Ai thấy giới hạn?

08:09, 07/09/2018

Thất bại ở trận tranh huy chương đồng không phá hỏng một chiến dịch ASIAD thành công của thầy trò HLV Pắc Hang-so, nhưng nó đã xuất hiện những giới hạn. 

Đầu tiên, đó là giới hạn của sự may mắn. Đã không có bàn thắng ở các phút cuối cùng để định đoạt kết quả như những trận thắng trước Ba-ranh hay Xi-ri. Trên chấm đá luân lưu, may mắn nằm hoàn toàn về phía UAE, đội cũng đã thắng đến 2 lần đá luân lưu trước đó tại ASIAD 2018 này. Còn nhớ, kỳ tích tại Thường Châu - Trung Quốc hồi đầu năm có đóng góp không ít từ may mắn. Tuy nhiên, không đội bóng nào sở hữu mãi vận may cả.

Kế đến, đó là giới hạn về tài năng. Trên thực tế, đội bóng của HLV Pắc Hang-so tại ASIAD gần như là đội tuyển quốc gia. Điều này có nghĩa, chúng ta khó chờ đợi một sự đột biến nào đó về chất lượng thi đấu của họ trong thời gian sắp đến bởi đây đã là lứa cầu thủ tốt nhất mà bóng đá Việt Nam đang có ở thời điểm hiện tại. Những kết quả tuyệt vời vừa qua chủ yếu diễn ra khi gặp các đối thủ cùng độ tuổi U.23, thế nên sắp đến có thể thành tích sẽ đi xuống hơn là tạo nên kỳ tích mới ở cấp độ đội tuyển. Lý do: chúng ta đã sử dụng hết những gì tốt nhất, phô bày mọi điểm mạnh nhất, trong khi các đối thủ sắp đến thì ngược lại, ở một trình độ khác.

Tất nhiên, chúng ta vẫn hy vọng là các cầu thủ còn trẻ, vẫn còn khả năng tiến bộ về năng lực cũng như HLV Pắc Hang-so còn nhiều “bài vở” trong tay. Thế nhưng, ở thể thao đỉnh cao, không ai có thể duy trì tiến bộ một cách liên tục. Hơn nữa, chúng ta tiến thì các đối thủ cũng chưa chắc đã đứng yên.

Cuối cùng, cần phải nhắc lại một bài học rất quan trọng nhưng vẫn hay bị quên lãng của bóng đá Việt Nam, đó là việc “dồn hết trứng vào một rổ”.

Rất nhiều ngôi sao của U.23 Việt Nam đã đánh mất phong độ tại ASIAD vừa qua. Tiêu biểu như Xuân Trường, người hoàn toàn không để lại dấu ấn nào. Các trường hợp như Vũ Văn Thanh, Quang Hải, Công Phượng hay Đức Huy cũng không thực sự tỏa sáng. Có nhiều lý do, nhưng rõ ràng mật độ thi đấu và những trách nhiệm nặng nề ở nhiều màu áo khác nhau đang lấy đi thể lực và cả sự hứng khởi chơi bóng của họ. Hãy thử tưởng tượng đến một ngôi sao như Quang Hải, đã phải chơi bóng liên tục với cường độ cao từ U.20 World Cup 2017 đến nay, rồi nhiều khả năng sẽ khoác áo đội tuyển tại AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 và chắc chắn là trụ cột của tuyển U.22 đá luôn SEA Games 2019. Tính nhanh thì chỉ riêng năm 2018 này, Quang Hải sẽ đá trên dưới 60 trận. 

Người hâm mộ luôn đặt lên các đội tuyển nhiều kỳ vọng, bao gồm cả những đòi hỏi đôi khi quá đáng như việc muốn thấy các ngôi sao mà họ yêu thích phải đá ở mọi trận đấu.

Nhưng cầu thủ cũng chỉ là con người, chịu những giới hạn về năng lực. Họ cần được “tái tạo” về thể lực lẫn tinh thần để có thể hướng đến các mục tiêu lớn hơn. Bởi nhiều người trong đội tuyển hiện nay còn rất trẻ, họ cần được duy trì niềm vui chơi bóng chứ không phải liên tục ra sân với gánh nặng từ sự kỳ vọng. 

Nhưng ai sẽ nhận ra những giới hạn ấy? Là một chuyên gia được trả lương như HLV Pắc Hang-so, hay những nhà quản lý tại VFF?

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com