Giá trị văn hoá tín ngưỡng qua các công trình Phật giáo ở Trực Ninh

05:05, 24/05/2019

Ngoài hệ thống các di tích đình, đền, từ đường, trên địa bàn huyện Trực Ninh có nhiều công trình Phật giáo với những ngôi chùa cổ kính. Trải qua những biến thiên của lịch sử, các ngôi chùa vẫn bảo lưu được các hạng mục kiến trúc nghệ thuật, những pho tượng Phật cổ cùng nhiều bảo vật vô giá; qua đó góp phần phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng của đạo Phật trong đời sống cộng đồng.

Bảo Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ).
Bảo Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ).

Toàn huyện hiện có hơn 60 ngôi chùa lớn, nhỏ; trong đó nhiều chùa có tuổi đời từ 200-500 năm được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá như: Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ); Chùa Cổ Chất, Chùa Cự Trữ (xã Phương Định); Chùa Phúc Ninh (xã Trực Cường); Chùa Nam Lạng (xã Trực Tuấn)… Phần lớn các ngôi chùa cổ ở Trực Ninh được xây dựng từ thời Lý - Trần đến thời Nguyễn (từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX). Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự), Thị trấn Cổ Lễ thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không - Đức Thánh Tổ có công khởi dựng chùa vào thời Lý. Năm 1920, chùa được Trụ trì Phạm Quang Tuyên phát tâm công đức xây dựng lại, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”. Ngôi chùa có nhiều điểm riêng biệt so với những ngôi chùa cổ ở Việt Nam bởi sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc cổ truyền (Phật giáo) với kiến trúc Gô-tích (Gia-tô giáo). Độc đáo của chùa Cổ Lễ là quả chuông cao 4,2m, nặng 9 tấn. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại: Vào năm 1936, nhiều người dân địa phương đã cúng tiến trang sức vàng, bạc để nấu đồng đúc chuông. Bảo Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa là một di sản văn hoá kiến trúc độc đáo. Tháp có 9 tầng mang ý nghĩa “cửu trùng” - một đặc thù tín ngưỡng của Đạo Phật Thích Ca. Lễ hội Chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 (âm lịch) hàng năm với các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống: lễ rước Phật, Đức Thánh Tổ và các tiết mục diễn xướng tâm kinh, trò chơi dân gian: đấu vật, cờ người… Đặc biệt là hội thi bơi chải trên sông quanh chùa có sự tham gia của 5 dòng họ lớn trong thị trấn là: Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm (Dương nhì), chia làm 4 chải, mỗi chải 15 người bao gồm 12 tay chèo, 1 tay lái, 1 tay mõ và 1 người tát nước. Trước hội thi, các dòng họ tổ chức lễ hạ chải, rước kiệu tổ họ lên chùa hầu Thánh. Trên đường rước kiệu có đội bát âm, đội cờ, đội kèn, trống…, dưới sông có các đội bơi chải diễn lễ “bơi chầu Thánh”. Sáng 13-9, sau khi sư trụ trì Chùa Cổ Lễ làm lễ tẩy uế các chải, cũng là lúc hội thi bơi chải được bắt đầu. Thành phần tham gia bơi chải được các dòng họ tuyển chọn kỹ lưỡng từ các lão nông tri điền giàu kinh nghiệm đến các thanh thiếu niên khỏe mạnh, nhiệt huyết. Trong khí thế rộn rã, náo nhiệt của hội thi, những người tham gia và cổ vũ chải đều mong muốn có sức khỏe đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Ở huyện Trực Ninh, hệ thống thiết trí thờ tự trong các chùa mang tính chất tương hợp văn hóa Phật giáo với sự hiện diện không chỉ là các vị Phật, Bồ tát trong đạo Phật mà còn có cả Quan Thánh, Long thần hộ pháp, Thổ Địa, Thổ Công, Thành hoàng làng… Các chùa đa phần thiết kế theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”, hai bên tả hữu thờ các vị Quan Âm Bồ tát, Thế Chí Bồ tát hoặc Quan Thánh, Thánh Tổ, Thánh Mẫu… Xã Phương Định là vùng đất cổ, có nhiều chùa được xếp di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là: Chùa Cổ Chất, làng Lộng Khê; Chùa Cự Trữ, thôn Cự Trữ và 2 di tích cấp tỉnh là: Chùa Văn Hiến, thôn Văn Hiến; Chùa Lộ Xuyên, làng Lộ Xuyên. Các di tích có kiến trúc đẹp, nằm trong khuôn viên rộng rãi gắn với đình làng, phủ Mẫu tạo thành một tổng thể công trình văn hoá tín ngưỡng “tiền Phật, hậu Thánh” bề thế. Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Cự Trữ được tổ chức vào ngày 15-3 (âm lịch) hàng năm. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu, rước đuốc và khu trưng bày sinh vật cảnh và gian thơ ca ngợi quê hương, đất nước và phản ánh nhiều mặt đời sống sinh hoạt của làng. Hàng năm vào ngày mồng 6-3 (âm lịch), làng Cổ Chất mở hội đón dân làng và khách thập phương tới dâng hương các vị Thành hoàng, tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng làng quê cho con cháu hôm nay. Vào những ngày mở hội, cùng với những nghi thức trang nghiêm, thành kính, các lễ hội trở nên sôi động hơn với những trò chơi dân gian như: bắt vịt dưới ao, đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ tướng, chơi đu, rồi tiếng trống chèo rộn rã với các tích chèo cổ. Nhiều ngôi chùa ở các xã, thị trấn trong huyện như: Ninh Cường, Trực Hùng, Trực Tuấn, Trực Thuận, Liêm Hải, Việt Hùng, Trung Đông…, hàng năm, ngoài dịp lễ hội làng truyền thống gắn với các di tích thì vào các ngày mồng 1, ngày rằm hàng tháng, các ngày lễ Phật đản, lễ Vu lan hay các ngày Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu… người dân đều tổ chức dâng hương hoa. Trong đó, lễ Phật đản là đại lễ quan trọng của đạo Phật trong năm được tổ chức tại chùa vào ngày rằm tháng 4 (âm lịch) để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Với cõi tâm hướng về Đức Phật, lễ Phật đản diễn ra nhiều nghi thức như: cúng, dâng hoa, phóng sinh chim bồ câu, thả đèn hoa đăng trên sông… Cùng với lễ Phật đản, lễ Vu lan tại các chùa được tổ chức trang trọng vào ngày rằm tháng 7 (âm lịch) với những nội dung như: giảng kinh về đạo hiếu, lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng, lễ cầu siêu giải trừ oan khiên cho các vong hồn chết vì thiên tai, dịch bệnh… Theo tập quán truyền thống, các gia đình sửa soạn lễ để dâng cúng, lễ Phật cầu nguyện cho các vong linh được siêu thoát; nhiều người ăn chay, niệm Phật, đến chùa nghe thuyết pháp, chuẩn bị đồ cúng dường chư tăng ni vào ngày lễ. Việc đi lễ không chỉ giúp cho người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn hướng con người tới cái “chân - thiện - mỹ”, tạo dựng niềm tin giữa đời sống con người với đời sống tâm linh.

Về Trực Ninh được tham quan, chiêm ngưỡng các di tích, cùng nhau lễ bái Phật, lòng người không khỏi bồi hồi, xúc động trước những giá trị văn hoá tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của quê hương. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những giá trị đó vẫn giữ được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân để cầu nguyện cho quê hương, đất nước hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân an vui./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com