Thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích trong mùa dịch

04:09, 10/09/2021

Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các điểm di tích là biện pháp quan trọng hàng đầu được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) về công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội, từ năm 2020 đến nay, tất cả các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều dừng tổ chức, chỉ thực hiện phần lễ với các nghi lễ, nghi thức cúng tế trang trọng, không tổ chức phần hội để hạn chế tập trung đông người, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và chuẩn bị mọi điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 2 năm qua, những quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích đã được bổ sung, điều chỉnh thêm nhiều tiêu chí mới cho phù hợp. Đó là thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân dân như: trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế, hạn chế tập trung đông người... Thực tế, tại các địa phương có nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng gắn với lễ hội lớn quy mô vùng như: Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, thành phố Nam Định hiện tại đã không còn bị động với “trạng thái bình thường mới” trong công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội. Các kế hoạch trước, trong và sau lễ hội được UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng chi tiết, bài bản với nhiều phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ban quản lý (BQL) các di tích, Ban tổ chức (BTC) các lễ hội và chính quyền các địa phương đều chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới thời chống dịch COVID-19.

Đo thân nhiệt, nhắc nhở 5K đối với người dân đến hành lễ tại chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường).
Đo thân nhiệt, nhắc nhở 5K đối với người dân đến hành lễ tại chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường).

Tại thành phố Nam Định, lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân và lễ hội Trần (tháng 8 âm lịch) hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về dự. Từ năm 2020 đến nay, UBND thành phố Nam Định đã ban hành các văn bản thông báo dừng tổ chức và giảm quy mô lễ hội để phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện thông điệp 5K được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là giải pháp hàng đầu trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng). Trưởng BQL Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp Nguyễn Đức Bình cho biết: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đòi hỏi trách nhiệm và ý thức phòng dịch của người dân phải được nâng cao. Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 năm 2020, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, BQL di tích đã nghiêm túc dừng mọi hoạt động phần hội và các hoạt động tín ngưỡng cộng đồng, không đón tiếp du khách đến tham quan. Vào thời điểm diễn ra các lễ hội, chính quyền địa phương bố trí lực lượng liên ngành trực chốt, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh; bắt buộc người dân đến di tích phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế và giữ khoảng cách. Những trường hợp không chấp hành đều được nhắc nhở, xử lý kịp thời. Việc đáp ứng nhu cầu nhận lộc ấn cũng được chuyển đổi hình thức, không tổ chức phát tập trung tại đền. Ở huyện Vụ Bản, xác định thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích, lễ hội là nhiệm vụ trọng tâm, trong bối cảnh đại dịch COVI-19, BQL di tích, BTC lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái) xác định công tác quản lý, tổ chức lễ hội phải bảo đảm an toàn, văn minh. 2 năm qua, lễ hội Phủ Dầy không tổ chức khai hội và các hoạt động phần hội, chỉ tổ chức các hoạt động cúng lễ trang nghiêm, đơn giản, hạn chế tổ chức các hoạt động hầu đồng quy mô đông người. Công tác phòng, chống dịch bệnh tại hơn 20 đình, đền, chùa, phủ thuộc Quần thể di tích lịch sử  - văn hóa Phủ Dầy được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: phun khử trùng, hướng dẫn du khách đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, tuyên truyền trên loa và hệ thống bảng biển, băng rôn trực quan bố trí tại các tuyến đường vào di tích thuộc các xã: Kim Thái, Trung Thành, thị trấn Gôi… Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) là điển hình về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Trước khi có dịch COVID-19, Chùa Cổ Lễ là di sản tạo ấn tượng đối với du khách về sự văn minh, tôn nghiêm thể hiện từ không gian, cảnh quan di tích với những công trình kiến trúc cổ truyền Việt Nam kết hợp các phong cách Gothic của châu Âu. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, từ năm 2020 đến nay, BQL di tích Chùa Cổ Lễ đã triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội theo tinh thần chỉ tổ chức nghi lễ trang nghiêm, không tổ chức lễ rước và phần hội; đặc biệt, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Đồng chí Nguyễn Quang Trình, Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Lễ cho biết: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch bệnh một cách bài bản. Trong các thời điểm di tích được phép mở cửa, BQL di tích đã tích cực tuyên truyền đến nhân dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hướng dẫn khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách tại các nơi thờ tự, hành lễ, khuôn viên di tích... Tại Xuân Trường việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội các di tích: Chùa Keo Hành Thiện, Đền Ngọc Tiên (xã Xuân Hồng), Đền An Cư (xã Xuân Vinh), Đền - Chùa Kiên Lao (xã Xuân Kiên)… cũng đã trở thành nền nếp. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã xuất hiện những cách làm hay, mô hình điểm được BQL các di tích, BTC các lễ hội triển khai mạnh mẽ nhằm tuyên truyền tới người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh yêu cầu người dân khai báo y tế bắt buộc, tại các di tích đều niêm yết mã quét QR, tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho người dân đến di tích thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định. Các nội dung về phòng, chống dịch bệnh được đặc biệt chú trọng trong thời điểm lễ hội, di tích mở cửa hoặc tạm đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát. Nhờ vậy, nhận thức trong cộng đồng khi tham gia các hoạt động lễ hội nói riêng và xây dựng nếp sống văn hóa nói chung tại các di tích ngày càng chuyển biến rõ rệt.

Năm 2021, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và bám sát diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Sở VH, TT và DL đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại các lễ hội, di tích trên địa bàn. Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở VH, TT và DL chủ trì đã liên tục kiểm tra việc dừng, giảm quy mô tổ chức một loạt lễ hội trên địa bàn tỉnh; trong đó có các di tích: Chùa Đại Bi, Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư (Nam Trực); Đền Trần - Chùa Tháp (thành phố Nam Định), Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đền Cây Quế (Mỹ Lộc), Phủ Quảng Cung (Ý Yên); Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu, Đền Cây Đa (Vụ Bản)... Bên cạnh các lễ hội lớn, quy mô vùng đồng loạt dừng tổ chức, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, tất cả các di tích, danh thắng chưa được xếp hạng cũng đã dừng tổ chức lễ hội, tạm dừng việc mở cửa đón khách, tránh tụ tập đông người. BQL các di tích, BTC các lễ hội và chính quyền các địa phương đều chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong mùa dịch với những quy định bắt buộc như: đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn, đo thân nhiệt, không tụ tập đông người…

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và chuyển biến từ nhận thức, ý thức chấp hành của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích trong mùa dịch đã góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com