Sân khấu Nam Định với các vở diễn về đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân

06:08, 16/08/2019

Vừa qua, Đoàn Kịch nói thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định công diễn vở kịch “Hải Âu trắng” (Tác giả kịch bản: Nguyễn Quang Vinh; đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang). Hội trường Trung tâm Văn hóa 3-2 chật kín khán giả. Các diễn viên: Nghệ sĩ Ưu tú Thùy Linh (vai Hương), Hồng Ngát (vai Thúy), Quang Nhất (vai mật danh H5), Quốc Chín (vai Quang)... đã thể hiện thành công các nhân vật trong vở diễn. Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang cho biết: Vở diễn “Hải Âu Trắng” đề cập đến những vấn đề bức xúc, nóng bỏng của xã hội; ca ngợi tình yêu, tình đồng chí đồng đội; xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”... Trong vở diễn, Quang - một thanh niên trí thức đã dũng cảm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Quân - kẻ buôn bán ma túy. Sau khi trốn trại, Quân đã lên kế hoạch và dùng mọi thủ đoạn để ép Quang trở thành đồng phạm, làm bình phong cho hoạt động buôn bán ma túy. Hình tượng chiến sĩ Công an nhân dân với những cảm xúc đời thường được khắc họa rõ nét trong nhân vật Hương - đội trưởng đội hình sự, người yêu của Quang. Trước việc người yêu bị lôi kéo, ép buộc các hành vi vi phạm pháp luật, Hương tìm cách để Quang giác ngộ, quyết không thỏa hiệp với tội phạm. Hương đã cùng đồng đội triển khai các biện pháp nghiệp vụ và bị thương nặng khi triệt phá ổ nhóm buôn ma túy. Hình tượng người chiến sĩ công an còn được khắc họa qua nhân vật Thúy và H5. Thúy luôn bên cạnh và đưa ra những lời khuyên chân thành cho Hương, thể hiện tình bạn, tình đồng chí trong sáng, thủy chung. Cán bộ công an với mật danh H5 là một đại tá công an nhưng toát lên phong thái giản dị, lăn lộn với nghề nghiệp, có tài thuyết phục tội phạm... Vở diễn lôi cuốn người xem vào những tình huống và số phận của từng nhân vật. Vở diễn sẽ tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV (năm 2020) do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Một cảnh trong vở diễn “Hải Âu trắng” (Tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Quang Vinh; đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang) của Đoàn Kịch nói - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Nam Định.
Một cảnh trong vở diễn “Hải Âu trắng” (Tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Quang Vinh; đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang) của Đoàn Kịch nói - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Nam Định.

Trước đó, Đoàn Kịch nói Nam Định đã gặt hái nhiều thành công trong các vở diễn về đề tài chiến sĩ Công an nhân dân, tiêu biểu như các vở: “Ai là thủ phạm” (Kịch bản: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang); “Họa mi lại hót”, “Thành Hoàng làng” (Kịch bản: Giang Phong; đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Đào Quang), “Phía sau vụ án” (Kịch bản: Vũ Xuân Cải; đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Trần Nhượng). Vở diễn “Ai là thủ phạm” tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ I giành 1 Huy chương Bạc vở diễn, 2 Huy chương Vàng cho diễn viên. Vở diễn với những thắt, mở nút bàn về vấn đề đạo đức của con người đang bị chi phối, ảnh hưởng bởi các thế lực “ô, dù”. Ở đó, Vinh - một thanh niên trẻ, đầy cá tính trong một phút bốc đồng đã phạm phải sai lầm, phải vào trại cải tạo. Bên cạnh Vinh, những người bạn là Ngọc, Thịnh - con của hai gia đình khá giả, quyền chức lại “thích nghi” nhanh chóng với những thói xấu của xã hội. Trượt dài trong tội lỗi, đến khi bị cơ quan công an bắt, bố mẹ đã dùng mối quan hệ quyền chức và tiền bạc định “thay trắng, đổi đen”. Hình tượng cán bộ công an trong vở diễn được xây dựng qua nhân vật Trung tá Đính với phẩm chất quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, vận động, thuyết phục các đối tượng xấu hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống...

Tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ III, vở kịch nói “Thành hoàng làng” là tác phẩm sân khấu đầu tiên do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh phối hợp dàn dựng theo phương châm “Xã hội hóa”. Nội dung vở diễn đề cập tới vấn đề an ninh nông thôn và văn hóa làng. Chuyện kịch xoay quanh việc làng Lẻ bị mất cắp tượng Thành hoàng làng, gây tâm lý bất an trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng Công an đã khôn khéo, mưu trí, dũng cảm cùng với nhân dân đưa kẻ phạm pháp ra ánh sáng pháp luật. Vở diễn đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác trong xã hội; ca ngợi phẩm chất cao đẹp của Công an nhân dân Việt Nam. Vở diễn đã giành giải Nhì của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, giải C của Ban Tuyên giáo Trung ương và 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc cho diễn viên.

Năm 2016, Nhà hát Chèo Nam Định (nay là Đoàn Chèo thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định) tham gia Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 với vở diễn “Không phải là vụ án” (Kịch bản: Nguyễn Đăng Chương; đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng). Nội dung vở diễn đi sâu khai thác công việc, cuộc sống, những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an tại trại giam. Họ là người thi hành nhiệm vụ nhưng cũng là người bạn, người thầy “đặc biệt” trong quá trình cải tạo của phạm nhân trong trại giam. Ngoài ra, trong cuộc sống đời thường họ cũng có những tâm tư, khúc mắc ảnh hưởng đến công việc, nếu không tỉnh táo có thể dẫn đến sai lầm. Bằng trách nhiệm và bản lĩnh của mình, họ đã đấu tranh vượt lên để hoàn thành tốt công việc được giao... Bằng cách kể chuyện gần gũi, bình dị, dẫn dắt hợp lý và sử dụng nhiều làn điệu chèo truyền thống, vở diễn đã phản ánh tính nhân văn trong công việc của những người chiến sĩ Công an nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực. Vở diễn giành Huy chương Vàng và 3 diễn viên đoạt Huy chương Vàng gồm: Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hằng (vai Duyên), Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Hùng (vai Giám đốc Công an tỉnh), Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Hùng (vai Lương); 3 Huy chương Bạc cho các Nghệ sĩ: Bích Hải (vai mẹ Duyên), Lệ Hằng (vai nữ công an), Xuân La (vai cán bộ quản giáo).

Các vở diễn của các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Nam Định đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân gần đời thực, với nội tâm phong phú, kết tinh hài hòa giữa phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng với truyền thống đạo đức của dân tộc. Từ các vở diễn, các nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho người xem cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống, về cuộc “chiến đấu” khốc liệt của các chiến sĩ Công an nhân dân trên mặt trận chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống yên bình của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com