Các hiện vật thời Lý đặc sắc tại Bảo tàng tỉnh

08:12, 11/12/2020

Tháp Chương Sơn (Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện) được xây dựng trên núi Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên) năm 1108, khánh thành năm 1117 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Trải qua 3 thế kỷ tồn tại, đến đầu thế kỷ XV, giặc Minh sang xâm lược nước ta đã phá huỷ toàn bộ công trình kiến trúc này. Năm 1966-1967, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng Nam Hà tổ chức đợt khai quật phế tích Tháp Chương Sơn. Hiện nay, hầu hết các di sản văn hóa thời Lý liên quan đến phế tích Tháp Chương Sơn đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh gồm nhiều vật liệu kiến trúc bằng đá, đất nung dùng để xây dựng, trang trí tháp; trong đó các hiện vật tiêu biểu như: Thành bậc lan can (tay vịn thành bậc) và mặt đá tròn ghép tường là những di vật vật độc đáo, làm bằng chất liệu đá xám xanh (đá cát), được chế tác hoàn toàn bằng kỹ thuật chạm khắc thủ công.

Bộ sưu tập hiện vật điêu khắc đá Tháp Chương Sơn (thế kỷ XI-XII) trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Bộ sưu tập hiện vật điêu khắc đá Tháp Chương Sơn (thế kỷ XI-XII) trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Thành bậc lan can (thế kỷ XII) là Bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2015. Đây là cấu kiện ghép ở 2 bên bậc cầu thang lên xuống có dáng hình hộp (dài 205cm, cao 46cm, dày 17cm) 1 đầu vuông cạnh, 1 đầu góc nhọn vát lên trên. Bố cục trang trí của bảo vật được chia làm 2 phần: Phần trên 2 mặt chạm nổi hình 14 vũ nữ (mỗi bên 7 vũ nữ) trong tư thế múa dâng hoa, 2 tay dang rộng, tay trái cầm bông sen, tay phải cầm dải lụa, 1 chân co, 1 chân duỗi; cổ tay, cổ chân đeo trang sức và thắt các dải lụa mềm mại. Đầu các vũ nữ đội mũ nhiều tầng trang trí hoa văn, búi tóc bồng; khuôn mặt hình trái xoan đầy đặn, trong tư thế nhìn chính diện; xiêm áo mềm mại ôm sát người. Phần dưới tuy cũng trang trí ở 2 mặt nhưng cách trang trí khác nhau. Một mặt chạm kín hình hoa sen xen kẽ hoa cúc (hoa văn chủ đạo) cách điệu uốn lượn cùng hình dấu hỏi và hoa văn tay mướp (hoa văn phụ trợ). Mặt còn lại khớp với bậc lên xuống vì thế hoa văn được trang trí ở khoảng trống giữa mỗi bậc và đề tài giống với mặt trước. Ở mặt này có 2 mộng khoét sâu vào thân thành bậc dùng để lắp ghép. Thành bậc lan can là hiện vật gốc, độc bản có niên đại thời Lý duy nhất ở Việt Nam hiện nay.

Mặt đá tròn (thế kỷ XII) là 2 trong số hàng trăm cấu kiện kiến trúc bằng đá dùng để xây dựng và trang trí Tháp Chương Sơn. Cả 2 hiện vật được chế tác giống nhau về hình dáng, kích thước và bố cục trang trí, bao gồm: Mặt đá tròn (đường kính 42cm, dày 8cm) chạm nổi hình tượng rồng và hoa cúc, liền một khối với chuôi (trụ mộng) hình hộp chữ nhật (dài 41cm, rộng 32cm, dày 22cm) không trang trí hoa văn. Khi phát hiện trong đợt khai quật, 1 hiện vật đã bị gãy phần chuôi, chỉ còn lại mặt đá tròn. Hoa văn trang trí trên mặt đá tròn chia làm 2 phần: Phần hình giữa chạm nổi con rồng mang đặc trưng phong cách mỹ thuật hình tượng rồng thời Lý với đầu ngẩng cao, mắt to tròn, lông mày, râu kết xoắn, miệng há rộng ngậm ngọc. Thân rồng tròn, không có vảy, bụng có đốt, dọc sống lưng có hàng vây chạy dài đến đuôi, uốn khúc mềm mại hình sóng nước trong khuôn hình tròn. Rồng có 4 chân, mỗi chân 3 ngón, móng cong nhọn. Điểm khác biệt giữa 2 mặt đá tròn là 1 mặt hình rồng cổ uốn từ dưới lên, 1 mặt hình rồng cổ uốn từ trên xuống. Phần ngoài trang trí dải một băng cúc dây uốn lượn; xen kẽ giữa các khúc uốn là 16 bông hoa cúc được thể hiện ở 2 tư thế nhìn thẳng và nhìn nghiêng. Bao quanh phía ngoài cùng của mặt đá tròn là 1 vòng cánh hoa cúc rời, mỗi cánh tạo thành 1 múi dài 4cm. Mặt đá tròn thời Lý không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu, phục dựng lại vị trí, kết cấu giữa các bộ phận cấu thành, trang trí Tháp Chương Sơn theo nghệ thuật tạo hình và tư tưởng đương thời.

Ngoài thành bậc lan can và mặt đá tròn thời Lý, hiện Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ được bộ sưu tập hiện vật điêu khắc đá Tháp Chương Sơn (thế kỷ XI-XII). Bộ sưu tập gồm 145 hiện vật là các cấu kiện kiến trúc dùng để xây dựng, trang trí tháp (đố ngang, đố dọc, trụ cuốn, tượng người, tượng linh vật...) và một số hiện vật khác (tượng Phật, bệ đá...). Đề tài trang trí thể hiện trên các hiện vật điêu khắc đá rất đa dạng, phong phú như: hoa văn, cây cỏ (hoa sen, hoa cúc, lá đề...), các biểu tượng tự nhiên (văn mây, sóng nước...), động vật (rồng, khỉ, chim thần Garuda...), tượng Phật, vũ nữ Apsara… Bộ sưu tập hiện vật điêu khắc đá đa dạng về cách tạo hình, phong phú về đề tài hoa văn trang trí đã giúp hậu thế hình dung được quy mô to lớn, bề thế của Tháp Chương Sơn - một đại danh lam, trung tâm của Hành cung Ứng Phong dưới triều Lý. Bộ sưu tập hiện vật bằng đất nung Ngô Xá cũng là những di sản được “tìm về” từ lòng đất trong các đợt nghiên cứu, khai quật tại di chỉ có liên quan đến Tháp Chương Sơn trên núi Ngô Xá. Bộ sưu tập gồm 79 hiện vật có niên đại thế kỷ XI-XII. Các hiện vật trong bộ sưu tập phong phú về loại hình như: gạch (gạch chạm rồng, gạch chạm sóng nước, gạch gắn mô hình tháp…); ngói (ngói ống, ngói đầu đao…) và các vật liệu trang trí kiến trúc (tượng uyên ương, lá đề, đầu phượng, đầu rồng…). Đặc biệt là nhóm gạch có in minh văn “Lý gia đệ tứ đế Long Phù Nguyên Hóa ngũ niên tạo” (tức năm 1105, thời Vua Lý Nhân Tông). Bộ sưu tập hiện vật bằng đất nung Ngô Xá tuy có số lượng không lớn nhưng là nguồn sử liệu đặc biệt quan trọng, phản ánh sự hưng thịnh của Phật giáo thế kỷ XII, trong đó, Nam Định là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước.

Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung đổi mới công tác trưng bày các hiện vật lịch sử qua các thời kỳ. Khu trưng bày di sản văn hóa thời Lý được Bảo tàng tỉnh bố trí sắp xếp khoa học đã làm nổi bật các giá trị lịch sử của mỗi hiện vật, bộ sưu tập, giúp người xem hiểu được tư duy mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình thời Lý qua những hình ảnh: trang phục, trang sức, cuộc sống sinh hoạt của người dân, biểu tượng đặc trưng của các linh vật trong tín ngưỡng dân gian thế kỷ XI-XII; đồng thời phản ánh mối quan hệ, sự giao lưu, ảnh hưởng văn hoá giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hoá lớn như: Chăm Pa, Trung Quốc và Ấn Độ trong lịch sử dân tộc./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com