Tiền nhiều để làm gì?

08:01, 10/01/2020

VFF vừa công bố doanh thu kỷ lục của năm 2019, lên đến 240 tỷ đồng, tăng đến 150% so với chỉ tiêu. Đặc biệt, lợi nhuận tăng đến 747%.

Không có doanh nghiệp nào “làm ăn” lãi như VFF. Không khó để biết sự tăng trưởng “khủng” ấy chủ yếu nhờ hiệu ứng đến từ đội tuyển quốc gia sau năm thứ 2 liên tiếp gặt hái thành công. Nhưng cũng trong phiên đại hội thường niên của mình, VFF công bố một thông tin không vui, đó là có một số trận đấu tại giải U19 quốc gia hồi đầu năm có dấu hiệu tiêu cực đến mức phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Bóng đá Việt Nam đã có một năm 2019 với nhiều thành công
Bóng đá Việt Nam đã có một năm 2019 với nhiều thành công.

Nếu đội tuyển quốc gia được xem là phần đỉnh của nền bóng đá, thì giải U19 quốc gia chính là phần đáy. Đó là giải đấu khởi đầu cho sự nghiệp của một cầu thủ chuyên nghiệp sau khi hoàn thành khâu đào tạo, cũng là giải đấu mà theo quy chế, bắt buộc mọi CLB đang đá chuyên nghiệp phải có đại diện tham gia. Về lý thuyết, nếu ngay từ lứa tuổi U19 mà mọi thứ ổn, thì kết quả của phần đỉnh cao sẽ nhiều triển vọng. Không nói đâu xa, thế hệ đội tuyển dưới tay HLV Park Hang-seo hiện nay đều phát lộ từ U19. Những khoản dôi dư từ các nguồn thu có được ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cũng chủ yếu được VFF đầu tư cho lứa U19.

Nhưng thông tin tiêu cực tại giải U19 quốc gia mà VFF vừa công bố rõ ràng đáng lo ngại. Tại sao một giải đấu trẻ lại có thể xuất hiện những hành vi như “dàn xếp tỷ số” cho dù các trận đấu của nó hầu như không có khán giả đến sân xem. Vai trò của các CLB ở đâu trong một giải đấu như U19 quốc gia? Liệu có phải giải đấu trẻ này chưa được đầu tư đúng mức?

Trên thực tế nhiều năm gần đây giải U19 luôn có vấn đề, từ vòng loại đến VCK. Từ chuyện đánh nhau, đến vấn đề trọng tài, đến gian lận tuổi và đỉnh điểm, như VFF đã thông tin, có cả tiêu cực trong thi đấu. Nghĩa là có mọi biểu hiện xấu nhất đều tồn tại. Cũng có nghĩa, nếu thiếu sự quan tâm đúng cách, các vấn đề đó sẽ lớn lên cùng cầu thủ và không có gì độc hại tiêm nhiễm vào “cơ thể” của bóng đá Việt Nam nhanh bằng con đường của các cầu thủ trẻ.

Hiện nay, việc tổ chức giải U19 và U21 được VFF “khoán” cho đơn vị ngoài xã hội, họ chỉ phụ trách phần chuyên môn. Các đội bóng khi cử U19 dự giải, ngoại trừ một số nơi đã nổi tiếng về bóng đá trẻ, thì đa số, cũng chỉ tham gia cho xong trách nhiệm. Có nhiều đội V-League không sẵn tuyến U19, phải mượn từ nơi khác để đăng ký tránh bị phạt. Đây là lý do mà trong 10 năm gần đây, các đội bóng lọt vào trận chung kết U19 quốc gia chỉ loanh quanh Hà Nội, Khánh Hòa, Viettel, PVF, Đồng Tháp và Nghệ An. Đó là các “lò” đào tạo trẻ nên luôn hào hứng tham gia. Trong một môi trường thiếu sự quan tâm như vậy, tiêu cực rất dễ xảy ra. Nếu các CLB xem U19 là nền tảng tương lai, mang triết lý chung của đội bóng, thì họ sẽ quan tâm. Và ngược lại.

Số tiền mà VFF kiếm được trong năm 2019 rồi cũng sẽ tiêu hết. Thế hệ đội tuyển dưới tay HLV Park Hang-seo, rồi cũng được thay thế bởi những lứa U19 khác. Những hiệu ứng tốt đang có, chưa chắc kéo dài. Nếu cứ mãi vui với hào quang trên đỉnh cao mà không chăm lo cho phần nền tảng thì có lúc chẳng trả lời được câu “Tiền nhiều để làm gì?”./.

Theo SGGP

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com