Xứng danh "miền di sản"

06:07, 12/07/2020

Nam Trực là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến, yêu nước, cách mạng, hiếu học, khoa bảng. Bên cạnh những giá trị di sản văn hoá vật thể, Nam Trực là nơi phát tích và bảo lưu nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian và các làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Nam Trực triển khai có hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá - chính là nền tảng, gốc rễ để sáng tạo những giá trị văn hoá mới trong sự nghiệp phát triển quê hương thời đại 4.0 với mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghi thức rước trong lễ hội Chùa Đại Bi, Nam Giang (Nam Trực).
Nghi thức rước trong lễ hội Chùa Đại Bi, Nam Giang (Nam Trực).

Bản sắc và giá trị di sản văn hóa

Nam Trực nằm ở phía nam thành phố Nam Định, là một đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh và vùng nam đồng bằng sông Hồng. Đây là vùng đất có truyền thống lâu đời, là huyện Tây Chân thuộc lộ Hải Thanh thời Bắc thuộc, phủ Thiên Trường thời nhà Trần, phủ Phụng Hóa thời nhà Lê, được đổi tên là Nam Chân thời Lê Trung Hưng và đổi tên thành huyện Nam Trực từ năm 1895; huyện đã 2 lần sáp nhập với huyện Trực Ninh và được tái lập lại từ năm 1997. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, phong cách văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Nam Trực có mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. 

Đây là vùng quê giàu trầm tích văn hóa với 70 di tích được xếp hạng (14 di tích quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh) toàn huyện. Trong đó, nhiều di tích có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế như: Đền Xám (xã Hồng Quang), đền Đá (xã Tân Thịnh), chùa Đại Bi, đền Thôn Ba, đền Am (thị trấn Nam Giang), đền Gin (xã Nam Dương), đền Đồng Quỹ (xã Nam Tiến), đền Xối Thượng, đền Thượng Lao (xã Nam Thanh), đền Giao Cù (xã Đồng Sơn), đền An Lá (xã Nghĩa An),... Các di tích lịch sử, văn hoá ở Nam Trực mang đậm yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, có ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các vị vua, tướng, danh nhân văn hoá đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Là vùng đất giàu truyền thống hiếu học. Thời phong kiến, Nam Trực là quê hương của 3 vị Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 Phó bảng và 86 Cử nhân và Tú tài. Để tưởng nhớ và vinh danh công lao nhằm giáo dục truyền thống khuyến học, khuyến tài cho các thế hệ con cháu, nhân dân các địa phương đã dựng đền, đình thờ các bậc hiền tài, đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong số 70 di tích lịch sử - văn hóa của huyện đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, tôn tạo, có hơn 30 di tích thờ các danh nhân văn hóa của quê hương. Tiêu biểu như: Đền Đá thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngoài việc thờ ba vị tướng thời kỳ Hùng Vương, thờ 12 vị tổ (thập nhị gia tiên tổ) của 12 họ sớm về đây lập làng, đền còn phối thờ hai vị đại khoa họ Hoàng và họ Lưu. Đền Đá còn giữ được khá nhiều đồ thờ tự như: sập thờ, kiệu long đình, bát cống rất đẹp và có giá trị. Đền Cổ Da, làng Xuân Lôi, xã Nam Hùng là nơi thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Ông là một tấm gương hiếu học, năm 55 tuổi thi đỗ Trạng nguyên; làm quan tới chức Lại bộ tả thị lang, là người thanh liêm, cương trực. Đền Giao Cù (còn gọi là đền Đăng Long hay là đền thờ ông nghè Giao Cù), xã Đồng Sơn thờ Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Khoa thi năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, sau đó được bổ chức Quang lộc tự Thiếu khanh rồi thăng Tả lý bộ Binh. Năm 1881, ông được bổ làm Thượng biện tỉnh Nam Định. 

Bên cạnh các di sản văn hoá vật thể, Nam Trực còn có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với nhiều lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mùa thu. Hàng năm, có tới hàng vạn lượt du khách về với Nam Trực vào các dịp lễ hội, đặc biệt hội chợ Viềng xuân (mùng 8 tháng Giêng), lễ hội hoa cây cảnh Vị Khê, lễ hội chùa Đại Bi,… Nam Trực là huyện duy nhất của tỉnh có 4 phường múa rối, đó là rối nước làng Rạch (xã Hồng Quang), thôn Nhất (thị trấn Nam Giang) và rối cạn chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang), chùa Cổ Tung (xã Nam Hùng). Đây là những môn nghệ thuật dân gian đặc sắc, có sức sống trong lòng nhân dân, do nhân dân sáng tạo và nuôi dưỡng. Năm 2019, lễ hội chùa Đại Bi (là lễ hội đầu tiên của huyện Nam Trực được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) hàng năm mở từ 20 đến 23 tháng Giêng, thu hút đông đảo khách thập phương. Trong các ngày diễn ra lễ hội, ngoài phần lễ, du khách còn được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: Lễ rước, kéo chữ, đấu vật, đánh cờ người, tổ tôm điếm… Đặc biệt nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh (hay còn gọi là Ổi Lỗi) chùa Đại Bi - được coi là môn nghệ thuật “độc nhất, vô nhị” trong cả nước.

Hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di sản văn hóa

Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, đến nay, công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích nói riêng và di sản văn hóa nói chung trên địa bàn huyện Nam Trực đã phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng của quê hương trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Công tác quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên địa bàn huyện đã được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần bảo tồn di sản văn hoá truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đối với 70 di tích đã được xếp hạng, các địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích; ban hành quy chế quản lý di tích và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa tu bổ, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích đã thu hút được nhiều tỷ đồng và hàng triệu ngày công lao động của nhân dân, góp phần duy tu, bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Chùa Am, đình Bơi (xã Nam Toàn); đền Đá (xã Tân Thịnh); đền Đức ông, đền Đồng Phù (xã Nam Mỹ)... 

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật rối cạn và rối nước trước nguy cơ bị mai một, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở VH, TT và DL, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH, TT và DL), Quỹ Ford tài trợ kinh phí, phương tiện máy móc, ánh sáng, âm thanh và xây dựng thủy đình cho phường múa rối thôn Nhất (thị trấn Nam Giang). Đồng thời, mở lớp đào tạo 60 diễn viên trẻ kế cận cho 2 phường rối làng Rạch và thôn Nhất; phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức đào tạo 35 diễn viên và nhạc công trẻ để bổ sung cho lớp nghệ nhân rối cạn chùa Đại Bi đã cao tuổi (lớp diễn viên này do chính các nghệ nhân phường rối cạn chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang trực tiếp truyền dạy). Với những việc làm thiết thực và kịp thời đó đã góp phần bảo tồn và phát triển 2 môn nghệ thuật đặc biệt riêng có của huyện tiếp tục duy trì trong đời sống văn hóa hiện đại. Bên cạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, việc xây dựng và xuất bản những ấn phẩm văn hóa, với các ấn phẩm như: Sách “Nam Trực cội nguồn và di sản”; sách “Đền Gin di tích và lễ hội”, “Đền Am lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật”, “Trạng nguyên đất học Nam Trực”, “Cụ nghè Giao Cù Vũ Hữu Lợi”, “Sự tích đền Xám”, “Di tích đền Thôn Ba”… đã góp phần lưu giữ và quảng bá những giá trị di sản văn hóa tới đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài huyện. 

Hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các di tích đã và đang trở thành điểm thu hút khách du lịch, điểm tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân Nam Trực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com