Giấc mơ không màu hồng

08:02, 05/02/2018

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia Việt Nam đang được quy hoạch để giảm dần số đội nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn. Ở thời điểm hiện tại, để duy trì và đầu tư cho một đội bóng chuyền không dễ dàng.

Niềm vui chưa tày gang

Việc đội bóng chuyền nữ Hậu Giang gửi văn bản đến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) và bộ môn bóng chuyền (Tổng cục Thể dục-Thể thao) xin rút không dự Giải vô địch quốc gia 2018 khiến giới chuyên môn không khỏi xôn xao. Tháng 9 năm ngoái, thể thao Hậu Giang còn thăng hoa sau khi lần đầu tiên đội bóng chuyền nữ địa phương này giành suất thăng hạng duy nhất của nữ từ giải hạng A 2017 để dự Giải vô địch quốc gia 2018. Tuy vậy, họ đã quyết định không dự giải. Qua trao đổi và tìm hiểu, ông Nguyễn Phúc Anh (nguyên Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể dục-Thể thao Hậu Giang) chia sẻ một trong những nguyên nhân chính là vì đội gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn tài trợ nên quyết định xin rút không dự Giải vô địch quốc gia 2018, nhằm chuẩn bị kỹ hơn cho tương lai. Tại Hậu Giang, bóng chuyền chưa phải môn trọng điểm; đồng thời, để duy trì một đội bóng thi đấu tại giải vô địch quốc gia cần kinh phí từ 2 đến 3 tỷ đồng/năm. Yếu tố trên là trở ngại cho nhà quản lý thể thao địa phương. Còn nhớ năm 2016, đội nam Đức Long Gia Lai của doanh nhân Bùi Pháp cũng nộp đơn xin giải thể tới VFV và không dự giải vô địch quốc gia. Sau 7 năm duy trì, hoạt động và từng gây ấn tượng với nhiều lần chuyển nhượng cầu thủ lên đến tiền tỷ, đội nam Đức Long Gia Lai vẫn phải nói lời chia tay người hâm mộ vì ông chủ không đủ tài chính duy trì.

Đội bóng chuyền nữ Hậu Giang xin rút không dự Giải vô địch quốc gia 2018.
Đội bóng chuyền nữ Hậu Giang xin rút không dự Giải vô địch quốc gia 2018.

Tồn tại hay không tồn tại

Hiện tại, ở giải vô địch bóng chuyền quốc gia, các đội bóng có phân cấp rõ rệt giữa nhóm đội yếu hoàn toàn (gồm tài chính và chuyên môn cầu thủ) với nhóm đội ở tốp trên (ra thi đấu luôn đạt vị trí cao). Đây là lý do VFV cùng bộ môn bóng chuyền (Tổng cục Thể dục-Thể thao) phải định hướng đến năm 2020 sẽ rút gọn số đội ở giải vô địch quốc gia từ 12 nam, 12 nữ xuống chỉ còn 8 nam, 8 nữ nhằm nâng cao chuyên môn. Cơ chế được thực hiện là từ năm 2017 đến 2020, ở giải vô địch quốc gia có 2 đội nam, 2 đội nữ yếu chuyên môn nhất bị xuống hạng còn từ giải hạng A chỉ được 1 đội nam, 1 đội nữ mạnh nhất thăng hạng. Quyết định rút lui của đội bóng chuyền nữ Hậu Giang là phù hợp. Tiềm lực về con người và tài chính phải bền vững thì mới tồn tại lâu dài. Lúc này, nhiều đội bóng ở giải vô địch quốc gia như nam Bến Tre, nữ Đắc Lắc, nam Long An... giống đội nữ Hậu Giang đều gặp khó trong tìm nguồn kinh phí xã hội hóa. Dù thế, họ vẫn gồng mình thi đấu để tồn tại. HLV kỳ cựu Bùi Quang Ngọc sau khi rời đội Đức Long Gia Lai (cũ) từng chia sẻ: “Đây là điều đáng buồn của bóng chuyền trong nước. Khi chúng ta chuyển sang giai đoạn cơ chế thị trường và xã hội hóa ở các đội bóng chuyền, sự phát triển của VĐV, HLV lại bị phụ thuộc vào ông chủ đội bóng. Đây cũng là một mặt kinh doanh bởi khi có khó khăn về kinh phí, việc đội bóng chuyền bị giải thể rất dễ xảy ra”.

Tuy nhiên, nhiều đội bóng chuyền đang thi đấu giải trong nước vẫn bảo đảm thu nhập, cuộc sống ổn định cho VĐV, HLV. Có thể kể đến đội nữ VTV Bình Điền Long An, Thông tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công Thương, nam Sanest Khánh Hòa, Tràng An Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh. “Chúng tôi nhìn thấy từ đội bóng của mình, đó là phải có sự bền vững ở cơ sở vật chất tập luyện, bền vững ở đào tạo tuyến VĐV trẻ, qua đó có thay thế người nghỉ do lớn tuổi thì đội bóng mới tồn tại được lâu. Tất nhiên, đội nào thực hiện được như vậy đã tự phản ánh có kinh phí ổn định duy trì bền vững”, HLV Lê Văn Dũng của đội nữ Ngân hàng Công Thương phân tích.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com