Được biết, giải đấu Mabel Green Cup được sáng lập để truyền cảm hứng con người sống hòa hợp với thiên nhiên. Slogan của giải đấu “Cứu lấy hành tinh này” cũng chứa đựng tư tưởng đó.

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, các giải đấu trên thế giới từ bóng đá, SEA Games, Asiad, Olympic, điền kinh… đều đề cao việc bảo vệ thiên nhiên, trồng cây gây rừng, mang đến cho trái đất nhiều màu xanh hơn.

Như ở kỳ SEA Games lần thứ 29 vào năm 2017, vận động viên (VĐV) đoạt giải còn được trao một giỏ cây xanh. Sau khi SEA Games lần thứ 29 kết thúc, ban tổ chức đã trồng được 5.249 cây xanh (tương đương 5.249 huy chương) trong chương trình mang tên “Mỗi huy chương-một cây xanh” ở thủ đô Kuala Lumpur. Đặc biệt, với những tuyển thủ chủ nhà Malaysia được huy chương vàng, các cây xanh được mang tên của VĐV và hiện đang phát triển rất tốt ở Công viên Thể thao Kuala Lumpur.

 Cầu thủ Alessandro Florenzi của Roma chụp ảnh cùng
Cầu thủ Alessandro Florenzi của Roma chụp ảnh cùng "chiếc cúp" độc đáo. Ảnh: Getty Images.

Ý tưởng thiết thực trên nằm trong chiến dịch “Sáng kiến xanh” (Green Initiative Campaign) của Malaysia nhằm giảm hiệu ứng nhà kính cũng như lượng khí carbon thải ra. Ngoài ra, chiến dịch cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân Malaysia nói riêng, cộng đồng Đông Nam Á nói chung về việc bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái rừng.

Vào năm 2007, hai năm sau khi giành quyền đăng cai Olympic 2012, chính quyền thủ đô London đã khởi công xây dựng Công viên Olympic nằm ở Stratford, phía Đông London, vốn là một khu đất rộng gần 3km2, được sử dụng làm nơi chứa rác thải công nghiệp. Chính quyền thành phố London đã chọn khu đất này để xây dựng Công viên Olympic với mong muốn tái sinh và biến vùng đất “chết” thành một công viên đô thị bền vững, giàu sức sống. Hiện nay, hàng nghìn cây xanh đang tỏa bóng mát, giúp Công viên Olympic trở thành nơi dạo mát, nghỉ ngơi, luyện tập thể thao lý tưởng cho người dân London.

Cũng ở thủ đô London, sau giải chạy Marathon 2018, ban tổ chức đã choáng váng khi chứng kiến gần một triệu vỏ chai nước bằng nhựa vứt bừa bộn trên đường. Ở mùa giải năm nay, ban tổ chức đã hợp tác với Công ty Skipping Rocks Lab sản xuất hơn một triệu chai nước có vỏ được làm từ rong biển. 4,2 vạn VĐV tham dự giải Marathon London 2019 đã vô cùng thích thú khi vừa chạy vừa uống nước và thưởng thức luôn vỏ chai thơm mùi rong biển.

Được biết tại Olympic Tokyo 2020, nước chủ nhà cũng tính toán để sản xuất các vỏ chai, bát, đĩa… bằng rong biển thay vì nhựa dùng một lần. Theo tính toán của Công ty Skipping Rocks Lab, nếu dùng rong biển để chế ra các sản phẩm thay thế cho nhựa như chai, lọ, cốc, chén, bát, đĩa… sẽ chỉ tốn chưa đầy 1% số rong biển trên thế giới. Trong trường hợp người dân không thích ăn vỏ chai, bát, đĩa… làm từ rong biển, thì hỗn hợp này với tên gọi là Ooho (phát minh của Công ty Skipping Rocks Lab) sẽ chỉ mất 6 tuần để tiêu hủy hoàn toàn, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, sân vận động của các đội bóng như Arsenal, Tottenham, Barcelona… được coi là vô cùng thân thiện với môi trường khi sử dụng hệ thống điện mặt trời, hệ thống tái chế rác thải. Đặc biệt, quanh sân Nou Camp của Barcelona có một hệ thống cảm biến đặt ở các đài phun nước giúp điều hòa nhiệt độ. Nhà vệ sinh của sân Tottenham được giới mộ điệu mô tả là đến từ tương lai, khi luôn giúp cổ động viên giảm stress, căng thẳng, hạ “hỏa” mỗi khi bước chân vào.

Theo qdnd.vn