Tục mừng tuổi ngày Tết có còn là nét đẹp văn hoá?

03:02, 15/02/2019

Tặng tiền mừng tuổi vào dịp đầu năm là một phong tục phổ biến ở các nước Á Đông. Phong tục này vốn phổ biến ở Việt Nam từ rất lâu vào dịp Tết Nguyên đán. Người Việt Nam theo tục lệ xưa, cứ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán là con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì” lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy may và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới, cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới. Tiền mừng tuổi trước kia không bao giờ là đồng tiền có mệnh giá quá lớn mà chỉ là những tờ bạc lẻ hay vài đồng xu. Tiền mừng tuổi càng lẻ, nhiều mệnh giá sẽ càng có ý nghĩa khi mong muốn những đồng tiền sẽ sinh sôi, nảy nở thêm. Trẻ em được mấy đồng xu mừng tuổi thì vui mừng xâu nó vào thành chuỗi để dành hoặc chạy ra đầu ngõ mua nắm trứng chim hoặc vài con pháo tép. Những trẻ nhà nghèo thì được đồng mừng tuổi nào là bỏ ống để ra giêng mua sách vở, bút mực. Đồng tiền mừng tuổi có ý nghĩa, giá trị của nó.

Ngày nay, do tác động của cơ chế thị trường, tục mừng tuổi đã ít nhiều bị biến tướng, mất đi nét đẹp vốn có. Người ta không còn sử dụng tiền xu, tiền hào và cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi mà thay vào đó là những đồng bạc xanh, bạc đỏ, thậm chí đô la có mệnh giá lớn. Mừng tuổi không còn mang ý nghĩa thay cho lời chúc tốt đẹp đầu năm mà còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính khác. Nhiều người lấy tục mừng tuổi để thể hiện “đẳng cấp”, người thì lấy đó làm phương tiện để đút lót, nịnh bợ... vì vậy với có những phong bao “lì xì” có giá trị cả triệu đồng. Và những phong bao lì xì nho nhỏ trước kia đã thay thế bằng những phong bao có kích cỡ lớn hơn, màu sắc rực rỡ, trang trí sang trọng, bắt mắt. Người lớn đã vậy, với con trẻ bây giờ, tục mừng tuổi cũng không còn mang ý nghĩa như trước, hình như trẻ con bây giờ cũng đã biết tính toán khi Tết năm nay được nhiều hơn hay ít hơn Tết năm ngoái, bác A mừng tuổi ít hơn bác B… Nhiều ông bố, bà mẹ cũng đau đầu với việc quản lý tiền mừng tuổi của con khi xung quanh nơi ở đầy rẫy các hàng điện tử và các cửa hàng đồ chơi bạo lực. Với nhiều người, mừng tuổi ngày Tết đã trở thành nỗi lo lắng vì cùng với những khoản chi tiêu cho ngày Tết thì việc lo tiền mừng tuổi cũng là nỗi lo không hề nhỏ. Cứ mỗi phong bao lì xì 50 hay 100 nghìn đồng thì cả mấy ngày Tết, số tiền lì xì cũng phải lên tới triệu đồng! Nhất là với những gia đình có đông anh em họ hàng, mỗi khi về quê chúc Tết là phải chuẩn bị vài chục phong bao lì xì cho cả người lớn lẫn trẻ con. Mừng nhiều thì không có, mừng ít thì thế nào cũng lại lời ra tiếng vào chê bai, dè bỉu. Với những gia đình công nhân viên chức thuần tuý, gia đình nghèo phải tằn tiện lắm mới lo được một cái Tết thì việc chi cả triệu đồng cho việc mừng tuổi không phải là đơn giản. Do vậy mà tâm lý sợ Tết, lo Tết đến là hiện tượng phổ biến của nhiều gia đình nghèo. Vì vậy cần có những thay đổi trong suy nghĩ từ việc mừng và nhận tiền mừng tuổi từ mỗi gia đình trong dịp Tết, để Tết đến, Xuân về thực sự là niềm mong mỏi, niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người./.

Phương Mai
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com