Cử tạ Việt Nam hướng tới mục tiêu dự Thế vận hội

08:01, 22/01/2020

Cử tạ là một trong những đội tuyển đầu tiên của Ðoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30-2019 hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra, đồng thời lập công lớn với thành tích dẫn đầu về huy chương của bộ môn tại đại hội với bốn Huy chương vàng (HCV), năm Huy chương bạc (HCB), một Huy chương đồng (HCÐ). Ngay sau đại hội, trên bảng xếp hạng vòng loại Ô-lim-pích 2020 của Liên đoàn cử tạ thế giới, các vận động viên (VÐV) cử tạ Việt Nam đã được tích điểm và nhiều khả năng sẽ giành suất dự Thế vận hội năm nay.

Theo đó, ở hạng 61 kg nam, VÐV Thạch Kim Tuấn được cộng 963 điểm nhờ đạt mức tổng cử 304 kg tại SEA Games 30, để xếp hạng năm với 3.765 điểm. Tại hạng 49 kg nữ, Vương Thị Huyền xếp thứ 10 với 2.902 điểm, trong đó có 741 điểm từ thành tích tổng cử 172 kg tại SEA Games 30. Ở hạng 59 kg nữ, Hoàng Thị Duyên xếp hạng bảy với 3.302 điểm, trong đó có 754 điểm từ thành tích tổng cử 210 kg tại SEA Games 30.

Ở các kỳ SEA Games trước đây, đội tuyển cử tạ Việt Nam thường tỏ ra lép vế so với hai đội tuyển cử tạ của In-đô-nê-xi-a và Thái-lan, cho nên không được kỳ vọng là "mỏ vàng" để kỳ vọng ở SEA Games 30. Cách đây hai năm, tại kỳ SEA Games 29, các VÐV cử tạ nước ta tham gia đại hội với số lượng tương đương, song chỉ có Thạch Kim Tuấn giành được HCV. Với kết quả này, đội tuyển cử tạ Việt Nam chỉ xếp thứ ba toàn đoàn, sau In-đô-nê-xi-a và Thái-lan. Cũng vì vậy, khi tham dự SEA Games 30, đội tuyển cử tạ Việt Nam cũng chỉ dám đề ra chỉ tiêu khiêm tốn là hai HCV và xếp thứ hai toàn đoàn.

Thế cũng đã là có bước tiến bộ bởi ở các đại hội trước của khu vực, cử tạ nước ta chưa bao giờ vượt quá một HCV. Một trong những nguyên nhân mà lãnh đạo bộ môn dám đẩy cao chỉ tiêu là do đội tuyển cử tạ Thái-lan không được dự thi đấu SEA Games 30 vì án phạt sử dụng đô-pinh của Liên đoàn cử tạ thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các VÐV người Thái không hẳn là yếu tố chính dẫn đến thắng lợi vang dội của cử tạ Việt Nam bởi khoảng trống đó đã được các VÐV của nước chủ nhà Phi-li-pin lấp đầy.

Từ sự chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm cao, người mang về HCV đầu tiên cho đội tuyển cử tạ Việt Nam ở SEA Games 30 là nữ VÐV Vương Thị Huyền. Thi đấu xuất sắc, Huyền đã bước vào vòng chung kết hạng cân 45 kg nữ để cạnh tranh giành HCV với bốn VÐV mạnh đến từ In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Mi-an-ma và Ma-lai-xi-a. Nữ VÐV Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi áp lực để lên ngôi vô địch với mức tổng cử 172 kg.
Nối tiếp Vương Thị Huyền, lần lượt là Lại Gia Thành đoạt HCV hạng 55 kg nam với mức tổng cử 264 kg, vượt xa các đối thủ dự thi ở nội dung này. Cùng với anh là hai HCV của cô gái người dân tộc Giáy Hoàng Thị Duyên ở hạng 59 kg nữ có mức tổng cử 210 kg và Phạm Thị Hồng Thanh ở hạng 64 kg nữ với mức tổng cử 214 kg. Hai nữ VÐV Việt Nam đã nỗ lực phi thường để có kết quả tốt nhất khi đối đầu các VÐV nước chủ nhà ở các nội dung thi đấu, mang về hai HCV quý giá.

Ðáng tiếc nhất tại SEA Games lần này là VÐV Thạch Kim Tuấn thi đấu ở hạng cân 61 kg nam. Tuy có đến năm vận động viên thi đấu, nhưng vòng chung kết ở hạng cân này thực ra chỉ là cuộc đấu của Kim Tuấn và VÐV nổi tiếng Ê-cô I-ra-oan của In-đô-nê-xi-a. Thạch Kim Tuấn đã thi đấu không thành công ở nội dung cử giật và chỉ đạt mức tổng cử 304 kg, qua đó đoạt HCB, thua sâu so với đô cử của đất nước vạn đảo có mức tổng cử 309 kg. Thực tế, thành tích của Kim Tuấn cũng không đến nỗi quá bi quan vì đây là thành tích xếp thứ ba thế giới ở hạng cân này của nam ở thời điểm hiện tại.

Có số lượng HCV bằng với đội tuyển cử tạ In-đô-nê-xi-a, nhưng đội tuyển cử tạ Việt Nam lại hơn về số lượng HCB khi có năm HCB, còn đội bạn chỉ có một HCB. Như vậy, về mặt thành tích, cử tạ của hai nước vẫn ở thế ngang ngửa nhau, chưa thể đánh giá cử tạ Việt Nam vượt trội, nhất là khi không có mặt đội tuyển cử tạ Thái-lan. Tuy nhiên, thành tích này cũng là bước phát triển mới, cho thấy tầm nhìn đúng đắn về đầu tư trọng tâm, trọng điểm với các môn thể thao cơ bản Ô-lim-pích của ngành thể thao Việt Nam. Cùng với việc đầu tư cho lứa VÐV có phong độ tốt qua SEA Games 30, để chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế sắp tới như Ô-lim-pích 2020 và kỳ SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, theo lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao, Tổng cục và bộ môn cử tạ cũng đang có một chiến lược dài hơi, xây dựng nền tảng tập luyện ở cấp cơ sở, chuẩn bị cho lứa VÐV kế cận, tạo sự phát triển bền vững cho cử tạ nước nhà.

Hướng tới Ô-lim-pích 2020, ba VÐV cử tạ của Việt Nam là Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên đang tích cực luyện tập để tham dự hai giải đấu quốc tế trong dịp đầu năm là Cúp cử tạ thế giới 2020 tại I-ta-li-a từ ngày 27 đến 31-1 và Giải vô địch cử tạ châu Á 2020 tại Ca-dắc-xtan từ ngày 16 đến 25-4. Riêng VÐV Vương Thị Huyền sẽ phải lên thi đấu ở hạng cân 49 kg nữ vì là hạng cân thấp nhất theo quy định của Liên đoàn cử tạ thế giới tại Ô-lim-pích 2020. Ðây cũng là một thách thức lớn với Huyền vì sẽ phải cạnh tranh với nhiều VÐV mạnh của các nước.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com