Khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

06:04, 26/04/2019

Toàn tỉnh hiện có trên 3.600 nhà văn hóa, gần 2.500 khu thể thao thôn, xóm, tổ dân phố; 229 nhà văn hóa/hội trường đa năng và 187 khu thể thao, nhà thi đấu của các xã, phường, thị trấn… Hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở sau khi xây dựng, cải tạo đều được khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Với hệ thống nhà văn hóa từ xã, phường, thị trấn đến các thôn, xóm, tổ dân phố được đầu tư xây dựng đồng bộ, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ở các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi nổi. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 870 đội văn nghệ quần chúng, 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; gần 1.500 câu lạc bộ thể thao cơ sở, thu hút 30,3% dân số toàn tỉnh tham gia luyện tập thể dục, thể thao; 18,8% số hộ, gia đình thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở như: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… Hiện nay, các xã, thị trấn ở huyện Giao Thủy đều có nhà văn hóa, khu thể thao để tập luyện các môn bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông… Ở 307 xóm của huyện đều có nhà văn hoá hoặc điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nhiều xã như Giao Lạc, Giao Châu, Giao An, Giao Hải, Giao Thanh ban hành cơ chế khuyến khích xây dựng nhà văn hóa xóm với mức hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng/1 nhà văn hóa xóm. Với hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được xây dựng đồng bộ, Giao Thủy là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh về phong trào văn nghệ, thể dục thể thao. Toàn huyện hiện có 157 tổ, đội văn nghệ, 6 câu lạc bộ văn học nghệ thuật cấp huyện, 89 câu lạc bộ thể dục thể thao. Các tổ, đội, câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ đều xây dựng quy chế, nguồn quỹ hoạt động từ sự đóng góp của các thành viên và thu nhập từ những buổi biểu diễn để mua sắm trang phục, các thiết bị phục vụ hoạt động.

Một tiết mục biểu diễn của hội trống nữ xã Hải Xuân (Hải Hậu).
Một tiết mục biểu diễn của hội trống nữ xã Hải Xuân (Hải Hậu).

Ở huyện Xuân Trường, với phương châm: cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, nhân dân trong xóm đóng góp, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ gần 700 triệu đồng để các địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Các xã, thị trấn hỗ trợ các thôn, xóm, tổ dân phố xây mới nhà văn hóa. Với cách làm đồng bộ, đến nay, toàn huyện có 300/312 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, 12 nhà văn hóa liên xóm. Nhiều xã thực hiện tốt việc xây dựng thiết chế văn hóa như: Xuân Kiên, Xuân Bắc, Xuân Vinh… Các xã phát triển mạnh phong trào văn nghệ quần chúng đều là những địa phương có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ. Toàn huyện hiện có hàng chục tổ, tốp, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn; tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao thường xuyên đạt gần 30%. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các địa phương đều tổ chức hội diễn văn nghệ, các giải thể thao, thu hút hàng trăm diễn viên, vận động viên tham gia sôi nổi.

Ở huyện Nghĩa Hưng, các thiết chế văn hoá của huyện, nhà văn hoá, trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn do ngân sách Nhà nước các cấp đảm nhiệm. Công trình nhà văn hoá, sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố Nhà nước hỗ trợ từ 20-50% kinh phí, còn lại do nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng. Ở chi bộ 1, xã Nghĩa Lâm nhiều đảng viên gương mẫu đi đầu trong đóng góp xây nhà văn hóa xóm; trong đó gia đình đảng viên Đỗ Thanh Phong ủng hộ gần 120 triệu đồng; nhiều gia đình đảng viên, nhân dân trong xóm ủng hộ từ 5 đến 45 triệu đồng... Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, cả 25 xã, thị trấn trong huyện đều có nhà văn hoá, trung tâm văn hoá - thể thao; 283 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá. Các thiết chế văn hoá hoàn thiện là cơ sở để phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao. Đến nay huyện có 1 câu lạc bộ văn hoá - nghệ thuật, 25 câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và gần 150 đội văn nghệ thôn, xóm, tổ dân phố, hoạt động đa dạng ở nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: chèo, cải lương, cà kheo, múa rối nước, múa tứ linh, trống cà rùng, trống trắc, kèn đồng, bơi chải…

Để phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố và các huyện cử cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Huyện Xuân Trường có 20 xã, thị trấn; đội ngũ cán bộ văn hóa trẻ chiếm 60%. Các xã, thị trấn của huyện luôn phát huy tốt vai trò trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Anh Nguyễn Văn Hiến (39 tuổi), cán bộ văn hóa xã Xuân Tân ngoài việc đảm nhận tốt công việc của công chức văn hóa xã, là đạo diễn, lên kịch bản các hội diễn văn nghệ quần chúng ở địa phương… anh còn là thành viên đội chèo thôn Nam Phú, phụ trách đội văn nghệ xung kích xã.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực xây dựng, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com