hoa bộ môn võ vật truyền thống của địa phương mà còn giúp võ sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, thúc đẩy phong trào TDTT các xã, thị trấn phát triển.

Tiết mục biểu diễn quyền thuật đồng đội tại Chương trình “Mùa Xuân thượng võ” năm 2020.
Tiết mục biểu diễn quyền thuật đồng đội tại Chương trình “Mùa Xuân thượng võ” năm 2020.

Thành phố Nam Định với lợi thế về cơ sở vật chất, địa điểm tập luyện, phong trào VTCT đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng. Hiện nay, thành phố có trên 20 CLB, lớp VTCT hoạt động sôi nổi. Võ sư Vũ Mạnh Thắng, chủ nhiệm môn phái VTCT tổng hợp (Liên đoàn VTCT tỉnh) cho biết: Năm 2020, mặc dù gặp khó khăn do dịch COVID-19, thời điểm nghỉ hè của học sinh muộn và ngắn hơn mọi năm, song các võ đường đã tiếp nhận huấn luyện cho gần 200 học sinh của các trường tiểu học, THCS, THPT… Để võ sinh tập luyện hiệu quả, các võ sư phối hợp với giáo viên thể chất các trường chuẩn bị giáo trình và phương pháp huấn luyện phù hợp với từng lứa tuổi giúp các em tiếp thu tốt nhất các động tác quyền, từng bước nâng cao sức khỏe. Thời gian học 3 buổi trong tuần với thời lượng 90 phút mỗi buổi, các võ sinh được tập các bài tập quyền thuật nổi tiếng của võ tổng hợp Việt Nam như long quyền, hổ quyền, xà quyền, hạc quyền; 18 môn binh khí truyền thống của Thiếu lâm tự; các đòn tự vệ tay không; các kỹ thuật công phá; biểu diễn võ thuật... Sau khoá học, võ đường thường phối hợp với các nhà trường tổ chức hoạt động đồng diễn võ thuật trong lễ khai giảng năm học; tham gia các hội diễn võ thuật trong và ngoài tỉnh. Một số địa phương có phong trào VTCT phát triển sôi động những năm gần đây như Giao Thủy, Ý Yên, Xuân Trường... Các địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ các CLB VTCT địa điểm tập luyện, trang bị dụng cụ cho các lớp VTCT, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ để duy trì hoạt động. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, VTCT đã được các trường học đưa vào buổi tập thể dục giữa giờ hoặc tiết thể dục, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng nhà trường. Tại Giao Thủy, từ năm học 2019-2020 đã bắt đầu thí điểm đưa môn VTCT, võ nhạc trở thành môn ngoại khóa tại 5 trường tiểu học, 3 trường THCS. Các địa phương đã cử giáo viên giáo dục thể chất tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy VTCT, đồng thời mời các võ sư có kinh nghiệm, cộng tác viên có chuyên môn, được cấp chứng chỉ tham gia dạy các lớp VTCT trong trường học.

Hàng năm, Liên đoàn VTCT tỉnh phối hợp với các địa phương, các võ đường xây dựng kế hoạch tổ chức giải VTCT các cấp. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn VTCT tỉnh tổ chức biểu diễn võ thuật với chủ đề “Mùa xuân thượng võ”. Chương trình biểu diễn võ thuật thu hút trên 150 huấn luyện viên, võ sư, võ sinh của 12 CLB trong tỉnh thuộc 8 võ phái, gồm: Tây Sơn Bắc phái, Thiếu lâm Nam phái, Võ cổ truyền tổng hợp, Võ lâm Mạc gia, Bình Định gia, Nam Hồng Sơn, Long Môn võ đạo, Vovinam. Nội dung thi đấu, biểu diễn gồm các tiết mục: đối luyện, căn bản công pháp, các bài quyền trong thi đấu quốc gia, quyền thuật đơn, quyền thuật đồng đội 3-5 người, quyền thuật tập thể 10-12 người. Hội diễn là dịp để các CLB võ cổ truyền trong toàn tỉnh giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức võ thuật, đồng thời khích lệ, đẩy mạnh phong trào rèn luyện võ thuật sâu rộng trong thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh. Đây là giải đấu quan trọng đề cao tinh thần thượng võ, tiếp tục “giữ lửa” và phát triển phong trào VTCT tại các địa phương. Bên cạnh đó, Liên đoàn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyên môn, kiểm tra thi thăng cấp đai cho cán bộ, giáo viên thể dục dạy môn VTCT trong các nhà trường; xây dựng kế hoạch cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo huấn luyện viên, các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Liên đoàn VTCT Việt Nam và Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. 

Ông Phạm Xuân Nam, Chủ tịch Liên đoàn VTCT tỉnh cho biết: Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 80 CLB, võ đường, lớp võ đang hoạt động; 35 võ sư có trình độ chuyên môn được Liên đoàn VTCT Việt Nam cấp bằng, chứng chỉ. Phong trào VTCT được khôi phục và ngày càng phát triển nhưng chưa thực sự đồng đều, quy mô chưa lớn. Một số địa phương chưa có võ đường để quy tụ những võ sư có trình độ, kỹ thuật chuyên sâu về truyền dạy VTCT cho võ sinh theo bài bản chính thống. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào, Liên đoàn VTCT tỉnh tập trung chỉ đạo các môn phái, đơn vị trực thuộc tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô hoạt động, phát triển hội viên mới, chú trọng đối tượng thanh, thiếu niên, người cao tuổi... Liên đoàn tiếp tục triển khai chương trình phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố thành lập thí điểm một số CLB võ thuật. Các địa phương tạo điều kiện tiếp tục mở thêm nhiều lớp VTCT nghiệp dư; thường xuyên tổ chức thi đấu giao lưu, đưa VTCT vào hệ thống giải thể thao hàng năm. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá dưới nhiều hình thức để VTCT ngày càng được người dân quan tâm, yêu thích hơn. Ngành TDTT tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh, đồng thời tổ chức nhiều hơn các giải đấu cấp tỉnh để tạo sân chơi thu hút các địa phương tham gia thi đấu, cọ xát, tạo động lực phát triển bền vững cho phong trào./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com