Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa...

06:12, 25/12/2020

Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa (NVH), câu lạc bộ (CLB)” theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 208), những năm qua, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo các phòng quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; tăng cường phối hợp với các Sở: GD và ĐT, TT và TT, Tỉnh Đoàn tổ chức các hoạt động học tập, giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh; đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền, trưng bày, triển lãm và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, thể thao trong các NVH, CLB.

Lãnh đạo Sở VH, TT và DL, đoàn viên thanh niên Đoàn Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tham quan Triển lãm “Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Nam Định” tại Bảo tàng tỉnh.
Lãnh đạo Sở VH, TT và DL, đoàn viên thanh niên Đoàn Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tham quan Triển lãm “Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Nam Định” tại Bảo tàng tỉnh.

Tham gia thực hiện Ðề án 208, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện các Ðề án: “Tổ chức các trò chơi dân gian và tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hoá cho học sinh” (từ năm 2014), “Tổ chức các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh” (từ năm 2015) nhằm gắn kết hoạt động của bảo tàng với giáo dục học đường. Ngoài hướng dẫn tham quan hệ thống trưng bày, Bảo tàng tỉnh còn đa dạng hóa hình thức học tập với các hoạt động: Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống và đương đại; biểu diễn văn hóa phi vật thể (múa rối nước, hát Chầu văn, hát Xẩm, hát Ca trù); tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá (vấn khăn, mặc trang phục một số giá đồng; thi tìm hiểu phong tục Tết Nguyên đán, Tết Trung thu; tập làm bác nông dân; tổ chức Chợ quê ngày Tết); tổ chức các tiết học lịch sử, mỹ thuật; thi tìm hiểu về các sự kiện lịch sử, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh nhân văn hóa của quê hương… Trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh, học sinh, sinh viên không chỉ được bổ sung kiến thức bồi dưỡng, lý tưởng cách mạng mà còn được tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích, tạo hứng khởi theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, Bảo tàng tỉnh cũng tổ chức các tuyến điểm tham quan, kết nối các địa chỉ du lịch giữa Bảo tàng tỉnh và các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: Bảo tàng Ðồng quê, Bảo tàng Dệt may Việt Nam, Nhà lưu niệm nhà thơ Tú Xương, Nhà tưởng niệm Lê Ðức Thọ, Nhà lưu niệm và Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh; Ðền Trần - Chùa Tháp, Phủ Dầy, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Nhà thờ Bùi Chu, Cô nhi viện Thánh An, Vườn quốc gia Xuân Thủy... Trong công tác tuyên truyền, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề lịch sử, văn hóa, cách mạng như: “Luận cứ kỷ niệm 750 Thiên Trường - Nam Ðịnh”, “Văn hóa thờ Nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á”, “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại”, “Tư tưởng nhân văn quân sự của các võ tướng thời Trần”… Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn xuất bản một số ấn phẩm về các hoạt động của bảo tàng, các poster dạng tờ gấp giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa Cột cờ Nam Ðịnh, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, những kỷ vật đi cùng năm tháng, Bác Hồ với Ðảng bộ và nhân dân Nam Ðịnh… Từ năm 2015-2018, Bảo tàng tỉnh tổ chức loạt triển lãm trưng bày ngắn hạn và dài hạn chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng tỉnh, Nhà văn hóa 3-2, Trung tâm VH-TT các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Trường Ðại học Ðiều dưỡng Nam Ðịnh. Triển lãm thu hút hàng nghìn lượt người dân đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, chủ quyền pháp lý của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân tổ chức Chợ tết “Một thoáng Thành Nam” nhân dịp đầu xuân mới với nhiều hoạt động phong phú như: Triển lãm ảnh về Thành Nam xưa; trưng bày sinh vật cảnh, chim cảnh; giao lưu cổ vật; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể; giới thiệu văn hóa ẩm thực Nam Ðịnh… Từ khi thực hiện Ðề án 208, trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đón từ 10-12 nghìn lượt khách từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến tham quan, học tập; trong đó có từ 6.000-9.000 lượt học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Ở Thư viện tỉnh, việc thực hiện Ðề án 208 luôn được Thư viện tỉnh xác định là nhiệm vụ trong tâm thông qua việc hiện đại hóa phương thức hoạt động, tăng cường bổ sung nguồn vốn tài liệu, phát triển đa dạng mạng lưới thư viện. Hàng năm, Thư viện tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh, của đất nước như: Hội Báo Xuân; tham gia Ngày sách Việt Nam tỉnh Nam Ðịnh (từ năm 2016-2019); tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách báo, tư liệu với các chủ đề: Kỷ niệm Ngày thành lập Ðảng (3-2), Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9... Công tác phục vụ bạn đọc và các dịch vụ của Thư viện tỉnh ngày càng chuyên nghiệp. Các phòng đọc tại chỗ của Thư viện tỉnh gồm: Phòng đọc Tổng hợp, Phòng đọc Ðiện tử, Phòng đọc Báo - Tạp chí, Phòng đọc Thiếu nhi và Phòng Mượn sách luôn được duy trì mở cửa phục vụ từ thứ 3 đến thứ 7 hàng tuần. Trung bình mỗi năm, Thư viện tỉnh cấp đổi trên 5.000 thẻ bạn đọc, phục vụ 90 nghìn lượt bạn đọc, 270 nghìn lượt sách báo được phục vụ. Năm 2018, sau khi tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện của Bộ VH, TT và DL trao tặng, Thư viện tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương, trường học tổ chức phục vụ sách, báo lưu động. Từ tháng 5-2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức hàng trăm chuyến xe thư viện lưu động phục vụ trên 391.680 lượt bạn đọc với 1.175.000 lượt sách báo. Bên cạnh đó, thư viện lưu động đa phương tiện còn được trang bị hệ thống máy tính nối mạng internet, máy chiếu, phần mềm chuyên dụng... để thực hiện các hoạt động thông tin - tuyên truyền, chiếu phim lưu động, giúp người dân tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng công nghệ thông tin.

Công tác phục vụ bạn đọc của hệ thống thư viện cấp huyện, thành phố cũng có nhiều chuyển biến, thu hút nhiều đối tượng bạn đọc. Hàng năm, thư viện cấp huyện, thành phố phục vụ trung bình 50 nghìn lượt bạn đọc, luân chuyển 150 nghìn lượt sách báo luân chuyển. Mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở cũng được quan tâm đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, hầu hết các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều trang bị tủ sách NVH thôn, xóm, tổ dân phố (TDP); kinh phí xây dựng các tủ sách phần lớn do nhân dân đóng góp, trung bình mỗi tủ sách có từ 100-200 cuốn. Từ năm 2016, Chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học” được phát động trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 với mục tiêu bao phủ sách ở cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh để 424.575 học sinh của 12.662 lớp và nhóm lớp học các cấp đều được tiếp cận với sách phù hợp. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 8.995 tủ sách lớp học ở tất cả các cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT với hơn 20 nghìn đầu sách, hơn 80 nghìn cuốn sách, tổng giá trị hơn 14 tỷ 166 triệu đồng.

Ðối với hệ thống trung tâm văn hóa, NVH các cấp, những năm qua hệ thống thiết chế văn hóa này đã phát huy tốt công năng trong thực hiện Ðề án 208 qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở, địa điểm sinh hoạt hè cho các em học sinh, đoàn viên, thanh thiếu niên. Toàn tỉnh hiện có 1 NVH 3-2 tỉnh, 12 NVH thuộc các ngành: Công an, quân đội, thanh niên…; 10 NVH cấp huyện, thành phố, 158 NVH xã, phường, thị trấn, 3.005 NVH làng, thôn, xóm, TDP. Hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Ðiện ảnh và Triển lãm đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: cổ động trực quan, truyền thanh cơ sở, ô tô lưu động, triển lãm, chiếu phim và tổ chức các chương trình nghệ thuật nhân dịp lễ, tết, các sự kiện đặc biệt của tỉnh, thu hút hàng vạn khán giả đến xem, cổ vũ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở cũng được thường xuyên tổ chức. Trên cơ sở đó, toàn tỉnh đã thành lập được gần 1.600 CLB văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao. Phát huy chức năng, nhiệm vụ, hệ thống Trung tâm VH, TT và DL các huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai các hoạt động nhằm phát triển các phong trào quần chúng ở địa phương góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong các khu dân cư, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng.

Ðẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Ðề án 208, thời gian tới, Sở VH, TT và DL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động học tập suốt đời tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Ðầu tư xây dựng, hoàn thiện, củng cố cơ sở vật chất văn hóa, hiện đại hóa phương thức hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, NVH, CLB; tổ chức các hoạt động học tập, dịch vụ phục vụ học tập phù hợp với từng địa phương. Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động học tập suốt đời cho đội ngũ cán bộ thư viện, bảo tàng, những người quản lý NVH, thành viên trong các CLB. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của thư viện, bảo tàng, NVH, CLB, từ đó khuyến khích nhân dân, cộng đồng tham gia hưởng ứng các hoạt động giáo dục, học tập hiệu quả theo đề án./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com