Các câu lạc bộ văn nghệ ở Trực Ninh

05:07, 26/07/2019

Với hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ, huyện Trực Ninh có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển toàn diện, đồng đều ở cơ sở với 31 câu lạc bộ văn nghệ ở các xã, thị trấn, 125 câu lạc bộ, đội văn nghệ ở các thôn, xóm, tổ dân phố, 27 hội kèn đồng, 37 hội trống… Mỗi câu lạc bộ, đội văn nghệ có từ 20-30 thành viên sinh hoạt tích cực tham gia vào các hoạt động văn hoá, chính trị của huyện nhân các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước như: Ngày thành lập Đảng (3-2), Ngày sinh Bác Hồ (19-5), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9)…

Một buổi luyện tập của Câu lạc bộ chèo xã Liêm Hải.
Một buổi luyện tập của Câu lạc bộ chèo xã Liêm Hải.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Trường, Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện cho biết: Việc đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo nghệ thuật trong nhân dân; qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống làng quê. Một số câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập như luồng sinh khí mới trong thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Tiêu biểu như: Câu lạc bộ chèo xã Liêm Hải, Thị trấn Cát Thành; Câu lạc bộ hát văn thôn Cống Giáp, xã Trực Thuận; Câu lạc bộ đàn hát dân ca làng Nam Lạng, xã Trực Tuấn; Câu lạc bộ thơ Sông Ninh, xã Phương Định; Câu lạc bộ thơ Hương văn, Thị trấn Cổ Lễ… Những buổi biểu diễn, sinh hoạt của các câu lạc bộ văn nghệ ở Trực Ninh tập trung vào các đề tài: Thương binh - Liệt sĩ, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, gương người tốt - việc tốt, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, công cuộc xây dựng nông thôn mới… Ở xã Liêm Hải, nghệ thuật chèo đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng. Năm 2008, Câu lạc bộ chèo Liêm Hải được thành lập. Hàng năm, ngoài phục vụ các nhiệm vụ chính trị, sự kiện ở địa phương, câu lạc bộ còn biểu diễn ở nhiều lễ hội làng truyền thống tại các di tích như: Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ), Chùa Cổ Chất, Chùa Văn Hiến (xã Phương Định), Chùa Đông Hạ (xã Trung Đông), Chùa Lương Hàn, Từ đường Phạm tộc (xã Việt Hùng)… Câu lạc bộ chèo Liêm Hải thường xuyên đại diện cho xã tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện và đạt được thành tích xuất sắc. Ông Nguyễn Viết Nhi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Liêm Hải gia đình có 4 người gồm: vợ chồng ông cùng con gái, con dâu đều là những thành viên tâm huyết và nhiệt tình trong câu lạc bộ. Ông Nhi cho biết: Hiện nay, câu lạc bộ có 25 thành viên, gồm 6 nhạc công và 19 diễn viên. Được sự ủng hộ của người dân trong xóm, ngoài làng và sự hỗ trợ của chính quyền xã về kinh phí hoạt động, đến nay, quỹ hoạt động của câu lạc bộ luôn ổn định từ 40-50 triệu đồng. Câu lạc bộ đã trang bị đầy đủ hệ thống loa, đài, tăng âm, trang phục và nhạc cụ như: đàn tam, đàn nhị, sáo trúc, song loan, lưu, hồ, trống, phách. Ngoài biểu diễn thuần thục các vở chèo cổ: Lưu Bình - Dương Lễ, Tống Trân - Cúc Hoa, Trương Viên, Tấm Cám, Thạch Sanh…, câu lạc bộ còn dàn dựng các chương trình hát văn, ca khúc cách mạng với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước... Ở xã Trực Thuận, Câu lạc bộ hát văn thôn Cống Giáp được thành lập năm 2010, hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Các thành viên trong câu lạc bộ đa dạng nhiều ngành nghề, tuổi từ 35-50 tuổi. Thời gian đầu thành lập, dù thiếu kinh phí hoạt động nhưng các thành viên trong câu lạc bộ vẫn hăng say tập luyện, nâng cao khả năng diễn xuất để biểu diễn phục vụ nhân dân. Câu lạc bộ chèo Thị trấn Cát Thành thành lập năm 2015 có gần 20 thành viên. Ngoài dàn diễn viên giàu kinh nghiệm như các bà: Khánh Vân, Như Hoa, Nguyễn Chanh, Hồng Thanh…, câu lạc bộ còn có dàn nhạc công cao tuổi được nhiều người biết đến như các ông: Nguyễn Thế Phong, Đồng Đình Đàn… Hiện nay, dàn kịch mục của Câu lạc bộ chèo Thị trấn Cát Thành khá phong phú, gồm các hoạt cảnh chèo: “Kỷ niệm nghĩa tình”, “Đắng cay một đoạn đời”, “Câu chuyện người cựu chiến binh”, “Con đường làm giàu”… Ông Nguyễn Thế Phong (62 tuổi), Chủ nhiệm câu lạc bộ không chỉ là người có giọng hát hay mà còn là một tay đàn giỏi. Nhiều loại nhạc cụ dân tộc được ông biểu diễn thuần thục như: sáo, đàn thập lục, nhị, trống… Ngoài ra, ông còn là người chuyên dàn dựng, viết kịch bản cho các tiết mục của câu lạc bộ. Hơn 10 năm qua, nhiều tác phẩm chèo do ông Phong sáng tác và dàn dựng đã đoạt nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh như: “Niềm vui trước lúc lên đường”, “Nghĩa mẹ tình đời”, “Chuyện nhà ông Hám”… Ở xã Trực Tuấn, từ xưa làng Nam Lạng có đội chèo nức tiếng trong vùng. Năm 2011, Câu lạc bộ đàn hát dân ca Nam Lạng được thành lập và duy trì sinh hoạt hàng tháng với 15 thành viên. Trong dịp lễ hội làng Nam Lạng (mồng 6 tháng Giêng) hàng năm đều có chương trình biểu diễn chèo của câu lạc bộ với nhiều tiết mục đặc sắc. Trong câu lạc bộ, các thành viên là nòng cốt trong việc hướng dẫn con, cháu tham gia biểu diễn các tiết mục trong các hội diễn, liên hoan văn nghệ học đường. Đã thành nếp, cứ ngày cuối tuần tất cả con, cháu của các gia đình đam mê nghệ thuật lại tề tựu, sum họp, đến nhà nhau giao lưu văn nghệ.

Ở huyện Trực Ninh, nhiều câu lạc bộ, tổ thơ được thành lập, thu hút đông đảo hội viên người cao tuổi tham gia; tiêu biểu là các xã: Phương Định, Trực Tuấn, Trực Đạo, Trực Cường, Thị trấn Cổ Lễ. Ở xã Trực Tuấn, Câu lạc bộ thơ ca có trên 12 hội viên người cao tuổi. Vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Thơ Việt Nam (15 tháng Giêng) hàng năm, câu lạc bộ tổ chức các buổi bình thơ, ngâm thơ, giao lưu thơ… Các tác phẩm thơ của các hội viên trong câu lạc bộ giản dị, mộc mạc và sâu lắng với chủ đề đa dạng, từ tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương đến tình yêu biển, đảo Tổ quốc. Câu lạc bộ thơ người cao tuổi xã Trực Đạo thành lập từ năm 2003, đã xuất bản gần 20 tập thơ tựa đề “Dấu ấn quê hương”, mỗi tập có từ 40-60 bài thơ của các hội viên, nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước… Câu lạc bộ thơ Hương văn, Thị trấn Cổ Lễ có trên 70 thành viên, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần tại nhà văn hoá tổ dân phố Nghĩa Sơn. Trong các hội nghị, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các đoàn thể thôn, xóm trong xã đều không thể thiếu phần trình diễn các tác phẩm thơ của hội viên câu lạc bộ. Trên địa bàn huyện hiện có 16 nhà thờ giáo xứ và 73 nhà thờ giáo họ với số giáo dân chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Nếu như trước đây nhạc kèn chủ yếu phục vụ các nghi lễ của đồng bào Công giáo thì ngày nay đã mở rộng phạm vi biểu diễn và đối tượng phục vụ. Nhiều địa phương đã thành lập các hội kèn có số lượng từ 30-50 thành viên; tiêu biểu là các xứ, họ đạo: Lác Môn, Lác Phường, Tân Châu, Tân Mỹ (xã Trực Hùng), Tùng Nhì (xã Trực Thắng), An Lãng (xã Trực Chính), Trung Lao (xã Trung Đông), Quỹ Ngoại (xã Trực Mỹ), Ninh Cường, Tây Đường (xã Trực Phú)… Mỗi giáo xứ, giáo họ có một hội kèn đồng và một hội trống hỗ trợ. Người tham gia hội kèn bao gồm cả  nam và nữ, lứa tuổi từ thanh thiếu niên đến khoảng 60 tuổi. Tại lễ hội ở một số di tích lịch sử - văn hoá hàng năm còn có sự tham gia của các hội kèn đồng, trống, với nhiều tiết mục biểu diễn thể hiện tinh thần đoàn kết lương - giáo. Ngoài ra, các hội kèn cùng với hội trống tích cực tham gia vào các hoạt động, sinh hoạt âm nhạc xã hội nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, ngày hội văn hoá, thể thao truyền thống tại địa phương.

Phong trào văn nghệ quần chúng ở Trực Ninh phát triển đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bồi đắp, phát huy nhân tố con người, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com