Gánh nặng trong đầu!

04:09, 06/09/2019

Hậu vệ Đoàn Văn Hậu vừa có mặt tại Hà Lan để hoàn tất các thủ tục khoác áo câu lạc bộ Heerenveen theo bản hợp đồng cho mượn 1 năm kèm điều khoản mua đứt có giá trị khoảng 1,5 triệu EUR.

Nếu mọi thứ suôn sẻ thì đây sẽ là cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam, một cái kết có hậu cho hành trình tìm đường ra nước ngoài thi đấu suốt gần 20 năm qua. Công bằng mà nói, đây mới chỉ là khởi đầu. Nhiều cầu thủ Việt Nam trước đây cũng đã đi nước ngoài, ít nhiều đều liên quan đến yếu tố tiếp thị, quảng cáo hơn là thuần túy chuyên môn. Chính vì vậy, những chuyến đi của Lê Huỳnh Đức, Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường… có thành công hay không, thì chưa đủ cơ sở để xác định.

Mặc dù hợp đồng của Văn Hậu với Heerenveen nặng tính chuyên môn, nhưng rõ ràng mọi thứ vẫn còn chờ Hậu thể hiện trên sân cỏ. Khi đó, bóng đá Việt Nam mới hình thành một công thức đầy đủ để nghĩ đến chuyện “xuất khẩu cầu thủ” đều đặn hơn.

Thế nhưng, ngay khi Văn Hậu còn chưa ký hợp đồng, thì chúng ta lại lo là cầu thủ này không về đá SEA Games. Từ huấn luyện viên Park Hang-seo đến VFF, rồi sau đó cả bầu Hiển đều quyết liệt hành động, nhằm đảm bảo sự có mặt của Văn Hậu trong đội U22 sắp đến. Thậm chí, bầu Hiển còn tuyên bố “không cho về thì hủy hợp đồng”.

Thoạt nghe thì có lý, có tinh thần dân tộc, bởi SEA Games là một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của các vận động viên thể thao Việt Nam. Chiếc huy chương vàng SEA Games thậm chí còn tối quan trọng với bóng đá Việt Nam, nên một ngôi sao trẻ như Văn Hậu không thể vắng mặt. Nhưng phía sau những cái lý ấy, là vô số những điều… rất kỳ cục.

Năm 2018, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn của đội tuyển U19 Việt Nam có “xin” Văn Hậu cho chiến dịch vòng chung kết U19 châu Á. Tất nhiên là Hậu không được về do đang tập trung cùng đội tuyển Việt Nam cho AFF Cup. Một giải đấu tầm cỡ châu Á thì không cần Hậu, hà cớ gì giải đấu dành cho U22 của khu vực Đông Nam Á lại phải triệu tập cho bằng được?

Trước khi U22 thi đấu tại SEA Games vào cuối tháng 11, sẽ là trận đấu ở vòng loại World Cup, trong đó có trận lượt về với Thái Lan. Nếu trong trường hợp Văn Hậu được câu lạc bộ Heerenveen sử dụng thường xuyên, thì chúng ta cần nhớ là các đồng đội của Hậu tại đội tuyển hoặc U22 đều có thời gian hồi phục sau khi V-League kết thúc cuối tháng 10, nhưng giải Hà Lan thì vẫn đang thi đấu.

Hãy tưởng tượng đến chuyện Văn Hậu phải bay đi, bay về Hà Lan - Việt Nam liên tục với quỹ thời gian cực kỳ eo hẹp. Điều đó thực sự quá rủi ro cho một cầu thủ đã phải 2 lần nghỉ thi đấu dài hạn vì chấn thương.

Chúng ta vừa vui mừng khi có cầu thủ được sang châu Âu thi đấu theo đúng tính chất nhà nghề, buộc đối tác phải trả lương rất cao, thì chính chúng ta lại thực hiện một hành động nghiệp dư, đó là đề nghị Heerenveen “du di” cho cầu thủ của mình. Khả năng ra sân còn chưa biết, thì đã “xin” quy chế dành cho các ngôi sao lớn.

Rõ ràng cách chúng ta ứng xử với tài năng, với bóng đá chuyên nghiệp, gặp “vấn đề” ngay trong tư duy. Tầm cỡ Chanathip của Thái Lan sang Nhật Bản chơi bóng đã được ưu tiên không phải về đá tại AFF Cup 2018 bởi vì giải đấu này không thuộc hệ thống FIFA Day (câu lạc bộ buộc phải nhả cầu thủ). Nhưng “giấc mơ vàng” SEA Games dường như vẫn còn nguyên gánh nặng trong đầu bóng đá Việt Nam./.

ĐĂNG LINH
Theo SGGP

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com