Từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp

08:06, 07/06/2013

Trong khi các giải bóng đá chuyên nghiệp của nước ta đang "bết bát" do những khủng hoảng từ năm 2012 để lại và chưa có hướng giải quyết rõ ràng thì ở mảng sân chơi "không chuyên nghiệp" của bóng đá nước nhà lại phô diễn một hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Khởi tranh từ ngày 18-5 và kéo dài tới hết tháng 8-2013, giải bóng đá mini tranh Cúp Bia Sài Gòn được tổ chức tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thu hút hơn 1.000 đội bóng phong trào, trong đó có nhiều đội bóng doanh nghiệp tham gia. Và ngay lập tức giải đấu phong trào này đã được Tổng cục TDTT (Bộ VH, TT và DL) công nhận là giải đấu phong trào cấp quốc gia. Điểm đặc biệt của giải đấu này là việc ban tổ chức đã chủ động tạo sân chơi cho khán giả cũng như những người thân, bạn bè của cầu thủ như các cuộc thi dẫn bóng tốc độ, ném biên trúng mục tiêu… khiến mỗi trận đấu trở thành một ngày hội thu hút rất đông khán giả tham gia cổ vũ.

Từ giải bóng đá mini Cúp Bia Sài Gòn cho thấy, khán giả nước nhà không hề quay lưng lại với sức hấp dẫn của môn thể thao vua, nếu được chứng kiến và hưởng thụ những giá trị đích thực của bóng đá. Xét dưới góc độ chuyên môn, rõ ràng giải đấu phong trào không thể so sánh được với những giải chuyên nghiệp, thế nên vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp là tại sao khán giả đang dần thờ ơ với giải chuyên nghiệp nhưng vẫn sẵn sàng bỏ thời gian đến với giải đấu phong trào vốn có chất lượng chuyên môn kém hơn?!. Ở một khía cạnh khác, những nhà tổ chức V.League đang loay hoay tìm kiếm nhà tài trợ cho các giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam song gặp không ít khó khăn, trong khi các "mạnh thường quân" lại chẳng tiếc kinh phí để tài trợ cho các giải bóng đá phong trào. Có lẽ là do họ - những nhà tài trợ "sợ" cách thức tổ chức của giải đấu chuyên nghiệp, sự thiếu trung thực của những thành phần tham gia giải đấu, từ cầu thủ đến trọng tài…

Để nền bóng đá Việt Nam phát triển, hẳn nhiên chẳng ai chuyển từ bóng đá chuyên nghiệp về bóng đá phong trào. Có điều, bóng đá được nuôi dưỡng nhờ khán giả, còn sự chuyên nghiệp được tiếp sức nhờ quá trình xã hội hoá. Đây chính là hai điểm mấu chốt của quá trình chuyên nghiệp hoá bóng đá mà các nhà quản lý bóng đá cần nhìn nhận một cách thấu đáo để có cách giải quyết hiệu quả. Nếu không nền bóng đá nước nhà sẽ khó có thể lên… chuyên nghiệp như mong đợi./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com