Nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong cộng đồng

06:04, 17/04/2020

“Hướng về cơ sở phát triển văn hóa đọc để nâng cao trình độ dân trí cộng đồng” là mục tiêu quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh ta. Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điểu kiện để các thư viện, tủ sách phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động. Hệ thống thư viện, tủ sách trong tỉnh trở thành “cánh tay” nối dài giúp sách đến gần hơn với bạn đọc, đặc biệt là nhân dân ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sách của Thư viện tỉnh trong chương trình Ngày sách Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2019.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sách của Thư viện tỉnh trong chương trình Ngày sách Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2019.

Để phát huy hiệu quả trang thiết bị và các đầu sách từ nguồn xã hội hóa, hàng năm Thư viện tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nguồn lực, sản phẩm và dịch vụ thư viện qua chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21-4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4), Tuần lễ học tập suốt đời… trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử; tổ chức quản lý, trưng bày, phục vụ sách, báo tại thư viện và lưu động…

Nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của sách và tầm quan trọng của thư viện ngày càng được nâng lên. Năm 2019, Thư viện tỉnh đã bổ sung 6.500 bản sách, gần 130 loại báo, tạp chí; cấp đổi hơn 6.000 thẻ bạn đọc, phục vụ trên 90 nghìn lượt người, 270 nghìn lượt sách báo được luân chuyển, khai thác hiệu quả tại 191 điểm luân chuyển và hàng trăm điểm phục vụ bằng xe lưu động đa phương tiện. Thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tổ chức các sự kiện: Hội Báo Xuân, Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định, Ngày hội đọc sách của em với nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, giàu ý nghĩa gắn với sách và hoạt động đọc sách như: Xếp sách nghệ thuật, tọa đàm giới thiệu tác giả, tác phẩm, thi kể chuyện sách, hùng biện sách, vẽ tranh theo sách, quyên góp, trao tặng sách... Các buổi phục vụ bằng xe lưu động đa phương tiện tại các trường học của Thư viện tỉnh thường gắn các chủ đề: “Hành trang tri thức cho em”, “Đọc sách vì ngày mai”, “Niềm tin và hy vọng”, “Tri thức và tương lai”… Qua các hoạt động giới thiệu sách trong học đường, Thư viện tỉnh đã tuyên truyền tới các thầy, cô giáo, học sinh, các bậc phụ huynh về chức năng, vai trò của thư viện trong đời sống xã hội, tạo động lực cho mọi người biết trân trọng, yêu quý sách, xây dựng thói quen đọc sách, làm theo sách, bổ sung tri thức ngoài những kiến thức giảng dạy trong nhà trường, từ đó xác định ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện đạo đức, văn hóa.

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp ủy, chính quyền trong việc khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở, phong trào đọc sách ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 10 thư viện cấp huyện, thành phố, 4 thư viện cấp xã, 1.341 phòng đọc, tủ sách cơ sở, 229 tủ sách pháp luật, 8 tủ sách đồn biên phòng và 198 điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ sách, báo. Thư viện huyện Xuân Trường có gần 2.600 đầu sách với trên 5.500 bản thuộc nhiều chủng loại sách, báo, tạp chí. Một số đầu sách có số lượng bản lớn như: truyện thiếu nhi (1.000 bản), văn hóa và đời sống (500 bản), nông nghiệp và phát triển nông thôn (200 bản)… Hàng năm, Thư viện huyện phối hợp với các trường mầm non, tiểu học, THCS ở các xã: Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Tiến, Xuân Hồng, Xuân Hoà, Xuân Vinh, thị trấn Xuân Trường… tổ chức các giờ học ngoại khoá, hội thi kể chuyện, đọc sách cho học sinh trong dịp hè tạo ra sân chơi bổ ích cho các em. Bình quân mỗi năm, Thư viện huyện luân chuyển từ 3-5 đợt sách xuống cơ sở với 100-150 bản sách; trong đó sách văn học - nghệ thuật chiếm 40%, sách kinh tế nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật chiếm 30%, sách chính trị - xã hội chiếm 15%, còn lại là các báo, tạp chí, ấn phẩm, truyện tranh. Ở huyện Vụ Bản, hoạt động của Thư viện huyện đã góp phần duy trì và phát triển phong trào đọc sách, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân vùng nông thôn. Ngoài ra, 80% thôn, xóm, tổ dân phố trong huyện đều xây dựng được mô hình “Tủ sách nhà văn hóa”, “Tủ sách làng văn hóa” với đa dạng các loại sách thuộc nhiều lĩnh vực. Điều ghi nhận ở một số mô hình tủ sách cơ sở tại Vụ Bản đó là tâm huyết, nhiệt tình của những người cao tuổi, các bí thư chi bộ, trưởng xóm khởi xướng, thành lập và duy trì tủ sách. Nhiều tủ sách nhà văn hóa, khu dân cư hoạt động hiệu quả như: thôn Tứ Giáp, thôn Trung Nghĩa, thôn Ngõ Trang, thôn Vân Bảng (xã Liên Minh); làng Hoàng, làng Thượng (xã Minh Tân), thôn Cao Phương (xã Liên Bảo); thôn Phú Đa, thôn Ngõ Quan, thôn Môn Nha (xã Hiển Khánh)… Ở huyện Trực Ninh, sự ra đời và duy trì hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách từ huyện đến cơ sở đã khẳng định được hiệu quả xã hội hóa trong đổi mới và nâng cao chất lượng văn hóa đọc theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Phòng Tư pháp huyện, UBND các xã, thị trấn luân chuyển các loại sách chính trị, pháp luật đến 21 điểm Bưu điện văn hóa xã và tủ sách Nhà văn hoá các thôn, xóm, tổ dân phố; tổ chức các buổi giao lưu, tuyên truyền giới thiệu sách theo các chủ đề: biển đảo quê hương, an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội tại các trường học trên địa bàn.

Cùng với phong trào xây dựng trường học “đạt chuẩn quốc gia”, “đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp”, các mô hình tủ sách lớp học, thư viện trường học, trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm đầu tư. Sau hơn 3 năm triển khai chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học trên địa bàn tỉnh Nam Định”, đến nay, 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện, 10.976 tủ sách lớp học với 210.440 đầu sách, 766.035 bản sách, kinh phí hơn 16 tỷ 450 triệu đồng. Các trường học thường xuyên đầu tư, cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu cho các mô hình “Thư viện thân thiện’’, “Thư viện xanh” để phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của cán bộ, giáo viên và học sinh. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo của cán bộ, giáo viên và học sinh. Mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh là con gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không để các em thiếu sách học, đọc. Để học sinh hứng thú với việc đọc, nghiên cứu sách, báo, thông qua giờ sinh hoạt tập thể ở các lớp, nhà trường phát động học sinh kể chuyện theo sách theo các chủ đề về: danh nhân văn hóa, lãnh tụ của đất nước, các vấn đề về thời sự trong cuộc sống thường ngày. Nhiều trường học khuyến khích cho học sinh tham gia trong các CLB sách: CLB sách lịch sử, CLB sách văn học, CLB sách khoa học… 

Phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Mục tiêu đổi mới hoạt động và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc tại hệ thống thư viện, tủ sách cộng đồng ở tỉnh ta đang là cầu nối đưa tri thức tới các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng thế hệ người Nam Định trong tương lai giàu tri thức, hiểu biết sâu rộng để thích ứng tốt hơn với sự phát triển của xã hội hiện đại./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com