Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

04:10, 04/10/2019

Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện (gồm Chùa Keo trong và Chùa Keo ngoài) xã Xuân Hồng (Xuân Trường) nổi tiếng là ngôi chùa cổ linh thiêng; là điểm đến thưởng ngoạn thắng cảnh, nghiên cứu và sinh hoạt tâm linh của du khách thập phương. Bên cạnh giá trị kiến trúc, lịch sử của di tích, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2963/QĐ-BVHTTDL ngày 27-8-2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là niềm tự hào của nhân dân Nam Định, đồng thời là cơ sở khoa học để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện nói riêng, di sản văn hóa dân tộc nói chung.

Chùa Keo làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) thu hút lượng lớn du khách dịp lễ hội truyền thống.
Chùa Keo làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) thu hút lượng lớn du khách dịp lễ hội truyền thống.

Ngày nay, người dân Hành Thiện còn lưu truyền câu ca dao về lễ hội Chùa Keo để nhắc nhở con, cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên: “Dù ai ngang dọc Tây Đông/Ngày rằm tháng Chín hội Ông nhớ về/ Dù ai bận rộn trăm nghề/ Ngày rằm tháng Chín nhớ về hội Ông”. Theo hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện gắn liền với việc thờ phụng thiền sư, quốc sư Dương Không Lộ, người có công cứu nước giúp dân, dạy dân nghề chài lưới, nông nghiệp, nghề đúc đồng, nghề làm thuốc… Thiền sư Dương Không Lộ sinh ngày 14 tháng chín năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), mất ngày 3 tháng sáu năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội Phong thứ 3 (1094) đời Lý Nhân Tông, thọ 79 tuổi. Trong tâm thức dân gian người dân làng Hành Thiện, Thiền sư Dương Không Lộ được tôn làm Thánh Tổ, là vị Thành hoàng, vị phúc thần bảo an. Do thiền sư không có đệ tử truyền thừa, Chùa Keo Hành Thiện không có sư trụ trì, vì vậy việc thực hành các nghi lễ trong lễ hội đều do dân làng cử người đảm nhiệm. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện hàng năm diễn ra 2 kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng hai tại Chùa Đĩnh Lan (Keo ngoài) với các các nghi lễ: Dâng hương, rước kiệu, yến lão… Trong đó, đặc sắc nhất là lễ “Yến lão” cho các cụ ông, cụ bà từ 70 tuổi trở lên vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Đây là mỹ tục mang đậm truyền thống nhân văn, thể hiện đạo lý tôn kính người cao tuổi. Về quy định trang phục: các lão ông, lão bà từ 90 tuổi trở lên mặc trang phục màu vàng; 80 tuổi mặc trang phục màu đỏ và 70 tuổi mặc trang phục màu tím. Hiện nay, lễ yến lão được UBND xã Xuân Hồng tổ chức tại sân vận động xóm 7, xã Xuân Hồng vào ngày 14-2 âm lịch. Từ sáng sớm, các cụ ông, cụ bà được con cháu rước ra khu vực tổ chức làm lễ với sự có mặt của đông đảo nhân dân, con cháu từ khắp mọi miền đất nước trở về mừng thọ ông, bà, cha mẹ. Sau phát biểu, trao quà của lãnh đạo UBND xã Xuân Hồng, các cụ được rước lên Chùa Thần Quang (Chùa Keo trong) làm lễ dâng hương Đức Phật, Đức Thánh Tổ. Trong nhiều năm gần đây, đời sống kinh tế dân làng Hành Thiện nâng cao, lễ yến lão được nhiều gia đình tổ chức long trọng, là dịp để con cháu khắp nơi hội tụ về quê hương, gia đình để tri ân công lao dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Lễ yến lão của làng Hành Thiện là một nét đẹp văn hóa được nhân dân duy trì và phát triển, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Lễ hội mùa thu trước kia được nhân dân làng Hành Thiện tổ chức từ ngày 10 đến 16 tháng chín âm lịch. Hiện nay, các nghi lễ chính trong lễ hội được tổ chức trong các ngày từ ngày 12 đến 15 tháng chín. Trước ngày tổ chức lễ hội, Ban quản lý phối hợp với các pháp sự tổ chức bao sái tượng thờ, các đồ thờ, nghi trượng; nhân dân tổ chức lao động vệ sinh trong và ngoài khu vực nội tự… Ở phần lễ, các nghi lễ cổ vẫn được bảo tồn như: trình Phật, Thánh, Phụng nghinh, phục miều (triều y), dựng phan (phướn), Thánh đản và khoa giáo rối, lễ tạ. Trong đó, đặc sắc nhất là Nghi lễ Thánh đản và khoa giáo rối nhằm tái hiện ngày sinh của Đức Thánh Tổ Dương Không Lộ. Nghi lễ này được tổ chức vào 23 giờ ngày 14 tháng chín tại cung thờ Thánh Tổ. Trên nhang án, Ban tổ chức sắp đặt các lễ nghi, phẩm vật dâng Thánh gồm: đỉnh trầm, hoa quả tươi, trà sen và nhiều vật phẩm mỹ nghệ bằng bạc chạm trổ tinh xảo. Hiện nay, nghi lễ này do pháp sự Vũ Ngọc Thắng thực hành với các khoa: thỉnh Phật, tiếp linh, triệu linh, hiến Thánh lược nghi. Nội dung các lời hát là lời cổ, ca ngợi công đức của Thánh Tổ Dương Không Lộ. Sau khi làm lễ Thánh đản, các pháp sự thực hành khoa giáo rối (múa rối, Thánh tượng) để thể hiện sự cứu khổ, cứu nạn của Đức Thánh Tổ đối với chúng sinh. Bộ rối gồm 7 đầu tượng gồm: 1 “cô tiên”; 6 tượng rối thể hiện các trạng thái tình cảm khác nhau của con người. Khi thực hành có 4 người múa rối gồm: 1 người múa cô tiên và 3 người múa 6 đầu rối. Các bài hát múa rối hát theo điệu trống quân và các làn điệu chèo nhằm ca ngợi đất nước thanh bình và kể sự tích của các đầu Thánh rối. Tuy nhiên do các lời bài múa rối theo lối ca cổ, làn điệu phức tạp (trống quân, ca trù) theo từng nhịp, đồng thời phải là người hiểu rõ các tích truyện và thứ tự trình diễn nên ít thầy pháp sự có thể thực hành thuần thục. Bên cạnh các nghi lễ, trong phần hội, nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện dịp tháng chín được gìn giữ như: Bơi trải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng, leo cầu ngô bắt vịt, múa sư tử… Trong đó độc đáo nhất là môn thể thao dân gian bơi trải đứng tổ chức đua giải diễn ra vào ngày 12 và 15 tháng chín. Hội bơi trải mang ý nghĩa nhắc nhở nghề chài lưới thời niên thiếu của Đức Thánh Tổ. Trong lễ hội, cả 15 thuyền trải của các xóm trong làng đều tham gia. Mỗi đội thuyền trải có 10 người gồm 1 người lái và 9 người chèo. Những người được tuyển chọn phải là nam giới, thạo nghề sông nước, có sức khỏe và độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi; đồng thời trong năm gia đình không có tang. Trường hợp gia đình có tang mà đội trải không có người thay thì phải chít khăn xanh, để phân biệt với các thành viên khác. Ngoài yếu tố sức khỏe, sự dẻo dai và tinh thần đoàn kết, việc sắp xếp đội hình trong bơi thuyền trải đóng vai trò quan trọng. Đội thuyền thắng cuộc là đội có sức khỏe và phải phối hợp đồng đều, trong đó người lái đóng vai trò quan trọng trong bố trí đội hình, tính hướng gió, dòng nước, con nước để chỉ đạo… Để đảm bảo sự công bằng, các thuyền trải đều đóng theo một mẫu thiết kế thống nhất. Thuyền hình thoi dài và đạt các thông số về kỹ, mỹ thuật. Trước khi vào cuộc đua ông chủ hội cùng các đội vào làm lễ Phật, Thánh, sau đó đưa thuyền ra sông con trước chùa. Ông chủ hội đọc bài truyền về kỷ luật và thể lệ cuộc đua. Đường đua khoảng 30km đến 40km. Khi về đích bắt giải, trải phải đâm vào gốc nêu theo số thứ tự ngược lúc xuất phát; xuất phát từ nêu đầu sẽ đâm nêu cuối và ngược lại… Vì thế trên đường về trong sông con, trải đi sau có thể đâm nêu sớm hơn trải đi trước, gọi là bắt đè. Sau khi các trải về đích, các đội quay về chùa lễ tạ Phật, Thánh và nhận giải thưởng. Giải thưởng tuy chỉ là những cặp bánh dày cùng một số tiền nhỏ nhưng mỗi thành viên thi trải đều tự hào bởi được lựa chọn tham gia.

Từ xa xưa, người dân Hành Thiện luôn chú trọng giáo dục truyền thống văn hóa, quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ “kế thừa” di sản. Điều đó được thể hiện ở hoạt động dành cho thiếu niên, trong đó có trò trải cò cốc và rước đèn. Theo lệ làng, các xóm giành chiến thắng trong đua trải đứng ngày 15-5 âm lịch năm trước lựa chọn 10 thiếu niên, trong đó có 1 người lái và 9 người trải tham gia trải cò cốc. Những người trải ngồi chèo xung quanh hồ nước trước chùa. Việc tổ chức trải cò cốc nhằm tái hiện nghề chài lưới của Thánh Tổ Không Lộ, đồng thời thể hiện sự kế thừa của thế hệ trẻ là những hạt nhân tham gia bơi trải đứng trong tương lai. Hoạt động rước đèn do học sinh Trường Tiểu học A Xuân Hồng thực hiện. Địa điểm rước đèn xuất phát từ đình làng Hành Thiện ven theo đường làng lên Chùa Thần Quang (Keo trong) quanh bờ hồ 2 vòng, sau đó tập trung ở sân chùa. Tại sân chùa, những học sinh có thành tích xuất sắc được chính quyền địa phương trao phần thưởng để động viên các cháu chăm ngoan học giỏi, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Bên cạnh các nghi lễ và phần hội đặc sắc, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện còn có các lễ vật dâng cúng là các sản vật nông nghiệp như: hoa quả, trà, oản, bánh dầy… Trước đây, việc làm bánh dầy được giao cho các phe (giáp) thực hiện. Các phe (giáp) lựa chọn cắt cử người xay thóc, giã gạo nếp cái hoa vàng… Hiện nay, việc làm bánh dầy của dân làng Hành Thiện vẫn được duy trì tại lễ hội tháng chín và lễ trương yến vào ngày 14 tháng hai. Việc làm bánh dầy được chuyên môn hóa, sử dụng nguồn nước sạch tại chỗ. Số lượng bánh dầy làm ra trong lễ hội tháng chín lên tới hàng nghìn chiếc. Đây là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu để tạ ơn Thánh Tổ sau một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền thực hiện các dự án, chương trình nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy hợp lý, có hiệu quả giá trị của khu di tích. Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội theo Luật Di sản văn hoá. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư địa phương, lễ hội ngày càng được tổ chức trang trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ truyền thống. Như vậy, với việc lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tính đến nay tỉnh ta hiện có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó khẳng định Nam Định là một trong các vùng đất khởi nguồn, sáng tạo, hội tụ và lưu giữ nhiều di sản văn hoá của dân tộc. Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ cộng đồng phục dựng một số nghi lễ truyền thống trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện. Nghiên cứu tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, xuất bản các sách giới thiệu về di tích và lễ hội Chùa Keo Hành Thiện. Xây dựng và triển khai chương trình kết nối các di sản văn hóa, trong đó có di tích và lễ hội Chùa Keo Hành Thiện tại khu vực và trên địa bàn toàn tỉnh, tạo thành các điểm đến tham quan, trải nghiệm, góp phần phát triển du lịch địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com