Việc các CLB Ngoại hạng Anh đề xuất giảm 30% lương cầu thủ tưởng rằng sẽ nhận được sự đồng thuận cao hóa ra lại đang là vấn đề gây tranh cãi lớn. Khác với Barcelona và một số đội bóng ở Tây Ban Nha khi người hâm mộ là những người sở hữu đội bóng, các CLB tại Ngoại hạng Anh được sự hậu thuẫn của các ông chủ siêu giàu có. Việc các đội bóng xứ sương mù đề xuất giảm lương cầu thủ có thật sự vì mục đích gỡ khó, chung tay đẩy lùi Covid-19?

Trong cuộc họp online mới nhất giữa Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), huấn luyện viên trưởng, đội trưởng đại diện 20 đội bóng, phần lớn các cầu thủ đều phản đối kịch liệt chuyện giảm lương. Những De Bruyne (Man City), Troy Deeney (Watford) và Mark Noble (West Ham) đều đưa ra quan điểm, các CLB đang lợi dụng khủng hoảng dịch bệnh để “tìm cớ trốn tránh nghĩa vụ tiền bạc”, đồng thời “không biết động cơ phía sau kế hoạch giảm lương là gì?”. Các cầu thủ này đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ việc phòng, chống dịch bằng cách chuyển tiền trực tiếp đến các quỹ y tế công cộng thay vì giảm lương để mang lại lợi ích cho chính các ông chủ giàu có.

 Đội trưởng Man City De Bruyne phản đối kịch liệt việc giảm lương cầu thủ. Ảnh: Getty Images.
Đội trưởng Man City De Bruyne phản đối kịch liệt việc giảm lương cầu thủ. Ảnh: Getty Images.

Đầu thế kỷ XX, mức lương mỗi cầu thủ bóng đá chỉ khoảng 1 bảng Anh/tuần. Nếu trừ đi lạm phát và mất giá, cầu thủ bây giờ kiếm gấp khoảng gần 100 lần ngày xưa. Sau Thế chiến thứ nhất, các cầu thủ bóng đá mới được nhận lương tối đa 10 bảng Anh/tuần. Một ngôi sao bóng đá lúc này có thể kiếm vài trăm nghìn bảng Anh một tuần tiền lương. Đó còn chưa kể tới những nguồn thu từ hình ảnh, đại diện cho nhà tài trợ... Cầu thủ bóng đá hiện nay có thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu bảng/Anh một năm. Thế mới thấy, việc cắt giảm lương 30% với họ chỉ là việc lấy đi “hạt cát trên sa mạc”. Tuy nhiên, các cầu thủ cho rằng, họ đang bị lợi dụng lòng tốt và nghi ngờ về số tiền ủng hộ của họ sẽ bị sử dụng sai mục đích.

Việc giảm lương cầu thủ vốn là vấn đề nhạy cảm, phải có sự đồng thuận của đôi bên chứ không được mang tính ép buộc. Vẫn biết đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều thiệt hại, nhưng với những đội bóng lớn có sự hậu thuẫn của các tỷ phú thì chưa chắc họ đã rơi vào tình thế quá khó khăn. Một đội bóng trung bình ở Premier League có doanh thu khoảng vài trăm triệu bảng Anh/năm. Trong khi, các đội bóng lớn như Liverpool, M.U, Man City còn cán mốc doanh thu gần 1 tỷ bảng Anh/năm. Đó còn chưa kể tới việc các đội bóng này thường có những quỹ dự phòng lớn để ứng phó trước những trường hợp bất ngờ xảy ra như là thiên tai, dịch bệnh...

Không chỉ các cầu thủ mà Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) cũng đã lên tiếng phản đối đối kế hoạch giảm lương khi cho rằng giải pháp này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu thuế của Chính phủ. Các cầu thủ đều lưu tâm rằng khoản tiền thuế trong mức lương của họ đóng góp đáng kể cho ngân quỹ y tế công cộng, vốn đang rất cần thiết vào lúc này. Cắt giảm 30% lương cầu thủ sẽ ảnh hưởng tới sự chắc chắn về tài chính của ngân khố quốc gia. Và việc các cầu thủ Ngoại hạng Anh từ chối giảm lương cũng xuất phát từ mục đích để những đồng tiền ủng hộ của họ đến tận tay những người đang ngày đêm chống lại đại dịch Covid-19.

Theo qdnd.vn