Đổi mới báo chí trước thách thức của mạng xã hội

08:06, 21/06/2019

Mạng xã hội với tính chất nhanh nhạy, rộng khắp và phạm vi tương tác đa chiều, không phân biệt không gian, thời gian và đang tác động mạnh mẽ tới toàn xã hội, trong đó có báo chí. Thực tế, mạng xã hội đang thu hút khá rộng rãi công chúng và có sự tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, cũng như trở thành một nguồn tin trong báo chí. Ở nhiều cơ quan báo chí, nhà báo sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin, là nguồn cung cấp tin, bài cho bạn đọc. Như vậy, vai trò cung cấp thông tin không còn là độc quyền của riêng các cơ quan báo chí nữa mà thêm vào đó có vai trò của mạng xã hội, nơi cung cấp thông tin nhanh, trực tiếp đến công chúng.

I. Thách thức của mạng xã hội

Trước đây, nói đến báo chí là nói đến kênh thông tin thời sự nhanh nhạy, phổ biến sâu rộng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước sự phát triển của mạng xã hội với sự linh hoạt, nhạy bén trong việc cập nhật những thông tin mới ở tất cả các mặt đời sống của người dân, báo chí đã gặp phải sức ép về cạnh tranh thông tin. Với sự đông đảo thành viên trong mạng xã hội, nếu có sự kiện nào được coi là quan trọng xảy ra thì ngay lập tức trên mạng xã hội đã có. Trong khi đó, một cơ quan báo chí với số lượng phóng viên, cộng tác viên có hạn nên không thể nắm bắt ngay những thông tin nóng hổi diễn ra mọi lúc mọi nơi. Tại hội thảo “Những yếu tố làm cho báo chí địa phương không thua mạng xã hội” do Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức cuối tháng 5-2019 vừa qua, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí đã thống nhất với nhận định: Báo chí chính thống hiện vẫn còn một số hạn chế: Thứ nhất là thông tin chậm. Thứ hai là thông tin đơn điệu, khô cứng, mang tính hiếu hỷ, lễ tân, ít thiết thực với công chúng. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho báo chí địa phương phải cạnh tranh với mạng xã hội trong việc thu hút bạn đọc, người xem truyền hình. Thực tế hiện nay, lớp trẻ ngày càng ít đọc báo in, xem chương trình truyền hình vì nhiều tin, bài, phóng sự thường chậm, dài dòng. Có nhiều thông tin, sự kiện mới đăng tải trên mạng xã hội trước báo chí là do người sử dụng mạng xã hội có mặt ở mọi nơi, nên họ đã kịp thời thu nhận những hình ảnh hoặc quay video clip về sự kiện để đăng tải ngay. Ở đây, thách thức của báo chí với mạng xã hội là mất trận địa thông tin. Đó là việc có những sự kiện, các báo chính thống chưa kịp tác nghiệp, thông tin trên mạng xã hội đã tràn ngập.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội tháng 2-2019. Ảnh: Internet
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội tháng 2-2019. Ảnh: Internet

Mạng xã hội phát triển giúp nhà báo tiếp cận gần hơn với công chúng và khai thác được nguồn thông tin từ mạng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là thông tin trên mạng xã hội không dễ sàng lọc và kiểm chứng nên đòi hỏi nhà báo và cơ quan báo chí khi tham gia mạng xã hội phải ý thức được trách nhiệm của mình. Thực tế ở nhiều cơ quan báo chí có tình trạng một số phóng viên, thay vì đi tìm hiểu thực tế, đã khai thác nội dung từ các trang cá nhân mà không đủ năng lực, cũng như trách nhiệm trong việc kiểm chứng, xác minh nên dẫn đến tình trạng thông tin sai hoặc thiếu chính xác. Chính việc sao chép dễ dàng cùng với sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan báo chí là nguyên nhân khiến nhà báo chỉ ngồi tại chỗ xem mạng là có thể sản xuất được tác phẩm báo chí, thậm chí có nhiều tin bài được đăng hơn những nhà báo làm nghề nghiêm túc…

II. Đổi mới báo chí trước thách thức của mạng xã hội

Trước những thách thức về tính nhanh nhạy, lan tỏa và tương tác cao của mạng xã hội, các cơ quan báo chí phải đổi mới mạnh mẽ tư duy làm báo để khẳng định vai trò thông tin chính thống của mình trong lòng công chúng. Nghĩa là bên cạnh yếu tố nhanh nhạy, kịp thời, đa dạng hóa thông tin, đáp ứng nhu cầu của xã hội thì báo chí cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là tăng cường sự minh bạch và kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội. Cũng tại hội thảo “Những yếu tố làm cho báo chí địa phương không thua mạng xã hội” do Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí khẳng định: Các cơ quan báo chí thắng mạng xã hội ở ba điểm: Thứ nhất, là được Nhà nước cấp phép, lại có đội ngũ nhà báo được đào tạo bài bản để khai thác, tiếp cận thông tin và có trình độ, khả năng bình luận tốt hơn. Thứ hai, nội dung thông tin bảo đảm chính xác hơn. Thứ ba, được Nhà nước đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại. Những lợi thế đó tạo nên tính chuyên nghiệp trong các cơ quan báo chí. Trên thực tế, hiện nay báo chí song hành, tương tác với mạng xã hội. Để cạnh tranh với mạng xã hội, các cơ quan báo chí thường xuyên cập nhật tin tức nhanh nhất, khách quan nhất, chính xác nhất và có tính định hướng cao để khẳng định vai trò cung cấp thông tin chính thống của mình. Trong tâm thức của bạn nghe đài và xem truyền hình, thông tin trên báo chí là nguồn thông tin có độ tin cậy cao và được người đọc coi như nguồn để đánh giá, kiểm chứng trên mạng xã hội. Để duy trì được niềm tin trong công chúng, các cơ quan báo chí cần đấu tranh, kiên quyết không để tình trạng phóng viên làm báo kiểu “xa lông”, ngồi phòng lạnh xào xáo tin bài. Các cơ quan báo chí cần tăng cường chỉ đạo, định hướng, cổ vũ các nhà báo bám sát thực tiễn, phát hiện, tôn vinh những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thường xuyên quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) trong cán bộ, phóng viên cơ quan báo chí. Đây cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan báo chí xử lý những sai phạm trong thực tế tác nghiệp, làm báo của cán bộ, phóng viên; đồng thời giúp nhà báo thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp để lựa chọn vấn đề, chắt lọc thông tin, bảo đảm tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí của mình.

Báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Với tôn chỉ mục đích đã được xác định là phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân, trong quá trình xây dựng và phát triển, báo chí cả nước nói chung và hệ thống báo Đảng địa phương nói riêng luôn là nguồn thông tin chủ lực, chính thống trong việc định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, mặc dù bị mạng xã hội cạnh tranh gay gắt nhưng nếu biết tận dụng những ưu thế của mạng xã hội, báo chí sẽ có thêm động lực, điều kiện để phát triển./.

Trần Đức Long

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com