Nam Hoa phát huy giá trị văn hoá truyền thống

08:09, 07/09/2018

Xã Nam Hoa (Nam Trực) là vùng đất cổ. Nơi đây còn lưu giữ đậm nét dấu ấn văn minh của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Nam Hoa quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống trong các gia đình, dòng họ, làng xã, tạo nền tảng cho việc thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Học sinh Trường THCS Nam Hoa trong một giờ học ngoại khóa.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Học sinh Trường THCS Nam Hoa trong một giờ học ngoại khóa.
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian, vào thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV), những dòng họ đầu tiên đã đặt chân đến đến vùng đất này sinh sống, tạo lập làng xóm. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, xã Nam Hoa gồm các làng Hưng Đễ, Hưng Nghĩa, Trí An thuộc tổng Cổ Nông; làng Y Lư thuộc tổng Cổ Gia (huyện Tây Chân, Phủ Thiên Trường). Làng Hưng Đễ dưới thời Lý gọi là ấp, đến thời Lê mở rộng thành xã Vĩnh Hưng. Hai vị thuỷ tổ có công khai phá vùng đất này đều là tầng lớp quan lại trong vùng thuộc 2 dòng họ Phạm, Đặng. Vào thời Trần, các làng An Trí, Y Lư được 2 vị tổ là Triệu Chân Kính và Lê Bá Kỳ cùng các vị tổ dòng họ Phạm Vũ đến khai khẩn, tạo lập làng xã. Làng Hưng Nghĩa được hình thành từ thời Lê, ban đầu chỉ là trại nhỏ thuộc xã Vĩnh Hưng. Người có công khai khẩn mảnh đất này là tổ Trần Công Toàn. Cuối thời Lê, xã Vĩnh Hưng được đổi tên thành xã Vĩnh Long, đến đầu thế kỷ XX đổi tên thành xã Hưng Nghĩa. Từ xa xưa, người dân Nam Hoa đã lấy nghề nông làm nghề cơ bản để sinh sống. Với biết bao mồ hôi, công sức và trí tuệ, các thế hệ người dân quê hương đã biến mảnh đất từ sình lầy, hoang vu thành một vùng quê trù phú với những cánh đồng lúa, hoa màu. Cùng với việc trồng cấy, nhân dân chú trọng làm thuỷ lợi, đào đắp nhiều kênh mương, bờ, dậu để dẫn thuỷ nhập điền, chống thiên tai, lũ lụt, bảo vệ mùa màng. Ngoài trồng lúa và hoa màu, người dân Nam Hoa đã phát triển được nghề trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vào thế kỷ XX, cùng với sự phát triển làng xã và giao lưu kinh tế, ngành nghề thủ công cũng được nhân dân học hỏi, phát triển nâng cao thu nhập. Nhiều ngành nghề được lưu truyền và tồn tại đến ngày nay như: làm gạch nung, thợ nề, mộc, mây tre đan… Trải qua bao thời kỳ phát triển của lịch sử, người dân Nam Hoa luôn coi trọng văn hoá tâm linh trong việc thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên, các anh hùng dân tộc, vị thần làng có công với nước, với dân. Trước đây, ở cả 4 làng: Hưng Đễ, Hưng Nghĩa, Trí An, Y Lư đều lập đền, miếu thờ các vị thành làng, bản thổ; các dòng họ: Phạm, Đặng, Nguyễn, Ngô, Trần, Triệu, Lê, Vũ trong các làng đều xây dựng từ đường để giữ gìn thuần phong mỹ tục. Đời sống văn hoá tinh thần của người dân Nam Hoa rất phong phú với nhiều lễ hội mang ý nghĩa phồn thực, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hằng năm, vào dịp nông nhàn, ngày kỵ của các Thành hoàng làng, nhân dân đều tổ chức các lễ hội đầu Xuân tại các di tích. Làng Hưng Đễ mở hội từ ngày mồng 10 đến 15 tháng Giêng. Làng Y Lư mở hội từ ngày 20 đến 24-2 âm lịch. Làng Hưng Nghĩa mở hội vào ngày 15-4 âm lịch…

Trên nền tảng văn hoá làng truyền thống, nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Nam Hoa luôn coi trọng việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá quê hương. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đến nay, cả 17 thôn, xóm trong xã đều được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 3 trường học, 1 trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn nếp sống văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm luôn đạt từ 85-90%. Xã có 7/17 thôn, xóm có NVH, kinh phí xây dựng NVH phần lớn bằng sự huy động, đóng góp của nhân dân. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều thôn, xóm thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tiêu biểu là các các thôn, xóm: Mỹ Bảo, Hoa Đông, Y Lư... Vào ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (23-11), các thôn, xóm, đều tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, đề ra nhiệm vụ giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo; định kỳ biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Đến nay, cả 17 thôn, xóm trong xã đều xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hóa. Nội dung của các bản hương ước, quy ước đều do nhân dân cùng thoả thuận dựa trên những quy định của pháp luật, chú trọng đến những quy tắc ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Việc thực hiện hương ước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy quy chế dân chủ cơ sở, tác động tích cực đến các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần gìn giữ và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. Các lễ hội trên địa bàn xã được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Xã có 10 di tích là những công trình kiến trúc đền, đình, chùa, từ đường cổ; trong đó có 3 di tích được UBND tỉnh xếp hạng là: Chùa Hưng Đễ, Đền Y Lư và Từ đường họ Triệu. Từ kinh phí xã hội hoá, lễ hội được chính quyền và nhân dân tổ chức vào các năm chẵn. Ngoài phần lễ linh thiêng, phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: kéo co, cờ tướng, cờ người, đấu vật, thổi cơm thi... kết hợp với biểu diễn văn nghệ dân gian quần chúng. Lễ mừng thọ cho các bậc cao niên ở xã cũng được tổ chức trang trọng tại từ đường các dòng họ vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Việc tổ chức liên hoan mừng thọ được thực hiện theo nếp sống văn minh, chỉ bó hẹp phạm vi nội bộ gia đình, không làm cỗ mời khách ăn uống linh đình. Là địa phương có truyền thống hiếu học, các hoạt động khuyến học trong các dòng họ ở xã Nam Hoa đang ngày càng được phát huy. Các ban khuyến học các dòng họ có nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả. Toàn xã có 8 dòng họ, cả 8 dòng họ đều được công nhận “Dòng họ văn hoá - Dòng họ hiếu học”; 90% gia đình trong các dòng họ tham gia công tác khuyến học.

Trong công cuộc CNH-HĐH nông thôn, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa làng truyền thống ở xã Nam Hoa đã tạo nền tảng vững chắc để cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com