Xứng danh "Miền di sản"

02:01, 22/01/2019

Với “thế đứng” của một tỉnh giàu truyền thống văn hiến, Nam Định xứng danh là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hoá với 364 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 4 di sản văn hóa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 81 di tích quốc gia.

Nghi thức
Nghi thức "Rước nước, tế cá" trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần.

Từ "Tinh hoa Di sản văn hoá dân tộc"

Nam Định là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hóa; dưới thời Trần, từng giữ vị thế như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Trong quá trình xây dựng và phát triển, các thế hệ người dân trong tỉnh đã sáng tạo và lưu truyền nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị và sâu sắc, trong đó có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Cha và Thánh Mẫu với “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, “Lễ hội Phủ Dầy” và "Lễ hội Đền Trần" để trở thành một trong những trung tâm khởi nguồn, hội tụ và tỏa sáng của tín ngưỡng bản địa đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay. 

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần, Chùa Phổ Minh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2012), Lễ hội Đền Trần (gồm Lễ Khai ấn đầu xuân và Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận và vinh danh di sản văn hóa Trần và triều đại nhà Trần trên quê hương Nam Định. Hằng năm tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Phổ Minh có hai kỳ lễ hội là Lễ Khai ấn đầu xuân mang ý nghĩa tôn vinh triều đại nhà Trần và lễ hội Tháng 8 tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Trong đó, Lễ Khai ấn đầu xuân là một phong tục có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với những vị vua anh minh bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính. Tại Lễ hội Trần tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch, nghi thức tế lễ tại Đền Trần mang ý nghĩa tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII đã ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược. Về dự Lễ hội Đền Trần, các du khách còn được tìm hiểu về lịch sử truyền thống vương triều Trần, đặc biệt là Hành cung Thiên Trường với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, các điền trang thái ấp của các vương tôn quý tộc, được coi như kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt sau kinh thành Thăng Long vào thế kỷ XIII-XIV, đồng thời, tìm hiểu về cách trị quốc an dân, những định hướng tư tưởng chính trị, quân sự, các chính sách quan trọng về đào tạo, trọng dụng nhân tài, chính sách trọng nông, khai hoang lấn biển… 

“Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy" với giá trị tinh hoa di sản văn hóa đặc sắc của đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay, gắn liền với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Cha và Thánh Mẫu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến “Nghi lễ Chầu văn”. Trong đó, quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn. Về mặt lịch sử, lễ hội Phủ Dầy có quá trình lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền qua các thế hệ. Về phương diện văn hóa, lễ hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người mẹ. Lấy hình tượng mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống, lễ hội Phủ Dầy phản ánh tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước sống hòa đồng, coi trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc; là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.

Đến "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"

"Nghi lễ Chầu văn của người Việt" được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tháng 12-2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa, bao gồm cả hai loại, theo cách phân loại của UNESCO là vật thể và phi vật thể. Các đền, phủ thờ Mẫu Tam phủ có ở nhiều nơi trên đất nước ta; trong đó, ở hai huyện Vụ Bản và Ý Yên nói riêng, tỉnh Nam Định nói chúng là vùng trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. 

Căn cứ lịch sử của tín ngưỡng Tứ phủ, thì hát Văn là thể loại hình thành sớm hơn so với các thể loại dân ca khác; đồng thời Nam Định là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, là cái nôi của nghệ thuật Chầu văn. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Về hình thức nghệ thuật, nét độc đáo của nghệ thuật Chầu văn Nam Định rất đa dạng hình thức biểu diễn như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Hát thờ thường được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa...) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng (còn gọi là hát văn công đồng). Các bài văn tùy thuộc vào từng giá hầu mà có nội dung phù hợp. Bài văn thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát, hay biến thể 4-7 hoặc 5-8... Nghệ thuật Chầu văn Nam Định có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Các điệu Chầu văn như hát cờn, hát phú, hát dọc, hát xá…, mỗi điệu đòi hỏi một kỹ thuật riêng, trong đó hát phú là khó nhất, vừa lấy hơi sâu vừa phải giữ hơi dài, hát liên tục, nối nhanh các điệu với nhau để tránh rời rạc và phải kết hợp trống, phách, nhị. Đối với các cung văn phải có giọng hát trong trẻo, truyền cảm, trữ tình, mềm mại phù hợp với tính cách nữ tính của người mẹ - Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ. 

Việc UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng, trong đó, tỉnh Nam Định là trung tâm trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định", đến nay, tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Khu trung tâm lễ hội Đền Trần; lập Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực Phủ Dầy và phụ cận nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích; quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Nam Định với bạn bè quốc tế, trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com