Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Thể dục thể thao và cho rằng các nội dung sửa đổi, bổ sung khá mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, tạo điều kiện cho thể dục thể thao nước nhà phát triển trong thời gian tới.

Các đại biểu cho rằng, Luật Thể dục, thể thao ban hành năm 2006, qua hơn 10 năm thực hiện, đã đi vào cuộc sống, làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; nhà nước quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho thể dục thể thao; người dân có ý thức hơn trong rèn luyện thể dục thể thao để bảo vệ sức khỏe cho mình... Tuy nhiên, các quy định trong luật hiện hành chưa bao quát, chỉ mang tính kêu gọi, nên còn tình trạng một số nơi một bộ phận nhận thức chưa hết vai trò, tầm quan trọng của tăng cường hiệu quả của thể dục thể thao trong đời sống  là góp phần trực tiếp trong phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho người Việt Nam. Nhiều nơi còn xem thể dục thể thao là một bộ môn giải trí, đầu tư cũng được hay không đầu tư cũng được. Chính vì thế, phong trào thể dục thể thao ở nước ta phát triển không đồng đều, tùy thuộc vào nhận thức, quan tâm của từng địa phương. Đây là một thiệt thòi lớn cho người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền thể thao nước nhà.

Bổ sung chế định phổ cập bơi cho trẻ em

Đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, kinh phí đầu tư cho thể dục thể thao hiện nay rất ít. “Qua khảo sát, chúng tôi thấy có những nơi có điều kiện thì chi bình quân khoảng 6.000 đồng/người/năm, những nơi khác từ 4.000-5.000 đồng/người/năm; chi hoạt động thường xuyên ở các quận, huyện cao nhất khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, những nơi khác chỉ được 1 tỷ đồng/năm; kinh phí xã hội hóa chưa nhiều. Trong khi đó, sau nửa thế kỷ, chiều cao của thanh niên Việt Nam tăng ít, chỉ khoảng 3cm; sức khỏe có chiều hướng đi xuống. Đây là vấn đề đặt ra trong công tác rèn luyện thể lực cho thanh niên Việt Nam hiện nay, cần có nguồn kinh phí để đáp ứng”, đại biểu cho hay.

Đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long).
Đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long).

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể dục thể thao trong việc phòng ngừa bệnh tật bảo vệ sức khỏe, nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, đại biểu đề nghị cần có một nguồn kinh phí đủ đáp ứng yêu cầu phát triển thể dục thể thao, được quy định hẳn trong luật.

Đại biểu Lưu Thành Công cũng đề nghị bổ sung chương 2, mục 2- giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường chế định phổ cập bơi cho trẻ em Việt Nam trong độ tuổi tiểu học bằng phương tiện hiện có, phù hợp điều kiện địa lý của từng vùng, miền. Đại biểu cho rằng, Việt Nam là quốc gia có biển rộng, hàng triệu ngư dân sinh kế trên sông nước, hệ thống sông ngòi chằng chịt, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu; lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên, cướp đi sinh mạng của nhiều người, trong đó có nhiều trẻ em... Nước ta có tỷ lệ trẻ em có tỷ lệ trẻ em chết vì đuối nước cao nhất trong khu vực và đứng thứ nhì thế giới, có những năm thống kê trẻ em chết do đuối nước lên đến hàng nghìn trẻ, nhiều trường hợp thương tâm.

Do đó, đại biểu đề nghị, phổ cập bơi để rèn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em Việt Nam, giúp các em thích ứng với điều kiện tự nhiên là một yêu cầu cấp thiết và là trách nhiệm của cả cộng đồng. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế các điều khoản quy định rõ trong dự thảo luật, giao cho chính quyền các cấp phối hợp với ngành giáo dục đào tạo, thương binh, xã hội thực hiện bằng nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế từng vùng, miền, tiến hành phổ cập bơi cho trẻ em Việt Nam, nhằm giảm bớt dần tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Xem xét môn thể thao nào mang tính đặc thù của thể thao nước nhà

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, trong nội dung sửa đổi của luật lần này chưa chú trọng nhiều đến lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng và các cơ chế bảo tồn các hoạt động thể dục thể thao dân gian, mà chỉ tập trung vào thể dục, thể thao thành tích cao và các quy định trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thể dục thể thao, chứ chưa mang tính quần chúng rộng rãi. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo quan tâm đến lĩnh vực thể thao quần chúng, vì đây là cái gốc trong tất cả hoạt động thể thao. Bên cạnh đó, cần xem xét môn thể thao nào là môn thể thao trọng tâm, trọng điểm của quốc gia, làm đòn bẩy cho thể thao Việt Nam trong thời gian tới, vì trong thời gian qua, chưa xác định được môn thể thao nào mang tính đặc thù của thể thao Việt Nam.

Về đặt cược thể dục, thể thao, hiện mới chỉ thí điểm kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế theo quy định tại Nghị định 06 của Chính phủ, có hiệu lực từ 31-3-2017. Đại biểu cho rằng, cần có thời gian tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa các nội dung thí điểm này vào luật để bảo đảm tính khả thi. Hơn nữa, hoạt động cá cược, đặt cược là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, trật tự, toàn xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện nay, do đó, đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu các chuyên đề, báo cáo tác động cụ thể đi đôi với việc tổng kết và chưa nên đưa quy định này vào luật lần này mà cần phải có kiểm nghiệm thực tế.

Cần ưu đãi cho vận động viên thành tích cao

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho hay, tại điều 32 về quyền của vận động viên đạt thành tích cao quy định các quyền của vận động viên thể thao thành tích cao quá chung chung, mang tính dẫn chiếu nhiều, suy cho cùng lại không thấy sự ưu đãi nào, do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao.

Đại biểu tỉnh Hải Dương cũng cho rằng Điều 32 khoản i dự thảo luật quy định "vận động viên đội tuyển quốc gia Việt Nam bị tai nạn trong tập luyện, thi đấu, dẫn đến mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên và thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ trợ cấp", cần mở rộng đối tượng đến vận động viên thành tích cao trong đội tuyển thể thao cấp tỉnh. Đại biểu phân tích: Số lượng các vận động viên bị tai nạn dẫn đến mất khả năng lao động hoặc chết trong luyện tập, thi đấu không nhiều, nếu mở rộng đến vận động viên cấp tỉnh sẽ có tác dụng động viên lớn đến đội ngũ vận động viên thành tích cao, thúc đẩy sự cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng cần bổ sung điều 32 về nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với các vận động viên thể thao giành huy chương vàng trong các môn thi đấu quốc tế khi giải nghệ, để vận động viên có thêm điều kiện tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Bởi lẽ, theo đại biểu, tuổi nghề của vận động viên thể thao rất ngắn, hầu hết giải nghệ từ khi còn rất trẻ; trong quá trình tập trung luyện tập, thi đấu, họ không có điều kiện học nghề, nên việc tìm việc sau khi giải nghệ rất khó khăn, cuộc sống không ổn định. 

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng).
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng).

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn, cuộc sống sau khi giải nghệ của các vận động viên thể thao thành tích cao dính chấn thương thường là tình trạng sức khỏe đau ốm dai dẳng hoặc nghề nghiệp không ổn định sau giải nghệ. Đây cũng là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội. "Chính vì vậy, để hoàn thiện tính chuyên nghiệp của thể thao nhà nghề, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đầu ra việc làm sau khi giải nghệ đối với các đối tượng vận động viên này", đại biểu nói.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) lại băn khoăn khi hiện nay, sự đóng góp của các nữ vận động viên thành tích cao ngày càng được ghi nhận ở nhiều môn, như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội... Tuy nhiên, việc đầu tư chính sách đãi ngộ cho các vận động viên nữ vẫn còn hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu chế độ ưu tiên cho nữ tham gia thể thao thành tích cao chuyên nghiệp, đặc biệt là các đối tượng nữ vận động viên nhỏ tuổi, nữ vận động viên  thành tích cao sau khi giải nghệ.

Theo qdnd.vn