Tập trung đầu tư chiều sâu

08:04, 18/04/2018

Thời gian gần đây, các vận động viên (VĐV) Việt Nam liên tiếp đạt thành tích cao và vượt qua vòng tuyển chọn cho các giải đấu thế giới và châu lục. Để có được những thành quả ấn tượng đó, các VĐV Việt Nam đều phải liên tục tập huấn, thi đấu quốc tế để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Tập trung đầu tư chiều sâu cho các VĐV triển vọng là xu thế quốc tế và cũng là định hướng của ngành thể thao Việt Nam.

Vận động viên Nguyễn Thị Ngoan (người thứ hai từ trái sang) là võ sĩ đối kháng ka-ra-tê-đô đầu tiên của Việt Nam đoạt cúp thế giới (năm 2017).
Vận động viên Nguyễn Thị Ngoan (người thứ hai từ trái sang) là võ sĩ đối kháng ka-ra-tê-đô đầu tiên của Việt Nam đoạt cúp thế giới (năm 2017).

Hiện nay, luật thi đấu của nhiều môn thể thao quốc tế thay đổi theo chu kỳ hai năm/lần để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Một trong những điều luật được sửa đổi gần đây là cách tính hạt giống thi đấu để bảo đảm cho những VÐV ứng cử viên huy chương không phải mất sức ở vòng loại mà tiến sát vòng đấu tranh huy chương. Cụ thể ở môn vật, Ðội tuyển vật Việt Nam vừa tham dự Giải Vật châu Á 2018 với thành phần gồm sáu đô vật nữ có trình độ khá đồng đều. Tuy nhiên, ba trong số sáu VÐV không được xếp là hạt giống, đều bị loại sớm vì phải thi đấu nhiều trận. Ba VÐV còn lại là Vũ Thị Hằng (53 kg, hạng 9), Kiều Thị Ly (55 kg, hạng 10), Ðào Thị Hương (57 kg, hạng 9) nhờ được xếp trong tốp 10 thế giới và là hạt giống nên được miễn vòng đấu loại chỉ thắng một trận đã vào vòng tranh huy chương đỡ tốn sức lực hơn nhiều. Luật thi đấu này dự kiến sẽ được áp dụng tại Giải vô địch thế giới, Ðại hội thể thao châu Á (ASIAD) và Ô-lim-pích. Nhiều môn thể thao khác như tê-cuôn-đô, ka-ra-tê-đô… cũng thay đổi cách tuyển chọn VÐV tham dự các giải đấu hàng đầu như vô địch thế giới và Ô-lim-pích, trong đó luôn ưu tiên các VÐV trong tốp 10 sẽ vào thẳng vòng đấu chính. Trước đây, đã có những môn thể thao như cầu lông đã áp dụng cách xếp hạng hạt giống, ưu tiên nhóm 40 VÐV hàng đầu thế giới được tham dự Ô-lim-pích.

Từ những điều chỉnh của luật thi đấu quốc tế nói trên, hành trình chinh phục Ô-lim-pích của thể thao Việt Nam trước hết phải phấn đấu có VÐV nằm trong tốp 10 thế giới. Nói về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục thể thao) Hoàng Quốc Vinh cho biết: "Nếu không có thứ hạng cao thì khó có thể nói tới thành tích tốt tại các cuộc đấu quan trọng". Từ nhận định nêu trên, các VÐV có triển vọng của Việt Nam nhất là các VÐV trẻ đều được tập trung tập huấn và thi đấu quốc tế liên tục. Thể thao Việt Nam khởi động Chiến dịch chuẩn bị cho ASIAD 2018 và Ô-lim-pích 2020 với tín hiệu vui từ tuyển thủ ka-ra-tê-đô Nguyễn Thị Ngoan. Nữ võ sĩ từng vô địch nội dung thi đấu đối kháng trong hệ thống K1 thế giới năm 2017 tại Ðức, tuy chỉ giành Huy chương đồng năm 2018 tại Hà Lan song vẫn nắm chắc vị trí trong tốp 10 thế giới để nằm trong nhóm hạt giống thi đấu tại ASIAD 2018; và nếu tiếp tục duy trì phong độ trong những năm tới, Ngoan cũng là hạt giống của Ô-lim-pích 2020. Tuy nhiên, khoản đầu tư kinh phí hơn một tỷ đồng/năm cho Nguyễn Thị Ngoan tham dự từ tám đến 10 giải đấu quốc tế trong năm, đòi hỏi cả Tổng cục Thể dục - Thể thao và đơn vị chủ quản của VÐV này (Quân đội) cùng góp sức. Trưởng bộ môn ka-ra-tê-đô Tổng cục Thể dục - Thể thao Vũ Sơn Hà phân tích "Ðường tới Ô-lim-pích rất khó khăn vì ka-ra-tê-đô lần đầu tiên được đưa vào thi đấu chính thức tại Tô-ki-ô 2020. Chỉ có 80 VÐV thi đấu ở 10 nội dung. Nguyễn Thị Ngoan giành Huy chương vàng thế giới nhưng để đạt điểm chuẩn, em ấy cần được đầu tư thêm". Ka-ra-tê-đô Việt Nam từng mang về bốn Huy chương vàng cho thể thao Việt Nam tại ba kỳ ASIAD (năm 2002, 2006, 2010) và Nguyễn Thị Ngoan chính là VÐV tiềm năng mang về thêm một tấm Huy chương vàng nữa cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018.

Thành tích ấn tượng của Nguyễn Thị Ngoan cho thấy cách đầu tư dàn trải của Thể thao Việt Nam đã dần được thay thế bằng chủ trương đầu tư trọng điểm - tập trung cho một số VÐV nhất định. Mới đây, Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng đã khẳng định: Tại ASIAD 2018, Thể thao Việt Nam sẽ đầu tư trọng điểm cho các VÐV có khả năng tranh chấp Huy chương vàng, họ sẽ được hưởng chế độ dinh dưỡng, tiền công tập luyện, trang thiết bị tập luyện, tập huấn và thi đấu quốc tế tốt hơn hẳn các VÐV chỉ có khả năng giành huy chương.

Bằng cách đưa VÐV xuất sắc thi đấu liên tục tại các giải đấu quốc tế để hoàn thiện kỹ, chiến thuật, tích luỹ kinh nghiệm, bản lĩnh, Thể thao Việt Nam gần đây đã có nhiều VÐV giành được những thành tích ấn tượng. Ở môn tê-cuôn-đô, võ sĩ trẻ Kim Ngân sau khi giành suất tham dự Ô-lim-pích trẻ 2018 đã tiếp tục đoạt ngôi vô địch thế giới trẻ 2018 hạng dưới 49 kg nữ. Việc đầu tư trọng điểm được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, song đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bằng việc dùng toàn bộ nguồn kinh phí (dành cho cả VÐV nam và nữ) đầu tư cho các tuyển thủ vật nữ, Việt Nam đã có tấm Huy chương đồng châu Á vào năm 2017 sau nhiều năm khẳng định vị trí số một Ðông - Nam Á.

Ở các môn thể thao khác, những VÐV có khả năng tranh chấp huy chương châu Á và thế giới đều được đầu tư chuyên biệt. Như Liên đoàn bắn súng Việt Nam vừa nhận được tài trợ của hai đơn vị là Tập đoàn Glostar Hàn Quốc và Công ty Optrontec Vina Hàn Quốc kết hợp với nguồn kinh phí của Nhà nước, các tuyển thủ bắn súng hàng đầu của Việt Nam sẽ được đi tập huấn và thi đấu quốc tế dài hạn tại Hàn Quốc để chuẩn bị cho mục tiêu giành huy chương ASIAD.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com