Xuân Hồng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá làng quê

04:08, 23/08/2019

Xã Xuân Hồng (Xuân Trường) là vùng quê “đất chật, người đông” với trên 18 nghìn khẩu ở 37 xóm. Là vùng quê “địa linh nhân kiệt”, nơi đây hội tụ nhiều giá trị văn hoá truyền thống: phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội gắn với thiết chế văn hoá cổ. Trong những năm thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ, UBND xã Xuân Hồng đã tập trung chỉ đạo gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế.

Thi kéo co trong lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng.
Thi kéo co trong lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng.

Phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá” được Đảng uỷ, UBND xã tập trung chỉ đạo gắn việc thực hiện với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để giữ gìn mối quan hệ bền chặt giữa các gia đình, làng xóm, xã chỉ đạo các xóm kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ để sửa đổi, bổ sung thành quy ước nếp sống văn hoá, phù hợp với điều kiện địa phương. Việc thực hiện quy ước nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hoá của xã luôn đạt từ 75-80%; cả 37 xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”. Làng Hành Thiện là vùng đất cổ. Theo “Hành Thiện xã chí” thì làng Hành Thiện được thành lập vào đầu thế kỷ XVI có tên là “Hành Cung Trang”. Năm 1823, Vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa là “nơi chỉ làm những điều lành, việc thiện” và ban cho làng 4 chữ “Mỹ, Tục, Khả, Phong”. Ngay từ thuở khai hoang, lập ấp, nơi đây nổi tiếng là đất học của cả nước và được các triều vua vinh danh là “Làng khoa bảng”. Truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện xuất phát từ nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ. Về Hành Thiện, cảm nhận chung của khách thập phương là cuộc sống của những gia đình nông dân còn nhiều vất vả nhưng gương mặt họ đều ánh lên niềm tự hào vì có con em học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học. Hàng năm, làng có trên 200 con em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Từ nhiều năm nay, việc thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang ở làng Hành Thiện được người dân tự giác chấp hành. Các đám cưới, đám tang được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm. Người dân Hành Thiện làm nhiều nghề, trong đó có nghề ươm tơ, dệt lụa, mây tre đan truyền thống. Ngoài ra, xã phát triển thêm các nghề: cơ khí, mộc, làm gạch, nung vôi, sản xuất thảm, chiếu cói, chế biến nông sản… Ở Xuân Hồng, bản sắc văn hoá làng xã được thể diện rõ nét qua các hình thức sinh hoạt nghệ thuật truyền thống. Trong đó, nghệ thuật hát văn đã trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng. Câu lạc bộ hát văn Hành Thiện được thành lập năm 2011, có từ 10-15 thành viên hoạt động tự nguyện. Các bài hát văn được các thành viên trong câu lạc bộ soạn lời mới có giai điệu vui tươi, trong sáng, mang âm hưởng trữ tình, sâu lắng, nội dung ca ngợi quê hương, đất nước. Ngoài việc biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương nhân dịp lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, câu lạc bộ còn diễn xướng cùng với các giá hầu đồng tại các đền, phủ, miếu linh thiêng ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản... Cùng với hát văn, nghệ thuật hát chèo ở Xuân Hồng từ lâu cũng được người dân gìn giữ và phát triển ở các làng: Tiên Dũng, Phú Thuỷ, Hồng Thiện, Lục Thuỷ, Phú Yên. Hằng năm, âm vang của các làn điệu chèo truyền thống vẫn vang lên trong các ngày diễn ra lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hoá: Đền Ngọc Tiên, Đền - Chùa Xuân Thiện, Đình Lục Thuỷ, Đình Hạ Thiện… Hội Già Lam Hành Thiện thành lập từ những năm 1940 gồm những nhạc công cao niên chơi nhạc cụ dân tộc phục vụ các khóa lễ của chùa làng với các bài nhạc tế, lễ truyền thống. Mỗi khi có hội Chùa Keo, hội Thánh, hội Mẫu, âm vang của tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn của Hội Già Lam Hành Thiện lại cất lên rộn rã. Các hội, câu lạc bộ âm nhạc truyền thống ở Xuân Hồng không chỉ là sân chơi bổ ích của người cao tuổi mà còn là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá dân tộc. Trên địa bàn xã hiện có 4 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó Chùa Keo Hành Thiện là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt. Những năm qua, các di tích ở Xuân Hồng đã được trùng tu, tôn tạo theo kiến trúc gốc. Tại các di tích đều thành lập ban quản lý, ban bảo vệ để gìn giữ, phát huy giá trị các công trình văn hoá tín ngưỡng. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được tổ chức mỗi năm 2 lần vào dịp Tết Nguyên đán và từ ngày 10 đến 15-9 (âm lịch) nhân kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh tổ Không Lộ - người có công dạy dân nghề nông, ngư nghiệp, thủ công nghiệp. Ngoài những nghi thức, lễ tiết mang tính tôn giáo, hội tháng 9 còn là nơi hội tụ của những sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân nông nghiệp lúa nước với các trò chơi dân gian như: bơi chải đứng, ném pháo, bắt vịt, leo cầu ngô, tổ tôm điếm, múa rối nước, rối cạn, chọi gà, biểu diễn Thái cực trường sinh đạo, ngâm thơ, hát chèo, hát văn… Ở làng Ngọc Tiên, trong những ngày diễn ra lễ hội (từ 12 đến 15 tháng Giêng), ngoài tế, lễ, rước kiệu còn có các hoạt động văn hóa truyền thống như: dựng cây nêu, đánh đu, leo cầu ngô, bắt vịt, bốc bồi, cờ bỏi, kéo co...

Trong quá trình đô thị hoá, đời sống của người dân nông thôn có nhiều thay đổi do tác động của mặt trái cơ chế thị trường nhưng bản sắc văn hoá làng quê ở Xuân Hồng vẫn luôn được các thế hệ người dân gìn giữ, kế thừa và phát huy. Văn hóa truyền thống đã trở thành chất keo gắn kết cộng đồng giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc, làng, xã. Chính sự hòa hợp đó đã tạo nên sự ổn định, bền vững cho sự phát triển về mọi mặt của địa phương trong xây dựng nông thôn mới hôm nay./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com