Đồng quê khe khẽ gọi mời

08:04, 17/04/2020

Những ngày này, cái rét ngọt của tháng ba chờ nàng Bân may áo cho chồng. Mẹ đùa, năm nay nàng Bân may áo lâu quá, đã đầu tháng 4 dương rồi mà trời vẫn trở rét. Vì thế, trên những cánh đồng mưa xuân hãy còn vương vấn. Lúa được chút mưa xuân cuối vụ xanh lên nõn nà. Đâu đó, ở những ruộng lúa được phân, đã nghe trong gió hương lúa ngậm sữa chờ ngày làm đòng. Chỉ ít hôm nữa thôi, mượn gió trời đưa đẩy, những thân lúa biếc xanh to dần rồi “phình” ra, ôm ấp lấy tinh túy chắt chiu của đời cây. Và cũng chỉ vài ngày nữa thôi, những tinh túy ấy được nắng, được gió, được sương, được mồ hôi của mẹ dưỡng nuôi thành hình, thành hạt. Cũng không lâu nữa, từ những đồng lúa xanh biếc bông rồi bông đâm chồi, mạnh mẽ vươn mình vượt qua thân lúa, hào sảng đón lấy nắng gió mỗi ngày. Một sáng mai cả nhà bị đánh thức bởi mùi nồng ngậy của cơm nếp được lửa rơm, mẹ hò, hôm nay nhà ta bắt đầu đi gặt nhé thì cả cánh đồng đã nhuộm màu vàng rực. Thứ màu vàng ruộm nhìn đến đã mắt, nhìn đã thấy no đủ mang hồ hởi theo chân cha về nhà. Cả cánh đồng rầm rập tiếng người, tiếng những bước chân nặng trịch vội vã vận chuyển lúa. Liềm cắt ngọt sát những khóm lúa to và dày, gió mát đánh rào rào xô vành nón nhấp nhô. Trên tay người lúa trĩu bông, những cánh đồng thưa dần lúa, phủ màu xám bạc.

Ảnh/ Internet
Ảnh/ Internet

Tháng tám nước ngập trắng, từ nhà nhìn ra đồng chỉ toàn nước, lặng lẽ đến mênh mông. Mùa tháng tám, sợ nhất là những ngày lụt lội, đồng trắng nước trong. Mẹ thắt ruột gan nhìn thùng gạo vơi đi mỗi ngày. Thương mẹ, lũ trẻ chúng tôi bì bõm lội đồng “mót” rau muống. Từ dạo hè, trên những chân mạ, mẹ thường dành một khoảng trồng rau muống; phần để bớt đồng đi chợ, phần để “cải tạo” những chân ruộng xấu. Hết mùa hè, mẹ phá bỏ ruộng rau, chờ qua mùa nước lụt cấy lúa mùa. Gốc rau bén sâu rễ xuống đồng lên ngọn tươi non. Lũ trẻ chúng tôi đứa liềm, đứa rổ rá, bì bõm lội dưới đồng hái rau. Trời mưa lâm thâm, đồng nước trắng, môi tím tái vì lạnh nhưng cứ hễ trông thấy những ngọn rau nhấp nhô là cả lũ lại rẽ nước lao tới. Mải chạy, có đứa ngã sấp mặt xuống nước; ngẩng lên thì đầu tóc rũ rượi, mặt lem nhem nước. Những đứa khác đứng cười ngặt nghẽo không dứt, mặc kệ mưa trên đồng ngày càng nặng hạt.

Tháng mười một, cả cánh đồng trở nên buồn hiu, trụi thùi lũi. Những chú sẻ ngày cần mẫn đi lại trên đồng lích rích tìm thóc vương vãi. Một vài chú cò đói ăn, đạp gốc rạ xao xác. Đồng khô không khốc, những gốc rạ đã mủn ngả rạp trên đất, con mương chạy dọc cánh đồng dần cạn nước. Chỗ cống nối giữa mương với cánh đồng, thằng Tý “xí” từ dạo trước với đám bạn, nó sẽ tát cạn để bắt cá giờ cũng còn trơ lại mỗi đất. Mỗi ngày lùa trâu ra đồng, thằng Tý phải tìm mỏi mắt mới được vài đầu bờ ruộng còn cỏ để cho trâu ăn. Thằng Tý bất bình hỏi mẹ, sao không trồng cấy gì trên đồng để đồng huơ hoắc thế kia? Mẹ bảo, đất phải nghỉ ngơi, phải “thở”, phải “bồi dưỡng”. Đây đó, từ giữa đồng, những đám lửa bùng lên cháy đỏ thẫm. Mẹ nói, đốt rạ để diệt sâu cho đồng ruộng. Rạ tàn thì lấy đó làm phân ủ cho đất. Thằng Tý chờ cái ngày rạ tàn, đồng đất mà nó lăn lê, mò mẫm hàng ngày hồi sinh. Gió đông vi vút thổi, thằng Tý cùng đám bạn dạt về giữa đồng, gom nào cỏ khô, những gốc rạ còn sót lại nhóm lửa ngồi sưởi. Nó càng nhớ thiết tha tiếng người cười nói, tiếng mẹ hồ hởi đánh thức cả nhà vào mùa gặt. Lùa trâu về sớm, thằng Tý mặt buồn ngẩn ngơ.

Mưa rây rây giăng hạt, gió mùa lành lạnh thổi, thằng Tý nghe dưới bếp tiếng lục đục. Rồi nó lờ mờ thấy, mẹ quấn ngang người mảnh áo mưa quẩy gánh ra đồng. Sáng bảnh mắt, từ trong gió có tiếng người nói to dần. Thằng Tý còn nghe tiếng nước rơi bì bõm, tiếng cười nói xôn xao. Dò dẫm tìm đôi dép nhựa sứt một bên quai, nó ào ra ngõ. Ôi kìa, cánh đồng khô không khốc của nó đang xanh dần lên, tràn qua bờ bãi, kéo dài xa tít tắp. Mẹ lại đang bắt đầu một vụ lúa mới, đồng quê đã hết thời kỳ ngơi nghỉ, bồi dưỡng. Trên những cánh đồng mùa hy vọng lại đã bắt đầu./.

Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com