Gìn giữ thú chơi diều sáo

06:11, 12/11/2021

Từ bao đời nay, hình ảnh cánh diều căng gió giữa bầu trời xanh thẳm đã đi vào ký ức với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt về những miền quê yên ả, thanh bình. Để lưu giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa của cánh diều truyền thống, hiện nay cộng đồng chơi diều sáo trong tỉnh có bước phát triển chuyên nghiệp, đầu tư bài bản, công phu...

Ông Hoàng Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam (bên trái) chia sẻ kiến thức về diều cho người chơi.
Ông Hoàng Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam (bên trái) chia sẻ kiến thức về diều cho người chơi.

“Nghề” chơi cũng lắm công phu

Theo lời giới thiệu của những người đam mê chơi sáo diều, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) - một trong những địa chỉ thường niên tổ chức hội thi, liên hoan thả diều được các cấp thẩm quyền cấp phép. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam Hoàng Văn Điệp chia sẻ với chúng tôi về sự công phu của thú chơi sáo diều truyền thống. Theo đó, chơi diều phải hiểu gốc tích, lịch sử, những nét đẹp và giá trị tinh thần của thú chơi dân gian này. Tục thả diều xuất hiện trong lễ hội Sáo Đền (Thái Bình) nơi thờ bà Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao từ xưa và phổ biến ở nước ta từ trước thế kỷ XIV... Từ xưa đến nay để có một chiếc diều sáo bay cao, ổn định với tiếng sáo du dương đòi hỏi người chế tác phải có đôi tay khéo léo. Tùy theo mức độ cầu kỳ và hình dáng chế tác mà một chiếc diều phải mất từ vài ngày đến cả vài tháng mới xong. Ở mỗi địa phương khác nhau, đặc điểm địa lý, văn hóa sẽ ảnh hưởng đến hình dạng và âm thanh của diều sáo nhưng đều nghiêm ngặt trong cách chọn vật liệu và hoàn thiện. Khung diều cần chắc và nhẹ nên được làm bằng những tay tre già, ít mấu; tre phải được hong gác bếp để “tôi” một thời gian nhằm chống mối mọt, tăng độ đàn hồi... Một chiếc diều chuẩn, bay ổn định phải đảm bảo các yếu tố: cứng cáp ở “sống diều”, 2 bên đầu cánh mềm mại để diều thoát gió. Diều truyền thống không có đuôi, về sau để diều dễ bay và ổn định, người chơi đã cải tiến thêm vào bộ phận đuôi. Áo diều được hoàn thiện với những công đoạn công phu, cầu kỳ gọi là phất diều. Diều xưa được phất hai mặt bằng giấy bản, giấy dó với chất kết dính là nhựa cậy (như làm quạt) rồi được phơi khô trong bóng râm để tránh nứt vỡ. Nhựa cậy được đổ ra mâm rồi lấy giấy nhúng cho ướt đều để phất lên khung đã gò sẵn khiến cho cánh diều khi khô căng phẳng như mặt trống lại có thể chịu được mưa ẩm và không nấm mốc hay gián nhấm. Cách làm này cũng khiến cho diều xưa chỉ có một tông màu đơn giản từ vàng tối đến nâu sẫm. Vài năm trở lại đây, nhiều người chế tác diều đã sử dụng các vật liệu tiên tiến và chuyên dụng như vải polyester, vải rip-stop đa dạng màu sắc hơn. Về dây diều, theo cách truyền thống người thợ phải chẻ tre ra luộc, ngâm muối hoặc vôi để tăng độ dẻo dai, sau đó bện thành dây. Hiện nay, dây diều phổ biến là dây gai hoặc dây dù. Riêng phần làm sáo để gắn diều cũng trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Phần ống sáo tốt phải được chọn từ cây nứa đốt dài, có nơi bỏ ruột chỉ lấy phần cật nhưng có nơi (phần nhiều) lại làm ngược lại. Chính giữa khoét một lỗ vuông thông qua thân ống, phía trong hai bên lỗ lấy tre hay gỗ nhẹ, mỏng bít lại bằng keo, hai đầu ống gắn hai miệng (còn gọi là bửng) sáo. Gỗ dùng để khoét miệng sáo phải là gỗ mít hoặc gỗ vàng tâm. Miệng sáo khoét một lỗ dài bằng đường kính trong của ống sáo nơi đây gió sẽ lọt vào, rung trong ống sáo rồi thoát ra cùng với âm thanh. Sáo nào có độ rung tốt gọi là “sáo ngân”, sáo nào không có độ rung, hoặc rung ít gọi là “sáo xổng”. Cái khó của người làm sáo là làm sao chỉnh cho hai bên miệng cân bằng và phát ra cùng một thanh âm đồng thời các sáo trên một dàn phải “ăn” tiếng với nhau tạo nên một hợp âm mong muốn. Cũng tùy sở thích mà chơi sáo đơn (một ống) hoặc sáo dàn (gồm 3, 5, 7 ống hoặc hơn). Chuyện chế tác từng chiếc sáo cho đúng cung bậc, hợp “khẩu vị” và chọn sáo cho hợp với diều là cả một kỹ năng về âm nhạc đến tầm nghệ thuật không phải ai cũng làm được.

Chế tác sáo diều công phu, thú sưu tầm sáo diều cũng đòi hỏi người chơi kỳ công. Hiện nay, bộ sưu tập của ông Điệp có 65 cánh diều, trong đó có những cánh diều trên 100 năm tuổi; trên 40 bộ sáo, trong đó có cây sáo đơn dài 1m, đường kính 22cm có niên đại khoảng 150 năm được bảo quản nguyên vẹn.

Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Từ năm 2008, vợ chồng ông Hoàng Văn Điệp và bà Lê Thị Thiết chủ nhà hàng Cánh Diều Vàng đã gây dựng phong trào diều sáo theo hướng bảo tồn di sản, đảm bảo quy tắc chơi diều an toàn. Từ thời điểm đó đến nay, các hội thi, liên hoan thả diều được tổ chức thường niên tại đây quy tụ nhiều nghệ nhân thuộc các CLB diều sáo khắp các vùng miền tham gia. Năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam được Bộ Nội vụ cấp phép hoạt động và trực thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm quảng bá sáo diều truyền thống Việt Nam. Năm 2016, qua kết nối của ông Quan Hằng Cao, thành viên Hiệp hội Diều quốc tế, Trung tâm đã tiếp đón các nghệ nhân diều của 8 nước nghiên cứu về diều truyền thống Việt Nam. Năm 2017, Trung tâm phối hợp với Đài Truyền hình CNN (Mỹ) sản xuất phim tư liệu về thú chơi diều sáo truyền thống Việt Nam. Năm 2020, Trung tâm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan diều toàn quốc lần thứ I năm 2020 thu hút 60 CLB diều của 40 tỉnh, thành phố với hơn 500 hội viên; trong đó có 34 câu lạc bộ diều với hơn 300 cánh diều dự thi... Bên cạnh đó, các hội viên của trung tâm thường xuyên tham gia Liên hoan diều quốc tế được tổ chức ở Pháp, Đức, Ý và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Để quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam qua những cánh diều, các hội viên của trung tâm khi tham dự liên hoan đều trang trí các hình ảnh đặc sắc như: tranh Đông Hồ, Chí Phèo - Thị Nở, Chú Tễu, Chim Lạc, trống đồng...

Trước thực trạng một số người chơi diều chưa hiểu các quy tắc bay an toàn, gây nguy hiểm cho bản thân và mất an toàn hệ thống lưới điện, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó ban hành và đẩy mạnh tuyên truyền 5 quy tắc chơi diều an toàn như: không chơi diều gần hoặc trên đường giao thông, nơi đông người; không chơi diều có tiếng sáo vào buổi đêm; không chơi gần cột điện và đường dây điện; không chơi trong cơn giông, sấm chớp; không chơi gần khu vực sân bay còn hoạt động. Các quy tắc được in với hình ảnh minh họa phong phú, nhỏ gọn, nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ở các địa điểm công cộng thường xuyên có người thả diều, hội viên Trung tâm sẽ phát tờ rơi và hướng dẫn các quy tắc để người chơi diều đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, thời gian tới, Trung tâm đang xây dựng kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền việc đưa diều sáo là một trong những môn học ngoại khóa trải nghiệm cho trẻ em tại các nhà trường; qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống và kỹ năng chơi diều an toàn.

Với những người tâm huyết và niềm đam mê thực sự như ông Hoàng Văn Điệp và bà Lê Thị Thiết, phong trào chơi diều sáo ngày càng phát triển. Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam tiếp tục có những hoạt động quảng bá giá trị diều sáo Việt Nam; vận động hội viên tham gia các Liên hoan diều trong nước và quốc tế… để tiếp tục bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com