Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang: Đạo diễn đa tài của sân khấu kịch

08:09, 27/09/2019

Hơn 40 năm gắn bó với sân khấu kịch, từ diễn viên đến vai trò đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang đã ghi dấu ấn qua hàng chục vở kịch với nhiều giải thưởng tại các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đến nay, dù đã 63 tuổi nhưng ông vẫn đam mê lao động sáng tạo nghệ thuật.

Đạo diễn, nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang đến nay có hơn 40 năm gắn bó với sân khấu kịch.
Đạo diễn, nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang đến nay có hơn 40 năm gắn bó với sân khấu kịch.

Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang nguyên là Trưởng Đoàn Kịch nói tỉnh (từ 1990 đến 2012), nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (từ 2012 đến 2017). Con đường đến với nghệ thuật của ông bắt đầu từ năm 1973, sau khi vào học tại Trường Nghệ thuật thuộc Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị. Năm 1974, ông chuyển về Đoàn văn công quân giải phóng Tây Nguyên biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội ở chiến trường thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Khu vực Trung Trung Bộ, Quân khu V, Quân khu VII… Năm 1976, sau khi xuất ngũ, ông về công tác ở Đoàn Kịch nói Hà Nam Ninh. Năm 1978, ông theo học tại Khoa Đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục công tác tại Đoàn kịch nói Hà Nam Ninh rồi lần lượt giữ các chức vụ Phó Trưởng đoàn rồi Trưởng đoàn (1990). Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, dù với vai trò diễn viên hay đạo diễn, Đào Quang đều gặt hái được thành công. Những năm đầu về công tác tại Đoàn Kịch nói Hà Nam Ninh, Đào Quang là diễn viên trẻ tài năng được thử sức với nhiều vai diễn. Trong đó, tiêu biểu là vai Tần trong vở “Bão Biển” (kịch bản Chu Văn). Vở kịch phản ánh về cuộc sống của đồng bào theo đạo Thiên chúa vùng ven biển. Những người dân, những thanh niên trong chế độ mới có tư tưởng tiến bộ, những cán bộ của Đảng từ kháng chiến trở về muốn xây dựng cuộc sống mới no ấm và tốt đẹp phải đấu tranh với những kẻ phản động đội lốt thầy tu, những người nhẹ dạ chống đường lối cách mạng của Đảng và công cuộc lao động của nhân dân. Vai Tần của Đào Quang tuy chỉ xuất hiện 5 cảnh trong vở diễn nhưng để lại ấn tượng rõ nét. Đây là nhân vật tiêu biểu là người tử tế bị lực lượng đội lốt tôn giáo đẩy vào con đường phản động. Vở diễn sau đó được Đoàn Kịch nói Nam Định công diễn ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong vở “Tình yêu cạm bẫy”, Đào Quang với vai diễn “Hiến” tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc các tỉnh duyên hải phía Bắc năm 1987 đã giành Huy chương Vàng. 

Trong vai trò đạo diễn sân khấu, vở kịch đầu tiên ông dàn dựng là vở “Đôi dòng sữa mẹ” (kịch bản: Lưu Quang Vũ). Chuyện kịch kể về một phụ nữ tên Thanh Loan sinh con tại bệnh viện, nhưng khi nhận con lại là một đứa trẻ da đen. Đứa trẻ do cô dứt ruột đẻ ra đã bị nữ y tá Trà My tráo đổi cho Lệ Tuyết, là vợ của một viên trung tá Sài Gòn, nhưng lại cặp bồ và có thai “ngoài ý muốn”. Dù biết đứa trẻ da đen không phải con mình, nhưng bà mẹ Thanh Loan vẫn vượt qua mọi đàm tiếu để nuôi. Cuối cùng Thanh Loan đã tìm được con đẻ của mình. Vở diễn được công diễn gần 200 đêm. Tiếp nối thành công, đạo diễn Đào Quang tiếp tục dàn dựng các vở hài kịch “Đi ngược dòng đời” (tác giả Đặng Trung), “Đám cưới ly biệt” (tác giả Xuân Đức). Năm 1996, vở diễn “Không thể và có thể” tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại tỉnh Ninh Bình đã giành Huy chương Vàng và giải thưởng xuất sắc cho đạo diễn. Cùng năm đó, đạo diễn Đào Quang dựng vở “Lễ tơ hồng cho em” tham dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Duyên hải phía Bắc và giành Huy chương Vàng. Năm 1999, đạo diễn Đào Quang dàn dựng vở “Rừng cháy” và giành giải A của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đạo diễn Đào Quang cho biết: Khi đoàn đưa vở kịch “Rừng cháy” công diễn tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, nhân dân háo hức chào đón nhưng những kẻ phá rừng cũng đến xem với âm mưu phá đêm diễn bởi đây là vở diễn có đề tài đấu tranh chống tiêu cực. Tiếp đó, những vở diễn nóng hổi mang tính thời sự khác do ông dàn dựng lần lượt ra đời, như: “Đợi đến mùa xuân”, “Sau cơn dông”, “Vàng đen”, “Đảo cô đơn”, “Mê cung”…

Đạo diễn Đào Quang đặc biệt thành công về đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân. Tiêu biểu như các vở: “Ai là thủ phạm” (Kịch bản: Lưu Quang Vũ); “Họa mi lại hót”, “Thành Hoàng làng” (Kịch bản: Giang Phong), “Hải Âu trắng” (Kịch bản: Nguyễn Quang Vinh). Vở diễn “Ai là thủ phạm” tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ I đã giành Huy chương Bạc cho vở diễn và 2 Huy chương Vàng cho diễn viên. Vở diễn bàn về vấn đề đạo đức của con người đang bị chi phối, ảnh hưởng bởi các thế lực “ô, dù”. Hình tượng cán bộ Công an nhân dân trong vở diễn được xây dựng qua nhân vật Trung tá Đính với phẩm chất quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, vận động, thuyết phục các đối tượng xấu hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ... Tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ III, vở diễn “Thành hoàng làng” là tác phẩm sân khấu đầu tiên do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh phối hợp dàn dựng theo phương châm “Xã hội hóa”. Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang cho biết: Nội dung vở diễn đề cập tới vấn đề an ninh nông thôn và văn hóa làng. Chuyện kịch xoay quanh việc làng Lẻ bị mất cắp tượng Thành hoàng làng, gây tâm lý bất an trong đời sống tâm linh của nhân dân địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng Công an đã mưu trí, dũng cảm cùng với nhân dân đưa kẻ phạm pháp ra ánh sáng pháp luật. Vở diễn đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác trong xã hội; ca ngợi phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân. Vở diễn đã giành giải Nhì của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, giải C của Ban Tuyên giáo Trung ương và 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc cho diễn viên. Vở diễn “Hải Âu trắng” (kịch bản: Nguyễn Quang Vinh) đề cập đến những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của xã hội; ca ngợi tình yêu, tình đồng chí đồng đội; xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”... Vở diễn “Hải Âu trắng” thành công bởi cuốn người xem vào tình huống và số phận của từng nhân vật. Cách thức dàn dựng vở diễn uyển chuyển, linh hoạt đã tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng khán giả. Dự kiến vở diễn “Hải Âu trắng” sẽ tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV (năm 2020) do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Ở Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang, các vở diễn do ông dàn dựng đều toát lên chất lãng mạn, hướng người xem đến những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Bên cạnh hoạt động đạo diễn sân khấu kịch, ông còn từng đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh; Tổng đạo diễn chương trình chống bạo loạn gây rối của Bộ Công an tại Nam Định; Phó Tổng đạo diễn chương trình 710 năm ngày mất Đức Thánh Trần… 

Hiện nay, tuy tuổi ngoài lục tuần nhưng ông vẫn hăng say lao động sáng tạo nghệ thuật. Ông hiện là Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com