Mỹ Hưng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

05:06, 14/06/2019

Xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) có 10 xóm với trên 2.200 hộ dân. Ngoài nghề mây tre đan truyền thống, hiện 70% hộ dân trong xã phát triển các ngành nghề: dịch vụ, may mặc, mộc, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Mỹ Hưng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, phát huy sức mạnh nội lực của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thiếu nhi làng Bái, xã Mỹ Hưng chơi cờ tướng tại Nhà văn hoá xóm 8.
Thiếu nhi làng Bái, xã Mỹ Hưng chơi cờ tướng tại Nhà văn hoá xóm 8.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Đảng ủy xã Mỹ Hưng đã có nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Cùng với việc phát động đăng ký thi đua xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa trong các xóm, UBND xã tổ chức các hội nghị tuyên truyền về công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các đoàn thể ở địa phương. Việc phát huy tính chủ động và trách nhiệm của các ngành, đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân đã tạo nên những kết quả đáng khích lệ trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Mỹ Hưng. Vào Ngày hội đại đoàn kết toàn dân (18-11) hàng năm, xã tổ chức bình xét, công nhận, tuyên dương các gia đình văn hoá tiêu biểu. Toàn xã hiện có 9/10 xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt trên 86,4%. Trong  xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ, UBND xã đã tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, nhân dân về tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hoá). Xã đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà văn hoá, sân thể thao. Đến nay, cả 10 xóm đã xây dựng được nhà văn hoá, khuôn viên vui chơi, sân cầu lông, bóng chuyền, bóng đá với diện tích rộng từ 1.000-1.500m2. Hiện nay, các loại hình câu lạc bộ ở xã đang có sức lan tỏa trong các xóm và duy trì sinh hoạt đều đặn ở các nhà văn hoá. Các câu lạc bộ, tốp, đội văn nghệ ở xã được thành lập, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Xã Mỹ Hưng hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống; trong đó có các làn điệu dân ca, dân vũ. Kế thừa truyền thống văn hoá của quê hương, phong trào văn hoá, văn nghệ ở khắp các thôn, xóm ngày càng phát triển. Xã có 1 câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở xóm 2 (làng Thượng), 3 đội múa rồng ở xóm 2 (làng Thượng) và xóm 3 (làng Hạ), 1 câu lạc bộ thơ ca người cao tuổi và 9 tốp văn nghệ quần chúng. Làng Thượng (Đặng Xá) được coi là chiếc nôi của phong trào văn nghệ quần chúng. Từ đầu thế kỷ XX, làng Đặng Xá cùng các làng: Quang Sán (xã Mỹ Hà), Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận) là 3 làng chèo nổi danh, nức tiếng xa gần. Câu lạc bộ văn nghệ dân gian làng Thượng (tiền thân là gánh chèo Đặng Xá) có 11 người là các hội viên cao tuổi. Cụ Đặng Mạnh Yêu (87 tuổi), Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Ban đầu khi mới thành lập, gánh chèo Đặng Xá có số lượng thành viên đông đảo với trên 30 người. Các thành viên trong gánh chèo đã mang những làn điệu chèo cổ đi khắp các thôn, xã trong và ngoài tỉnh để biểu diễn phục vụ nhân dân. Hiện nay, câu lạc bộ văn nghệ dân gian làng Thượng tuy không còn sôi nổi như trước nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định. Câu lạc bộ có những thành viên tuy cao tuổi nhưng vẫn đam mê và tâm huyết với nghề. Câu lạc bộ vẫn luyện tập và biểu diễn vào các dịp hội làng tháng Giêng và tháng tám âm lịch, kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ (19-5), Quốc khánh (2-9), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10)… Bên cạnh hàng chục vở chèo cổ như: “Trương Viên”, “Quan Âm - Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Trần Quốc Toản ra quân”..., nhiều vở chèo mới được câu lạc bộ dàn dựng để phục vụ nhân dân như: “Nắm cỏ trâu”, “Trên nương dâu”, “Nồi cơm ai nấu”, “Song tấu”, “Bão biển”, “Đường về trận địa”, “Tiễn anh lên đường”, “Chống lầy”… Trên địa bàn xã có gần 20 di tích, bao gồm hệ thống đình, đền, chùa, miếu dày đặc; trong đó Miếu Thượng thờ 5 vị công chúa từ thời Lê Hiển Tông (1740) đến thời Duy Tân (1909) là: Quỳnh Phi, Thục Dương, Trần A, Vương Ba, Đường Cao được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 2006. Lễ hội hàng năm tại di tích diễn ra vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Ngoài phần lễ trang trọng, phần hội có diễn chèo, múa rồng, vật võ, cờ bỏi… Múa rồng là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc có ở Mỹ Hưng trên 100 năm. Hiện nay, 2 đội múa rồng làng Thượng mỗi đội có trên 30 thành viên, thường xuyên tổ chức biểu diễn trong các dịp Tết Trung thu, Lễ Phật đản, Tết Nguyên đán và dịp mừng thọ các cụ cao tuổi trong xã. Là vùng quê có truyền thống võ vật nên các thành viên trong đội thực hiện được nhiều điệu múa khó như “Rồng phun lửa”, “Rồng chầu”, “Rồng vờn mây”... Ngoài 2 đội rồng ở xóm 2 (làng Thượng), xã Mỹ Hưng còn 1 đội rồng ở xóm 1 (làng Phủ Điền). Khác với đội rồng làng Thượng (rồng đực) gồm các thành viên nam, đội rồng làng Phủ Điền (rồng cái) có gần 30 thành viên đều là nữ. Cứ gần đến dịp hội hè, đình đám, các thành viên trong đội lại gác lại những công việc đồng áng, cùng nhau chuẩn bị tập luyện những màn múa rồng uốn lượn, uyển chuyển hoà cùng tiếng trống, tiếng chiêng vang rộn khắp làng.

Thành công trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở xã Mỹ Hưng là nền tảng vững chắc để địa phương phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com