Sức lan tỏa từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

08:12, 18/12/2020

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (ĐSVH) được Đảng và Nhà nước xác định là giải pháp trọng tâm nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của con người trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Ở tỉnh ta, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” được phát động, triển khai thực hiện từ năm 2000 tạo một luồng gió tích cực lan tỏa mạnh mẽ đời sống văn hóa mới trong xã hội, chuyển đổi diện mạo đời sống từ thành thị đến nông thôn, khơi dậy lòng nhân ái, ý thức đoàn kết cộng đồng và tinh thần tự quản trong từng khu dân cư.

Chương trình nghệ thuật “Bài ca kết đoàn” của Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2020).
Chương trình nghệ thuật “Bài ca kết đoàn” của Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2020).

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Sở VH, TT và DL với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa. Ở các địa phương, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” được triển khai với 5 nội dung gồm: Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa xanh - sạch - đẹp; xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh. Các nội dung gắn với 7 phong trào: Xây dựng “Gia đình văn hóa”; xây dựng “Khu dân cư văn hóa”; xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Học tập, lao động sáng tạo”; “Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến”. Việc triển khai thực hiện các nội dung, phong trào có sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân vừa hưởng thụ vừa tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá.

Từ những điểm sáng

Với hơn 40 năm là điển hình văn hóa tiêu biểu của cả nước, huyện Hải Hậu là vùng quê có sự phát triển kinh tế văn hóa đồng đều, bền vững. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” ở địa phương, góp phần tạo nên sức sống mới, diện mạo mới. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được các xã, thị trấn trong huyện lồng ghép và gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua trọng tâm, các chương trình lớn: Xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu… Đến nay, toàn huyện có 100% xóm, tổ dân phố (TDP) đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, 100% các khu dân cư có đầy đủ thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, 31/34 xã, thị trấn thực hiện tốt cuộc vận động “Làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần” trong việc cưới, việc tang; 113 cơ quan, trường học, trạm y tế đạt chuẩn nếp sống văn hóa; tỷ lệ “Gia đình văn hoá” toàn huyện đạt 96,8%. Phong trào “Học tập, lao động sáng tạo” được cấp ủy, chính quyền huyện Hải Hậu phát động mạnh mẽ thu hút nhiều tập thể, cá nhân tham gia với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật và được ứng dụng trong lao động, sản xuất. Trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Hải Hậu có 67 sản phẩm (từ 3-4 sao) trên tổng số 146 sản phẩm toàn tỉnh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Các sản phẩm rất đa dạng từ các mặt hàng dược liệu, thủy sản, chăn nuôi, nông sản chế biến… Tính đến hết năm 2020, huyện Hải Hậu đã cơ bản đạt NTM nâng cao, được Trung ương chọn là một trong 4 huyện của cả nước xây dựng mô hình điểm “NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2020-2025 với 283/546 xóm, TDP hoàn thành NTM kiểu mẫu.

Trong quá trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các làng (thôn, xóm, TDP) đều xây dựng quy ước nếp sống văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng. Hình thức tổ chức tiệc trà, hạn chế thuốc lá trong các đám cưới ngày càng được nhân rộng. Tình trạng ăn uống linh đình giảm nhiều so với những năm trước. Tại thành phố Nam Định, trong các đám cưới, khi xe đưa đón dâu qua khu vực Quảng trường 3-2, cô dâu, chú rể dừng lại thắp hương trước tượng đài Đức Thánh Trần và chụp ảnh lưu niệm để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc của quê hương Nam Định. Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã triển khai mô hình đám cưới, đám tang theo quy ước nếp sống văn hóa mới như các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh… Trong đó phải kể đến các hoạt động: tổ chức “Tháng hành động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang” ở xã Hải Trung; biểu dương, khen thưởng đối với các gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tang với mức từ 300 nghìn - 1 triệu đồng ở xã Hải Tân; vận động các gia đình tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa TDP ở thị trấn Yên Định (Hải Hậu); cơ chế xã hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức lễ tang cho nhân dân (Giao Thủy); mô hình khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho đám tang lựa chọn hình thức hỏa táng ở một số xã, thị trấn (Nghĩa Hưng, Giao Thủy); mô hình tổ chức lễ tang do Ban văn hóa xã đứng ra điều hành tại các xã: Xuân Phương, Xuân Đài, Xuân Kiên, Thọ Nghiệp (Xuân Trường)... Việc quy hoạch và quản lý hệ thống nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng đi vào nền nếp với 100% nghĩa trang đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM.

Huy động các nguồn lực phát triển văn hóa

Sau 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”, Nam Định được đánh giá là tỉnh tiêu biểu trong cả nước xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ năm 2010, phong trào xây dựng NTM được phát động triển khai thực hiện trên nền tảng là thành quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”, đồng thời nâng phong trào lên tầm cao mới. Với phương châm “Nâng cao chất lượng phong trào, thực hiện tốt từng tiêu chí, làm cho hoàn thiện, thực chất, không chạy theo thành tích”, các địa phương đã không ngừng đầu tư chiều sâu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, diện mạo, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nguồn ngân sách các cấp và nguồn xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 12 nhà văn hóa (NVH) của các ngành: Công an, quân đội, thanh niên; 10 NVH cấp huyện, thành phố, 100% xã (phường, thị trấn), làng (thôn, xóm, TDP) có NVH, địa điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao (trong đó có 158 NVH xã độc lập, 71 xã, phường, thị trấn dùng chung hội trường UBND); 3.005/3.634 NVH và 2.641/3.634 sân thể thao làng (thôn, xóm, TDP), 1.376 điểm vui chơi, giải trí… Hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, xã hội, các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước; lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Hàng năm, Trung tâm văn hóa - thể thao từ tỉnh đến các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ, giải thi đấu TDTT quần chúng thu hút một lượng lớn các ca sĩ, diễn viên, VĐV không chuyên là những hạt nhân văn hóa, văn nghệ, TDTT cơ sở tham gia đa dạng các loại hình, bộ môn: thơ ca, chèo, cải lương, ca trù, hát văn, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, dưỡng sinh.

Sức lan tỏa của phong trào

Thực tế cho thấy, ở tỉnh ta, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” ở địa phương nào phát triển bền vững thì địa phương đó nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ chương trình xây dựng NTM như: Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng... với nhiều tiêu chí như: điện - đường - trường - trạm, nhà ở dân cư; phát triển trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” đã cổ vũ nhân dân thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng, khôi phục và phát triển những thuần phong mỹ tục, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Qua đó, đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được nâng cao, hộ đói không còn, số hộ nghèo ngày càng giảm, số hộ khá, giàu tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 521.160/613.378 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 85%), 3.495/3.634 làng (thôn, xóm, TDP) đạt danh hiệu “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”, 1.568 khu dân cư 5 không, 2.369 khu dân cư không có tệ nạn ma túy, 847 lượt xứ, họ đạo tiên tiến, 90.550 lượt gia đình Công giáo gương mẫu. Hưởng ứng phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo”, “Thi đua yêu nước”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”…; mô hình “Cổng trường thanh niên tự quản đảm bảo xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông”; cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Xây dựng các đồn biên phòng là điểm sáng văn hóa trên khu vực biên giới biển”. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện “Ngày vì người nghèo”, thực hiện tốt chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ, các chương trình thanh niên tình nguyện thu hút hàng vạn ngày công lao động. Giai đoạn từ năm 2005-2010, toàn tỉnh có từ 60-65% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn nếp sống văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 83,79% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn nếp sống văn hóa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” là phong trào lớn mang tính toàn dân, toàn diện tác động sâu rộng đến đời sống, kinh tế xã hội, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng để cùng nhau thực hiện, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không ngừng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” phù hợp từng thời điểm, giai đoạn và điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các nội dung cụ thể của phong trào góp phần phát triển văn hóa nói chung, gắn với công cuộc xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2020-2025./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com