Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hán Nôm

04:08, 27/08/2021

Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là nguồn tư liệu Hán Nôm hiện có, từ tháng 3-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt đề tài khoa học công nghệ “Sưu tầm, biên dịch di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định” để hệ thống hóa các di văn Hán Nôm; biên dịch, đánh giá giá trị di sản tư liệu nhằm giới thiệu tinh hoa văn hóa truyền thống Hán Nôm Nam Định góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nói chung và văn hóa truyền thống Nam Định nói riêng.

Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm tại Bảo tàng tỉnh.
Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm tại Bảo tàng tỉnh.

Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm của tỉnh ta đã được thực hiện trong nhiều năm như: đợt sưu tầm của Viện Viễn đông Bác Cổ (Pháp) tại Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, đợt sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) những năm cuối thế kỷ XX và nhiều đợt sưu tầm của Thư viện, Bảo tàng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua khảo sát sơ bộ, có thể nói, những tư liệu Hán Nôm hiện còn lưu lại trên đất Nam Định khá phong phú và đa dạng từ hình thức thể hiện đến nội dung gồm: sắc phong thần cho các đình làng, trát văn, gia phả, đơn khai, văn tế, văn cúng, di chúc, thơ văn, văn bia, hoành phi, câu đối, châu bản, địa bạ... phần nào đã phản ánh rõ nét tư duy khoa học, văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã cũng như sinh hoạt xã hội của các bậc tiền nhân nơi đây. Đã có 2 cơ quan thực hiện chương trình số hóa một phần tài liệu Hán Nôm Nam Định là Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt Nam, được lưu trữ, bảo quản tương đối tốt. Tuy nhiên, các tư liệu này còn sắp xếp theo ký hiệu thư viện, chưa có sự phân chia theo từng tỉnh hay theo font sách chuyên đề (tùng thư). Do đó, việc triển khai đề tài “Sưu tầm, biên dịch di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định” với mục tiêu hệ thống hóa các di văn Hán Nôm Nam Định trong và ngoài tỉnh theo thư mục học, mỗi đơn vị tư liệu sẽ làm biên mục gồm các yếu tố theo quy định của thư viện góp phần quan trọng trong công tác khảo cứu cho các công trình nghiên cứu sau này. Từ tháng 6-2019, Sở Khoa học và Công nghệ  đã kết hợp với các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện đề tài với các nội dung: thống kê và làm phiếu biên mục di văn Hán Nôm Nam Định; đánh giá giá trị di văn Hán Nôm Nam Định; sao chép, phiên âm, dịch nghĩa, hiệu đính và chú thích văn bản Hán Nôm. Nhóm nghiên cứu đã thống kê tài liệu, tiếp cận văn hóa vùng nhằm đánh giá giá trị di văn Hán Nôm Nam Định, nhận diện những nét riêng của văn hóa Nam Định trong mối quan hệ với văn hóa các địa phương thông qua các phương pháp nghiên cứu như: văn bản học, thư tịch học, phiên dịch học, nghiên cứu liên ngành. Đặc biệt là phương pháp điền dã điều tra, sưu tầm di văn Hán Nôm Nam Định tại Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh và ở các huyện, thành phố trên địa bàn để xác minh tư liệu, đối chiếu, so sánh, đính chính văn bản phù hợp giữa nội dung văn bản và thực tế địa phương. Qua 2 năm nghiên cứu đề tài đã cho ra các sản phẩm là: “Biên mục di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định” với 2.067 đơn vị thư tịch và minh văn; “Di văn Hán Nôm: Tục lệ tại Nam Định” bao gồm tổng quan văn bản tục lệ tỉnh Nam Định và tuyển dịch tục lệ một số xã của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc, Trực Ninh, Vụ Bản; 2 kỷ yếu Hội thảo khoa học là “Phong tục tập quán tỉnh Nam Định” và “Bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm Nam Định”; 14 báo cáo chuyên đề khảo sát, đánh giá giá trị di văn Hán Nôm Nam Định về  địa chí, văn học nghệ thuật, tục lệ, thần tích, thần sắc, địa bạ, khoa cử, Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, bia ký, minh văn, tín ngưỡng thờ Mẫu… Toàn bộ các sản phẩm bàn giao cho Bảo tàng tỉnh quản lý, lưu giữ, khai thác. Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Thư, tỉnh cho biết: Nam Định - vùng đất học xưa và nay, từng được coi là trung tâm Nho học, sản sinh ra nhiều tác gia Hán Nôm như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Tung, Trần Hưng Đạo, Lương Thế Vinh, Đặng Xuân Bảng, Trần Tế Xương… Di văn Hán Nôm Nam Định với nội dung vô cùng phong phú như: lịch sử, địa lý, văn hóa nghệ thuật, văn chương, khoa cử, phong tục tín ngưỡng… Tuy nhiên, theo thời gian, khối di sản văn hóa phi vật thể này đang đứng trước nguy cơ mai một. Do vậy, việc nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và xuất bản tư liệu Hán Nôm là việc làm rất cần thiết. Sau khi tiếp nhận, các sản phẩm của đề tài được lưu tại Phòng Tư liệu - Quản lý hồ sơ để phục vụ cán bộ Bảo tàng và các độc giả, nhân dân địa phương quan tâm, yêu mến muốn tìm hiểu thông tin tư liệu về địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng tỉnh ta nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Những tư liệu ấy giúp nhân dân Nam Định thêm yêu, thêm tự hào hơn về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa mà mình đang sống.

Cùng với các sản phẩm cụ thể, đề tài “Sưu tầm, biên dịch di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định” cũng đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hán Nôm Nam Định. Đó là, tiến hành thống kê chi tiết và tiếp tục sưu tầm các văn bản Hán Nôm trong dân gian để từ đó có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Xây dựng các bộ sách công cụ mang tính tùng thư như: tùng thư về địa chí Nam Định, tùng thư về văn bản tục lệ Nam Định, tùng thư về các văn bản thần tích Nam Định, tùng thư về các văn bản địa bạ Nam Định… hoặc triển khai bộ tùng thư về “Di văn Hán Nôm Nam Định” để khôi phục, làm sáng rõ thêm những giá trị văn hóa truyền thống trong các văn bản Hán Nôm Nam Định. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào bảo quản các văn bản Hán Nôm Nam Định, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ bằng các biện pháp: photocopy, scan, chụp ảnh với độ phân giải cao. Đây là cách lưu trữ rất hiệu quả và cần thiết, tạo điều kiện cho việc bảo quản, khai thác, trao đổi các tư liệu Hán Nôm thuận lợi và dễ dàng hơn trong xu hướng toàn cầu hóa. Giải pháp then chốt là cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ chuyên viên, thư viện viên, những người làm quản lý văn hóa tham dự các lớp chữ Hán, chữ Nôm để đọc, hiểu, nắm vững giá trị của các văn bản Hán Nôm mà mình trực tiếp quản lý, dần mở rộng phạm vi giới thiệu giá trị di sản Hán Nôm của địa phương và toàn tỉnh đến các đối tượng khác./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com