Hoạt động của Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu

08:04, 17/04/2020

Những năm qua, Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu có nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội.

Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Hải Phương.
Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Hải Phương.

Ông Vũ Thanh Bình, Chi hội trưởng Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu cho biết: Với mong muốn quy tụ cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ đoàn kết và có hướng đi đúng đắn trong việc gìn giữ nét đẹp trong Di sản, năm 2018, Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu được thành lập. Đến nay, Chi hội có gần 150 thành viên thuộc đủ các lứa tuổi, trong đó có 50 thanh đồng, 33 cung văn và đại diện các ban quản lý di tích, các nhà nghiên cứu Di sản văn hóa. Trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Chi hội có nhiều hoạt động như: quảng bá nét đẹp của Nghi lễ Chầu văn, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, truyền dạy kỹ năng hát văn, dạy nhạc cụ dân tộc… Chi hội đã tổ chức 4 cuộc giao lưu nghi lễ Chầu văn tại huyện Hải Hậu; phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức tọa đàm Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với 120 đại biểu tham dự; hiến tặng nhiều hiện vật liên quan đến “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cho Bảo tàng tỉnh để tổ chức triển lãm, trưng bày chuyên đề. Bên cạnh đó, các thành viên của Chi hội đã cung cấp nhiều tài liệu cho Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người hoàn thành các đề tài nghiên cứu khoa học về “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”. Hàng năm, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), Chi hội tổ chức giao lưu hát Chầu văn để các hội viên có dịp giao lưu, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm. Để truyền dạy kỹ năng hát văn, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, Chi hội đã thành lập Câu lạc bộ hát Văn Hải Hậu. Hiện nay, Câu lạc bộ duy trì 2 lớp dạy hát văn và nhạc cụ dân tộc, mỗi lớp có 10 học viên. Những thanh đồng nắm giữ nhiều tri thức về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong Chi hội luôn quan tâm hướng dẫn cho các thành viên mới nhận thức đúng về căn hầu Mẫu, hầu Thánh, không phô trương, lợi dụng làm biến tướng tín ngưỡng để trục lợi. Trong công tác bảo tồn Di sản văn hóa vật thể, nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Hải Hậu được bảo tồn, tôn tạo ngăn chặn xuống cấp kịp thời theo đúng Luật Di sản do các thành viên Chi hội cúng tiến và vận động nhân dân, du khách thập phương phát tâm công đức. Tiêu biểu như: di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Bảo Ninh, xã Hải Phương (Hải Hậu) từ năm 2019 đến nay được đầu tư xây dựng và trùng tu các hạng mục: đường dẫn vào di tích, cổng chào, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, nhà tổ, nhà khách… với kinh phí trên 4 tỷ đồng; Đền Giáp Đàm, xã Hải Bắc (Hải Hậu); Đền Mẫu An Phong, xã Hải Phong (Hải Hậu) được đầu tư hàng tỷ đồng trùng tu tôn tạo. Bên cạnh công tác bảo tồn di tích, Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu tham mưu với Ban quản lý di tích - lịch sử văn hóa các xã, thị trấn tổ chức các lễ hội đúng theo các nghi lễ truyền thống, cung cấp tư liệu lịch sử để các địa phương phục dựng, tái hiện các tích sử thông qua các trò diễn dân gian, dân ca trong lễ hội. Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu còn thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện. Từ năm 2018 đến nay, Chi hội đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trao tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo vượt khó với số tiền trên 150 triệu đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, một số thành viên của Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu đã đóng góp và trao tặng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hải Hậu 10 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa huyện 10 triệu đồng và tập thể y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại Khoa Nội - Bệnh viện đa khoa huyện 10 triệu đồng. Trước đó, một số thành viên Chi hội đã trao tặng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn và xà phòng Lifebuoy với tổng giá trị gần 60 triệu đồng cho cán bộ, nhân dân xã Hải Phương và xã Hải Thanh. Để có những thành công, hiệu quả hoạt động bước đầu của Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu như hiện nay phải kể đến những thành viên đặt nền móng và tích cực đóng góp như bà Nguyễn Thị Bảy và các ông: Vũ Thanh Bình, Bùi Đức Hiền, Nguyễn Văn Kiên, Đặng Đình Mậu, Đỗ Văn Tỉnh… Ông Vũ Thanh Bình là người có trên 20 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Là Chi hội trưởng Chi hội Di sản Văn hóa Hải Hậu ông luôn gương mẫu trong thực hiện các phong trào, quan tâm hướng dẫn các thành viên mới việc hầu Mẫu, hầu Thánh theo lối cổ. Ông Bình chia sẻ: Trong hầu Thánh, Mẫu, ông luôn chỉn chu từ trang phục đến cung văn, thực hành đảm bảo tôn nghiêm… trong mỗi giá hầu thể hiện sự thành kính, ca ngợi công ơn của các vị Thánh, Mẫu; tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng, anh hùng dân tộc đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa vật thể và phi vật thể, ông đã tham gia nhiều liên hoan thực hành Nghi lễ Chầu văn, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng này cho nhân dân và du khách trong và ngoài nước; cùng nhân dân các địa phương phát tâm trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử - văn hóa có dấu hiệu xuống cấp. Tâm niệm “gắn đạo (Mẫu) với đời”, từ năm 2009 đến nay năm nào ông cũng có những chương trình từ thiện riêng, tặng quà, xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… Với những đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, ông Vũ Thanh Bình đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam; các cấp khen thưởng về công tác trợ giúp nạn nhân chất độc da cam và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa…

Thời gian tới, Chi hội Di sản Văn hóa huyện Hải Hậu chú trọng công tác phát triển hội viên; tổ chức các lớp học truyền dạy hát Chầu Văn, nhạc cụ dân tộc; động viên các hội viên tích cực tuyên truyền, quảng bá Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tích cực phối hợp cùng các địa phương tham gia tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa theo đúng Luật Di sản; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần giúp đỡ những mảnh đời khó khăn bất hạnh trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com