Dấu ấn chiến thuật ở vòng đấu tứ kết-

08:07, 09/07/2018

Vòng bán kết, chỉ còn lại bốn đội bóng mạnh nhất, hay nhất đều của châu Âu là: Pháp, Bỉ, Anh, Crô-a-ti-a. Hiểu kỹ về đối phương để từ đó sử dụng những chiến thuật hợp lý ở vòng tứ kết đã mang lại thành công cho các đội bóng.

Người hâm mộ Anh ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Đây mới là lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ, Anh mới lọt vào bán kết một kỳ World Cup.
Người hâm mộ Anh ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Đây mới là lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ, Anh mới lọt vào bán kết một kỳ World Cup.

Không nhiều bất ngờ

Ở trận tứ kết đầu tiên, Pháp với đội hình mạnh đồng đều ở các tuyến đã thắng thuyết phục đội bóng có lối chơi khó chịu nhất Nam Mỹ là U-ru-goay với tỷ số 2-1. Đội Pháp có bộ ba tiến công hoàn hảo: P.Pô-gba, A.Gri-ê-man và Mbáp-pê. Gần như không thể ngăn chặn những cầu thủ này ghi bàn khi Pô-gba cực kỳ mạnh mẽ và tinh tế, Gri-ê-man nhạy bén và Mbáp-pê có tốc độ và sự khéo léo. Các học trò của HLV Đi-đi-ê Đề-săm, từ hậu vệ, tiền vệ đến tiền đạo đều có thể ghi bàn.

Không làm giới chuyên môn và người hâm mộ thất vọng, trận đấu đỉnh cao giữa hai đội tuyển Bra-xin và Bỉ đã diễn ra rất hấp dẫn với phần thắng xứng đáng thuộc về đội bóng châu Âu. Bra-xin là “ứng cử viên” hàng đầu cho ngôi vô địch. Tuy nhiên, đội bóng này chưa phải là một tập thể mạnh và các ngôi sao đôi khi được thổi phồng quá mức, nhất là trường hợp của Nây-ma. Những Nây-ma, Cu-ti-nhô, Dê-xút… chưa hình thành một “bộ tam” hay “bộ tứ” có thể “hủy diệt” mọi đối thủ, trong khi Bỉ có “bộ ba” rất hiệu quả, gồm E.Ha-da, D.Bruy-nơ và Lu-ca-cu. Chưa nói đến sức mạnh tập thể, từng cá nhân này cũng vượt trội so với các cầu thủ Bra-xin ở mỗi vị trí đảm nhiệm về tính hiệu quả, về tinh thần, thái độ thi đấu. Bỉ xứng đáng giành quyền vào bán kết. Đáng tiếc là nhánh đấu “tử thần” đã đẩy hai đội bóng được đánh giá mạnh nhất là Pháp và Bỉ phải loại nhau để giành quyền đá trận chung kết.

Việc đội tuyển Anh thắng thuyết phục Thụy Điển không nằm ngoài dự đoán. Một chút tiếc nuối cho đội chủ nhà Nga khi thua trận bởi loạt sút luân lưu 11 m đầy may rủi. Đội Crô-a-ti-a dày dạn trận mạc, với những ngôi sao đã thành danh như L.Mô-đrích, Man-du-kích, Ra-ki-tích… xứng đáng ghi tên mình vào danh sách bốn đội mạnh nhất.

Chiến thuật mang tính quyết định

Có nhiều điều để nói về chiến thuật của cặp đấu đội tuyển Pháp và đội tuyển U-ru-goay. Khi Mbáp-pê có vẻ bế tắc với lối chơi bóng sệt khiến tốc độ của anh không có cơ hội phát huy, Pháp đã có những thay đổi chiến thuật và khai thông sự bế tắc bằng pha đánh đầu của trung vệ Va-ran và cú sút xa của Gri-ê-man. Trong khi đó, sự điều chỉnh chiến thuật của HLV R.Mác-ti-nê đã giúp Bỉ đánh bại Bra-xin khi ông đưa Lu-ca-cu vào hoạt động ở cánh phải, Ha-da khuấy đảo ở cánh trái và đẩy Bruy-nơ nhô cao hơn thường lệ, đồng thời đưa “siêu dự bị” Phê-lai-ni vào sân từ đầu để kèm Nây-ma. Lu-ca-cu đã chuyền bóng cho Bruy-nơ nã cú “trái phá” tung lưới thủ môn Bra-xin trong tình huống các hậu vệ của Bra-xin bị bất ngờ. Các cầu thủ “Quỷ đỏ” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.

Dấu ấn chiến thuật rõ nhất là trường hợp đội tuyển Anh. Không được đánh giá cao trước khi bước vào giải, nhưng thầy trò HLV Xao-ghết đi từng bước vững chắc để có mặt ở bán kết đầy ấn tượng. Đội hình đội tuyển Anh hiện tại không mạnh như các thế hệ đàn anh của họ vài thập kỷ gần đây, song ông thầy Xao-ghết đã học hỏi được rất nhiều điều từ những HLV hàng đầu như P.Gua-đi-ô-la của CLB Man-che-xtơ Xi-ti, hay J.Klốp của Li-vơ-pun... Một mặt, ông áp dụng lối chơi đa dạng hơn so với những người tiền nhiệm và làm tốt việc mang lại sự tự tin và khát khao chiến thắng cho các cầu thủ trẻ. Họ đã không bị áp lực, thi đấu chững chạc, điềm tĩnh. Đội hình chiến thuật 3-5-2 và tận dụng các tình huống đá phạt để ghi bàn, là điểm mới và lạ của tuyển Anh. Có đến tám trong số 11 pha ghi bàn của đội Anh là đánh đầu, hầu hết từ các tình huống đá phạt. Cũng như đội Pháp, các tuyến của đội tuyển Anh, từ hậu vệ, tiền vệ đến tiền đạo đều có thể ghi bàn. Điểm yếu của đội Anh ở các kỳ World Cup gần đây là vị trí thủ môn đã được giải quyết với cái tên Pích-pho. Tuy có chiều cao khiêm tốn so với một thủ môn (1,85 m), nhưng Pích-pho có sức bật và phản xạ rất tốt. Anh đã góp công lớn đưa đội Anh vào bán kết sau khi đẩy được cú sút của cầu thủ Cô-lôm-bi-a ở loạt “đấu súng” 11 m ở vòng 1/8 và có hai pha cứu thua xuất thần trong trận tứ kết gặp Thụy Điển.

Dù vòng bán kết chưa diễn ra, nhưng trận chung kết “nội bộ” của châu Âu trên sân vận động Lu-dơ-nhi-ki ngày 15-7 hứa hẹn sẽ hay và kịch tính bởi đó sẽ là sự chạm chán giữa các bộ óc “chiến lược gia” bóng đá dày dạn kinh nghiệm.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com